Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ khẳng định không giao xe cho bạn xã hội

Google News

(Kiến Thức) - Tự bào chữa tại Tòa, Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ khẳng định không giao xe công cho các đối tượng xã hội như VKS quy kết, chỉ giao xe cho người có thân nhân tốt nhưng không tiện nói tên.

Sáng 31/7, kiểm sát viên quân sự đã đề nghị Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc”, SN 1971, ở Yên Khánh, Ninh Bình) - nguyên thượng tá, Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng mức án từ 12 - 15 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
“Út trọc” phủ nhận việc giao xe công cho các đối tượng xã hội
Tại tòa, phía công tố cho rằng, Đinh Ngọc Hệ đã sử dụng các xe biển quân sự, biển xanh 80A để cho thuê, thế chấp thu lợi sai quy định hoặc cho các đối tượng xã hội mượn. Việc này gây đơn thư tố cáo, ảnh hưởng tới uy tín của quân đội và Nhà nước.
Trước đó, trong cáo trạng nêu rõ, từ năm 2011 đến năm 2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của TCT Thái Sơn và chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật, Đinh Ngọc Hệ báo cáo không trung thực về hoạt động của Công ty CPPTÐT Thái Sơn, thông qua Ban Tổng Giám đốc TCT Thái Sơn, Đinh Ngọc Hệ đề nghị cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô biển số quân sự, biển số xanh 80A, trong đó có nhiều xe có giá trị lớn.
Khi được miễn nhiều tỷ đồng tiền thuế trước bạ và cho đăng ký xe, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Trần Văn Lâm ký các hợp đồng thế chấp các ô tô cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền, thu lợi hơn 6 tỷ đồng. Hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe này của Đinh Ngọc Hệ cũng dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội. Hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã vi phạm quy định của Nhà nước, Chính Phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về quản lý, sử dụng xe công, có đủ yếu tố cấu thành tội  “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ut
 Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại tòa.
Quá trình điều tra, Đinh Ngọc Hệ không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi vi phạm, cho rằng là doanh nghiệp thì việc cho thuê, thế chấp xe biển quân sự, xe biển số xanh 80A là hoạt động kinh doanh bình thường, là ngoại giao; đồng thời đổ lỗi cho ban điều hành cấp dưới, bản thân Đinh Ngọc Hệ không biết. Quá trình điều tra đã thu thập được các chứng cứ xác định Đinh Ngọc Hệ là người ký tờ trình đề nghị mua xe bằng vốn tự có, là người ký quyết định, chỉ đạo việc thế chấp, cho thuê xe, giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội sử dụng trái quy định.
Tự bào chữa tại tòa, Đinh Ngọc Hệ khẳng định chỉ là người đại diện phần vốn của Tổng Công Thái Sơn tại Thái Sơn BQP nên việc cho thuê xe biển quân sự, biển xanh phải được Tổng Công ty và HĐQT đồng ý.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ thừa nhận từng cho thuê 2 xe 1 biển 80A với giá 6 tỷ đồng trong 3 năm nhưng thực tế mới cho thuê 1 năm đã chuyển sang biển trắng của địa phương. Vì vậy, cáo trạng quy kết bị cáo và các đồng phạm thu về 6 tỷ đồng qua việc cho thuê xe biển xanh là không chính xác.
Về hành vi cho mượn xe, Út "trọc” nói sống rất tình nghĩa với trên dưới và công ty cũng làm ăn, có nhiều mối quan hệ nên cho mượn. Bị cáo này khẳng định khi xin biển xe, các cấp từ Tổng tham mưu trở xuống đều có tờ trình mục đích mua xe là hoạt động kinh doanh, đối ngoại, phục vụ nhân viên. Các xe này đều được mua từ tiền của Thái Sơn BQP, không dùng tiền của Tổng Công ty Thái Sơn.
Trước đó, ông Hệ cũng khẳng định không giao xe cho các đối tượng xã hội như viện kiểm sát quy kết, chỉ giao xe cho những người có nhân thân tốt, là cán bộ nên không tiện nói tên và khi cho mượn vẫn ghi chép đầu đủ, không phải bỏ mặc xe cho người lái.
Đinh Ngọc Hệ lấy ví dụ từng giao xe cho một cán bộ thuộc Tổng Cục tình báo Bộ công an khi xe của vị này bị hỏng. Các lần khác cũng cho mượn nhằm “đối ngoại”, không giao xe cho các đối tượng xã hội hoặc cho xe đi chuyên chở hàng lậu, vi phạm giao thông… như cáo trạng. “Ở đây phải gọi là quý ông quý bà (người mược xe) chứ không thể gọi là đối tượng được” - lời Đinh Ngọc Hệ.
“Út trọc” khai, các xe thế chấp cho ngân hàng khi Tổng Cty Thái Sơn rút vốn năm 2017 đều đã lấy về hết và chuyển từ biển 80A sang biển trắng theo quy định, chỉ còn 4 xe được CQĐT yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Các xe này chỉ thế chấp, không bàn giao cho các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng và Cty vẫn sử dụng.
Tự bào chữa về hành vi “chạy” không xử phạt xăng kém chất lượng, “Út trọc” nói gì?
Tại phiên tòa, công tố viên cũng cho rằng, năm 2014 cây xăng của Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (Thái Sơn BQP) bị niêm phong vì chứa hơn 20.000 lit xăng kém chất lượng. Ông Hệ đã nhờ ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để không bị xử phạt. Bị cáo cũng nhờ bị cáo Bùi Văn Tiệp - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 ký hợp đồng khống thể hiện xăng kém chất lượng thuộc sở hữu của sư đoàn 367.
Mặc dù Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên căn cứ tài liệu thu thập được qua điều tra, phù hợp lời khai của các bị can khác… đủ cơ sở xác định Đinh Ngọc Hệ lợi dụng danh nghĩa câu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, tránh bị xử phạt, gây thất thu ngân sách trên 1,4 tỷ đồng.
Tự bào chữa về việc này trước tòa, Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ cho rằng kiểm sát viên truy tố không chính xác, xin tòa lưu ý lời khai ban đầu của bị cáo Bùi Văn Tiệp.
“Anh Tiệp lúc tỉnh táo nhất là lúc chưa bị bắt đã khai chỉ gặp mình Trần Văn Lâm (TGĐ điều hành Thái Sơn BQP)” - Đinh Ngọc Hệ nói.
Đinh Ngọc Hệ thừa nhận có xin gặp riêng ông Lê Thanh Cung nhưng do liên quan việc làm một con đường, không xin gỡ niêm phong cây xăng. Ông Hệ khẳng định một số lời khai trong vụ án không chính xác, nói:
“Anh Cung không thể biết tôi tên là Hệ, khẳng định trong Nam có người chơi với tôi 10 - 20 năm cũng không biết tôi tên Hệ”, Đinh Ngọc Hệ nói.
Nói về việc, năm 2000, Đinh Ngọc Hệ mua của một đối tượng không rõ lai lịch 1 bằng đại học. Trong quá trình công tác, đã nhiều lần sử dụng bằng giả này và các giấy tờ, tài liệu giả để khai hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ để được nâng lương, bổ nhiệm; phiên, phong quân hàm, Đinh Ngọc Hệ mong Tòa án và Viện kiểm sát xem xét là bản thân mình là nông dân, nhà nghèo nên khi được anh em xã hội nói có thể mua bằng đã đồng ý.
“Đây là lỗi vô ý không phải cố ý và từ năm 2005 đã không sử dụng nữa… Năm 2010, nếu bị cáo không khai bằng Kinh tế Quốc dân vẫn lên trung tá” - Bị cáo Hệ nói.
Các luật sư của Đinh Ngọc Hệ cũng dẫn các quy định, tài liệu chứng cứ khác trong vụ án và đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.
Hải Ninh