Ứng phó bão số 10: Các tỉnh miền Trung cấm biển, sơ tán dân

Google News

(Kiến Thức) - Để ứng phó với cơn bão số 10, Hà Tĩnh đã ban lệnh sơ tán hơn 10 nghìn dân, nhiều tỉnh Nghệ An, Thái Bình… đã cấm biển từ sáng nay.

Hiện nay công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 10 ở Trung Ương và các địa phương đang được khẩn trương triển khai.
Ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13/9/2017 gửi UBND các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội và các Bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ yêu cầu triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10 và mưa lũ.
Bộ trưởng – Trưởng Ban Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo TWPCTT triển khai các biện pháp ứng phó bão số 10; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đã có Công điện số 62/CĐ-TW hồi 19h30 ngày 12/9/2017 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, các tỉnh Bắc Bộ và các Bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10 và mưa lũ sau bão.
Ung pho bao so 10: Cac tinh mien Trung cam bien, so tan dan-Hinh-3
 
Các Bộ Công An, Giao thông vận tải, Y tế đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo biên phòng tuyến biển phối hợp với các địa phương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có Công điện gửi các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với bão.
Tại các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ đã triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ; trong đó các tỉnh Thái Bình và Nghệ An đã thực hiện cấm biển từ sáng ngày 14/9/2017.
Ông Nguyễn Văn Hậu, trú xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết gia đình ông mới ra khơi khoảng 3 ngày, nhận được thông tin báo bão mạnh nên phải cho thuyền quay trở vào bờ để tránh trú.  Ảnh: Phạm Trường - Zing.vn 
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Nguyễn Xuân Đường cho biết, tỉnh Nghệ An đã triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; ban hành 03 công điện chỉ đạo công tác triển khai ứng phó bão trên địa bàn tỉnh;
Giao Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương chỉ đạo ứng phó cơn bão; ban hành lệnh cấm cá tàu thuyền và phương tiện ra khơi từ 7h ngày 14/9; tổ chức trực ban từ tỉnh đến cơ sở để theo dõi diễn biễn cơn bão.
Tỉnh đã chủ động chỉ đạo ứng phó và sau cuộc họp trực tuyến này của Chính phủ, tỉnh sẽ tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cũng đề nghị Ban chỉ đạo cử tàu cứu hộ cứu nạn có công suất lớn vào Cảng Cửa Lò để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra các trường hợp cần thiết.
Tại Hà Tĩnh, Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh cũng đã có các phương án đảm bảo an toàn cho hồ chứa, các đập thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn. Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo sơ tán người dân tại những vùng nguy hiểm ngay trong chiều nay theo phương châm tuyệt tối tuân thủ lệnh di dời theo các kịch bản ứng phó đã được phê duyệt.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành lệnh sơ tán dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho dân cư vùng ven biển, ven cửa sông.
Theo đó, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và Khu KT Vũng Áng huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn; thời gian sơ tán dân xong trước 17h, ngày 14/9/2017.
Số lượng dân phải di dời 10.928 hộ/47.400 người. Thời gian sơ tán yêu cầu phải hoàn thành trước 17h, ngày 14/9/2017. Đồng thời, tùy theo tình hình diễn biến của bão, giao Chủ tịch UBND 13 huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức phương án sơ tán dân khu vực nội địa, vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện còn 298 tàu chưa vào bờ, dự kiến sẽ vào trong chiều tối nay. Tỉnh cũng đã chỉ đạo xả bớt nước tại các hồ chứa lớn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Cho đến sáng nay, Quảng Bình đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa.
Theo báo cáo mới nhất của BCH PCTT&TKCN Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 06h00 ngày 14/9, hiện đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 69.547 tàu/287.359 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó:
Số tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực từ 13,0-19,0 độ Vĩ Bắc (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa): 4.679 tàu/27.864 lao động. Các phương tiện trên đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 10 và đang chủ động di chuyển, trú tránh. Hoạt động ở khu vực biển khác: 7.344 tàu/45.434 lao động. Neo đậu tại các bến: 57.524 tàu/214.061 lao động.
Hiện, Nghệ An có 4.016 phương tiện/18.541 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Đến 7h sáng ngày 14/9 có 887 phương tiện với 6.378 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An; 138 phương tiện với 1.265 lao động đang hoạt động ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung; 2.991 phương tiện đang neo đậu tại bến.
Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 10. Đối với vụ việc tàu cá NA2506 TS của huyện Diễn Châu bị đâm vào đá ngầm trên biển lúc 4 giờ ngày 13/9/2017, đến 10 giờ ngày 13/9/2017, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng đã đưa 2 thuyền viên và tài sản trên tàu bị nạn vào bờ đảm bảo an toàn; đến 17 giờ ngày 13/9 tàu đã được kéo vào bờ.
Hải Ninh