Ứng phó bão số 5 sắp đổ bộ đất liền, Quảng Ninh dừng cấp phép tàu thuyền

Google News

(Kiến Thức) - Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành công văn số 419/BCHPCTT&TKCN chỉ đạo dừng cấp phép tàu rời cảng, bến đối với tất cả các phương tiện thủy nội địa, tàu bến bắt đầu từ 6h sáng ngày 13/9 để ứng phó bão số 5.

Để ứng phó với bão số 5 sắp đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành công văn số 419/BCHPCTT&TKCN chỉ đạo dừng cấp phép tàu rời cảng, bến đối với tất cả các phương tiện thủy nội địa, tàu bến bắt đầu từ 6h sáng ngày 13/9.
Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thời tiết để chủ động có biện pháp phòng tránh, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện và tài sản. Đồng thời yêu cầu các tàu du lịch lưu trú hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bãi Tử Long thực hiện đưa phương tiện về cảng, bến trong đất liền trả khách trước 9h00 ngày 13/9/2018. Tất cả các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bãi Tử Long đến điểm trú bão an toàn trước 12h00 ngày 13/9/2018. Yêu cầu tất cả các phương tiện về nơi tránh trú bão, bố trí người trực phương tiện nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho thuyền viên và phương tiện.
Ung pho bao so 5 sap do bo dat lien, Quang Ninh dung cap phep tau thuyen
 Ảnh minh họa.
Trước đó, để chủ động các biện pháp ứng phó bão số 5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 50/CĐ-TV ngày 11/9/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn bản số 33/BCĐ của Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh về phòng, chống bão số 5.
Theo đó, đối với khu vực trên biển, trên đảo và ven bờ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế trên biển, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và các đảo; đồng thời nắm chắc số lượng khách du lịch trên địa bàn để có phương án đảm bảo an toàn.
Đối với khu vực trên đất liền: Chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương chỉ đạo rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực bãi thải và có phương án đảm bảo tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người.
Cử người trực, canh gác 24/24h và có biển cảnh báo tại các vị trí ngẫm, tràn, đường giao thông bị ngập, đò ngang, kiên quyết không cho phương tiện, người qua lại khi có mưa, lũ xuất hiện. Có phương án huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt.
Ngành Giao thông vận tải theo dõi diễn biến của bão, tạm ngừng cấp phép tàu tham quan du lịch trên biển khi không đảm bảo an toàn; kiểm tra, xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở tuyến giao thông, an toàn tại các ngầm tràn khi có lũ. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, các công ty TNHH thủy lợi theo dõi thường xuyên, liên tục cập nhật mực nước tại các hồ chứa nước, chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa và công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc và các địa phương có các phương án đảm bảo an toàn đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở, bên tàu, cầu cảng chủ động sơ tán, di chuyển người và thiết bị vào nơi trú tránh an toàn để tránh thiệt hại.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục thông tin, kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Công an tỉnh duy trì lực lượng trực ban, kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; chỉ đạo đội thường trực cứu hộ, cứu nạn trên Vịnh Hạ Long đảm bảo quân số và thường trực để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu.
Các ngành: Viễn thông, Điện, Nước tổ chức kiểm tra để có phương án bổ sung gia cố kịp thời các vị trí cột ăng ten, cột điện, đường ống cấp, thoát nước bị suy yếu có nguy cơ dễ xảy ra sự cố; riêng Điện lực Quảng Ninh có phương án cho việc cấp điện và thực hiện thông báo khi cắt điện để đảm bảo an toàn.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão để cung cấp kịp thời cho hệ thống Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các sở, ngành liên quan, địa phương để kịp thời thông tin đến người dân.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; nghiêm túc thực hiện việc tổng hợp, báo cáo kịp thời, thường xuyên kết quả triển khai và biện pháp ứng phó với bão về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh, PCCC tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh.
Hải Ninh