Vé “chợ đen” trận Việt Nam – Thái Lan 20 triệu/cặp: “Tuồn” vé trái phép… xử nặng?

Google News

Vé chợ đen trận chung kết SEA Games 31 giữa U23 Việt Nam và Thái Lan bị đẩy lên tới 20 triệu đồng/cặp, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm.

Trước trận chung kết bóng đá nam SEA Games 31 giữa chủ nhà U23 Việt Nam và U23 Thái Lan, giá vé chợ đen đã bị đẩy lên tới 15 đến 20 triệu đồng/cặp. Đáng chú ý, giấy mời xem trận chung kết này cũng được chào bán với giá gần 20 triệu đồng/cặp tại khu vực sân Mỹ Đình.
Ve “cho den” tran Viet Nam – Thai Lan 20 trieu/cap: “Tuon” ve trai phep… xu nang?
Thậm chí vé mời cũng được rao bán. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vé chợ đen là hiện tượng không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà đã xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vé chợ đen không phải Ban tổ chức giải bán ra mà do nhiều các tổ chức, cá nhân khác nhau ở bất kỳ thời điểm nào với bất kỳ giá nào.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vé chợ đen chung kết bóng đá nam SEA Games 31 chào bán giá cao, luật sư Cường cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến xuất hiện tình trạng vé chợ đen.
Nguyên nhân đầu tiên có thể do quy luật cung cầu. Do sân vận động số lượng ghế có hạn và số lượng vé ban tổ chức bán ra cũng có hạn nhưng lượng khán giả, người hâm mộ có nhu cầu xem rất lớn. Do đó, nhiều người có xếp hàng, có mong muốn cũng không mua được vé nên phải tìm cách mua lại vé của người đã mua được trước đó.
Nguyên nhân thứ 2, dù vé bán trực tiếp nhưng không phải ai cũng có thời gian để đến mua trực tiếp ở thời điểm vé được bán ra. Do đó người có nhu cầu vào sân xem trận bóng thì lại không mua được và buộc phải mua lại. Ngoài ra có hiện tượng sinh viên, người lao động có khó khăn muốn kiếm tiền nên tìm cách mua vé từ sớm để bán lại nhằm tìm kiếm thu nhập từ sự chênh lệch giá.
Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể do Ban tổ chức, người bán vé thực hiện hành vi vi phạm tuồn vé ra ngoài bán, không bán công khai hoặc bán hạn chế để dành vé bán lại cho người thân quen nhằm hưởng lợi từ sự chênh lệch giá vé. Người được nhận vé mời nhưng tuồn ra chợ đen để kiếm lợi.
Như vậy có thể chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, việc bán vé hợp pháp và người mua vé hợp pháp. Sau đó họ có quyền bán lại, nhượng lại, tặng cho, đây là quan hệ dân sự và pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, hiện tượng thứ 2, nếu cơ quan chức năng phát hiện việc Ban Tổ chức bán vé không đúng quy định hoặc những người trong ban tổ chức lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng thủ đoạn chiếm đoạt, tuồn, bán vé ra ngoài mà không công khai thì đó là những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố trách nhiệm hình sự.
“Nếu trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy có hành vi tuồn vé ra ngoài để bán trái phép hoặc thực hiện việc bán vé không đúng quy định, cần phải làm rõ để xử lý. Đối với các tổ chức, cá nhân mua vé đúng thủ tục, bán, nhượng lại cho người khác, dù giá bán bao nhiêu cũng do hai bên thỏa thuận và pháp luật không cấm do đây là giao dịch dân sự”, luật sư Cường nêu ý kiến.
  
Để giảm thiểu những hiện tượng vé chợ đen, nhiều người hâm mộ phải mua vé cao gấp nhiều lần, Ban tổ chức cần đổi mới bán vé, quản lý chặt chẽ thủ tục, quy trình bán vé, công khai số lượng vé bán ra, thời gian bán vé để những người có nhu cầu thật sự được mua vé vào sân để cổ vũ chung kết bóng đá nam SEA Games 31.
“Có thể thống kê những người nào thường xuyên đến sân để ưu tiên những người đó. Đối với những người mua vé nhưng không có nhu cầu vào sân, thường xuyên mua nhiều lần để bán lại cần phải có biện pháp, quy định để không bán vé cho những người này”, luật sư Cường đề nghị.
Hải Ninh