Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Đơn vị đang hướng dẫn các cá nhân liên quan và chỉ đạo Trường trung cấp Bình Minh giải quyết dứt điểm các khoản vay để cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị những năm trước. Hiện nay, nhà trường đã có chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng mới và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên, củng cố lại hoạt động".
|
Trường trung cấp Bình Minh.
|
"Những năm qua, hoạt động của nhà trường không được tốt, chủ yếu khai thác mảng đào tạo lái xe hạng B1. Còn những ngành nghề đào tạo khác rất ít người đăng ký theo học. Trường cũng dính vào nhiều khoản vay từ bên ngoài và vẫn chưa xử lý dứt điểm. Điều này đã gây hoang mang cho nhiều nhân sự đang công tác trong đơn vị" - lãnh đạo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nói thêm.
Bà Từ Thị Hồng Hòa xác nhận việc dùng danh nghĩa Chủ tịch hội đồng quản trị và con dấu của trường vay mượn số tiền lớn từ một số cá nhân. Mục đích của việc vay tiền nhằm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường. "Các khoản nợ tôi vẫn trả lãi, nhưng gần đây không còn khả năng nên chưa trả. Làm ăn đổ bể do mấy năm COVID-19, trường vay nóng, vay nguội để xoay xở. Còn nợ thì tất nhiên tôi phải cố gắng làm để trả dần", bà Hòa thông tin.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là tranh chấp dân sự về hợp đồng vay tài sản, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, tuy nhiên nếu có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản thì vụ việc có thể chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét làm rõ.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, quan hệ vay tài sản là quan hệ dân sự, bên đi vay có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, bên cho vay cũng có thể là cá nhân hoặc cơ quan tổ chức. Hợp đồng vay có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc bằng văn bản, có thể thỏa thuận lãi suất hoặc không có lãi suất, có thể có tài sản bảo đảm hoặc không. Trong vụ việc nêu trên thì việc vay mượn được thiết lập giữa cơ sở giáo dục và các cá nhân, hợp đồng bằng văn bản và có đóng dấu của cơ sở giáo dục này. Trường hợp có tranh chấp xảy ra mà hợp đồng này được chuyển đến Cơ quan có thẩm quyền xem xét thì đầu tiên sẽ xác định hợp đồng này có hiệu lực pháp luật hay không trên cơ sở đánh giá về chủ thể, về nội dung, về ý chí, về trình tự thủ tục.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc vay tiền có sự thống nhất của Hội đồng trường hay không, việc ký kết hợp đồng vay với số tiền lớn như vậy có thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng nhà trường này hay không? Khi vay được tiền thì số tiền này có sử dụng đúng với mục đích, đúng cam kết hay không? Trường hợp kế hoạch vay tiền, huy động vốn đã được hội đồng trường, các thành viên thống nhất thông qua bởi các cuộc họp, các văn bản, việc hiệu trưởng đại diện cho nhà trường đứng ra vay tiền và số tiền vay đã sử dụng đúng mục đích, có kê khai hạch toán đầy đủ, việc vay mượn là tự nguyện thỏa thuận, không có việc lừa dối, ép buộc thì có thể hợp đồng vay này là quan hệ dân sự và có hiệu lực pháp luật, nếu có tranh chấp thì thẩm quyền thuộc về tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trường hợp tòa án giải quyết thì sẽ xem xét đến yêu cầu của các đương sự, trong đó có yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập (nếu có). Các đương sự trong vụ án dân sự đều có quyền đưa ra yêu cầu và có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Để giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản thì tòa án phải giải quyết vấn đề đầu tiên là hợp đồng có hiệu lực pháp luật hay không? Trường hợp hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì bắt buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, trong đó có nghĩa vụ trả nợ, trường hợp hợp đồng không có hiệu lực pháp luật thì tòa án sẽ tuyên bố hợp đồng vô hiệu, hợp đồng không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi, gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì vấn đề lãi suất mới được đặt ra, nếu hợp đồng không có hiệu lực pháp luật thì các bên chỉ hoàn trả tiền gốc cho nhau mà không tính lãi", luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, trường hợp trong quá trình giải quyết tranh chấp mà thấy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì gửi cho vay tiền có quyền gửi đơn trình báo tố giác tội phạm gửi đến cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra xử lý đối với những người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, những người cho vay tiền có thể làm đơn trình báo tố giác tội phạm gửi ra cơ quan điều tra nếu có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu của hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp không có dấu hiệu tội phạm hoặc cơ quan chức năng xác định vụ việc là quan hệ dân sự thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tòa án xác định hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì bắt buộc các bên phải thực hiện, bên vay tiền phải có trách nhiệm trả gốc và lãi theo thỏa thuận, nếu không trả được thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thì ngắn cưỡng chế thi hành án theo hình thức thu hồi tài sản của bên có nghĩa vụ để phát mại, nhằm trả lại tiền cho bên cho vay.
>>> Xem thêm video: Nghệ An: Cho vay nặng lãi rồi đe dọa con nợ đòi tiền
Gia Đạt