Lòng Hồ Tây, bí ẩn ngàn năm...
Khám phá hồ nước tự nhiên lớn nhất nội thành Hà Nội với diện tích hơn 500ha, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dù cho bao nhiêu ngòi bút đã “cày xới” Hồ Tây từ nhiều năm nay, ở nhiều góc cạnh, nhưng Hồ Tây hôm nay vẫn cứ mênh mang bao điều bí ẩn, cuốn hút khiến người đời tha thiết khám phá bí ẩn lòng hồ.
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, thủ từ đình Nghi Tàm tiếp tục “dẫn” tôi đi thăm thú Hồ Tây qua dòng ký ức ngọt ngào về nơi chôn rau cắt rốn, chất chứa bao kỷ niệm của riêng ông. Nơi này, tổ tiên bao đời của ông đã từng sinh ra, lớn lên, trưởng thành và rồi lại tan hoà cùng sóng nước dập dềnh khi Hồ Tây được hình thành. Đó chính là minh chứng về hàng ngàn ngôi mộ cổ nằm lại dưới đáy Hồ Tây mà báo Người Đưa Tin đã có dịp phản ánh trong bài báo trước đó: Sự thật về tôm cá Hồ Tây được nuôi từ 4 nghĩa địa cổ (3).
Hồ Tây xưa có rất nhiều đảo nhỏ giống như kiểu núi Nùng trong vườn Bách Thảo bây giờ. Những hòn đảo như thế “mọc” hầu hết ở vùng Xuân La, Bưởi ngày nay. Những cây cối rậm rạp tạo cho Hồ Tây những nét đặc trưng riêng, với nhiều điều kỳ bí. Tuy sau này, nước dâng lên và những ngọn “núi Nùng” như thế đã bị bao lớp sóng bào mòn và tan biến, nhưng nó vẫn là biểu tượng được người Hà Nội lưu giữ trong ký ức, minh chứng cho một Hồ Tây đầy sức sống và yên bình.
|
Đã có những người hiểu tôm cá Hồ Tây đến tận nết ăn, nết di chuyển và được phong là "rái cá". |
Sau này, khi Nhà nước bắt đầu quản lý việc đánh bắt cá Hồ Tây thì bắt buộc phải phá những chứng tích còn sót lại sau lớp sóng đánh. Như thế có thể giúp bảo vệ tốt nguồn cá nuôi tránh việc mất cắp và những cảnh đẹp như cổ tích chỉ còn lại trong ký ức của những người còn nặng lòng với Hồ Tây.
Ông Diệp nhớ lại: “Ngày xưa, những năm 1950-1956, có những ngày tôi không thể nào ngủ được khi nằm ở nhà mình. Nhà tôi ngay sát với hồ nước mênh mông vì khi đó chưa có con đường ven hồ như ngày nay. Bởi vậy, những khi vào mùa cá đẻ, cá to đều đều chừng mười mấy đến hai mươi, ba mươi kilôgam, chúng bật nhảy ầm ầm như kiểu vận động viên nhảy trên hồ bơi vậy. Thực sự là tôi đã có những ngày mất ngủ như thế và chắc nhiều người cũng giống tôi”.
Tuyệt chiêu “soi” bọt nước bắt cá
Có lẽ cũng vì cá tự nhiên rất to và nặng cân như vậy nên dân câu ở Hà Nội tìm về quanh hồ câu cá phải ròng dây thật cẩn thận chứ không như bây giờ. Khi cá cắn câu, các cần thủ thường phải để cho con cá ngậm mồi ở dưới nước rất lâu, chừng 2 tiếng đồng hồ, để đến khi con cá mệt lả đi thì mới có thể bắt được nó lên bờ.
Những người đã mang danh làm nghề đánh bắt cá Hồ Tây thường có rất nhiều kinh nghiệm. Khi họ lội xuống nước là có thể mở mắt như bình thường và thoải mái ngắm nhìn Hồ Tây từ một góc rất riêng. Họ thậm chí có thể nhìn váng nước Hồ Tây có thể đoán biết được hôm đó, loại cá nào đi qua vùng nước đó nhiều và cá nào không nhiều để lựa dụng cụ và phương pháp đánh bắt cho phù hợp. Họ nhìn vào từng đợt sóng, nhìn bọt nước của Hồ Tây để biết được mùa nào nhiều cá gì và thời điểm cá sắp đẻ là khi nào để tìm cách đánh bắt.
Mỗi loại cá khác nhau sẽ có dụng cụ đánh bắt riêng. Qua việc nghiên cứu bọt nước như thế thì người đi đánh bắt bao giờ cũng có được kết quả như ý muốn.
Không chỉ cá mà ngay cả với tôm, những “rái cá” Hồ Tây cũng biết cách đánh bắt có hiệu quả nhất. Ngày xưa, khi chưa có bờ kè bê tông như bây giờ thì ở xung quanh Hồ Tây thường trồng cây liễng để sóng to gió lớn không bị lật đất.
Vào những ngày gió bấc, họ mang cái lờ tôm dài có hai đầu, một đầu cho tôm đi vào và họ để mồi ở đầu phía trong. Tôm ham ăn đi tìm mồi thì chỉ có đường vào mà không có đường ra.
|
Nhiều người dân vẫn rất thích ra Hồ Tây câu cá mỗi ngày. Ảnh minh họa. |
Nếu khi nào thấy gió Đông Nam, người đánh bắt sẽ quay hướng đặt mồi trong cái lờ tôm ra theo hướng gió. Kinh nghiệm cho thấy, nếu đầu đặt mồi quay vào hướng Bắc, chỉ bắt được chừng 3 con tôm nhưng khi quay hướng Đông Nam thì nó vào đến 70 con.
Đó là cách mà người ta gọi là "mở cửa đón khách", giống khi làm nhà, chủ nhà vẫn thường mở cửa theo hướng Đông Nam để hưởng mát mẻ mùa hè, ấm áp mùa đông vậy.
“Có lẽ cũng chính bởi việc đành bắt trở nên quen tay đến mức họ biết hết cả hướng đi và tính nết con tôm, con cá theo từng thời điểm mùa vụ trong năm, thậm chí là theo ngày, giờ này đi đâu, hướng nào, giờ kia đi theo hướng nào nên người ta mới phong các cụ là “rái cá Hồ Tây” như vậy”, ông Diệp thủng thẳng nâng chén trà nóng nhấp một ngụm rồi đưa đôi mắt nhìn ra phía xa xăm.
Tôi dừng xe bên đường ven hồ, đoạn đường phía công viên nước Hồ Tây. Từ đây, có thể phóng tầm mắt nhìn Hồ Tây một cách bao quát, mênh mông bất tận. Và trong tôi, hình ảnh của những ngọn núi Nùng cứ bảng lảng đâu đó trong sương chiều, trên những cẳng sen qua mùa đã đen kịt và héo úa...
Theo Người Đưa Tin