Trong ngày 29/7, trận động đất mạnh nhất xảy ra vào lúc 10 giờ 7 phút có độ lớn 3.7 richter, tọa độ (14.881 độ vĩ Bắc, 108.215 độ kinh Đông - địa phận huyện Kon Plông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
22 trận động đất còn lại xảy ra cùng ngày có độ lớn dưới 3.7 richter. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Trước đó vào ngày 28/7, huyện Kon Plông xảy ra 21 trận động đất liên tiếp. Các trận động đất có độ lớn từ 2.5- 5.0 richter.
Đặc biệt, trận động đất xảy ra vào lúc tức 11 giờ 35 phút 10 giây, có độ lớn 5.0 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Đây là trận động lớn nhất được ghi nhận tại huyện này và đã gây rung lắc tại nhiều tỉnh thành lân cận như Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, TP.Đà Nẵng…
|
Theo Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN; Viện Vật lý địa cầu, Thủy điện tích nước có thể là nguyên nhân gây động đất. Ảnh Hà Chính |
Khi trận động đất 5.0 richter xảy ra, anh Trịnh Xuân Hùng, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) phải một phen hú vía, khi vị trí đang nằm nghỉ chỉ cách lòng
hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum có vài trăm mét. Anh Hùng mới chuyển đến đây công tác được hơn 1 tháng và cho biết, đây là trận động đất gây rung lắc lớn anh từng được chứng kiến.
“Lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7, tôi vừa lên giường để nghỉ trưa, thì nhìn thấy nhà rung lắc, đồ vật trên bàn va vào nhau. Tôi hốt hoảng chạy ra ngoài sân. Chỉ ít giây sau, mọi thứ mới trở lại bình thường. Đến ngày hôm nay, vẫn cảm nhận được các trận rung lắc, nhưng mức độ nhẹ hơn. Sau khi xảy ra các trận động đất, trụ sở Trạm bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 đã bị nứt tường 2 vị trí, với chiều dài khoảng 1m.” Anh Hùng nhớ và kể lại.
|
Anh Hùng, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) kể lại thời điểm động đất. Ảnh Chí Dũng |
Chiều 29/8, ông Phạm Thanh Bình – Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Kon Plông cho biết, theo cập nhật nhanh từ các xã, thị trấn trên địa bàn, các trận động đất không gây thiệt hại về người. Tại xã Măng Bút, một hộ dân bị rơi tivi hư hỏng. Điểm trường THCS và Trạm Y tế xã Đăk Ring bị nứt vách tường. Còn tại xã Đăk Nên, điểm trường mầm non và phòng làm việc của Công an xã bi nứt tường.
Theo ông Bình, UBND huyện lâu nay cũng đã làm việc với Viện Vật lý Địa cầu, Cục Phòng chống thiên tai để tổ chức diễn tập cho người dân trên địa bàn về các tình huống động đất có thể xảy ra. Huyện cũng về từng thôn tập huấn, cung cấp các tờ rơi về kỹ năng ứng phó với động đất. Vì vậy, sau khi các trận động mạnh xảy ra, người dân trong huyện cũng biết cách ứng phó cơ bản.
Chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên, động đất xảy ra liên tục với tần suất dày và cường độ mạnh đã khiến nhiều nhà dân, các điểm trường, trụ sở xã và nhiều trạm y tế xã trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) tiếp tục bị nứt. Hàng chục trận động đất liên tiếp xảy ra trong 1 ngày khiến bà con không khỏi hoang mang.
Đặc biệt là trận động đất gây rung lắc mạnh mới xảy ra vào trưa ngày 28/7, khiến người dân khá lo sợ. Mới đây, chính quyền đã xuống nhắc nhở sửa chữa nhà kiên cố, tích trữ lương thực để phòng khi thiên tai xảy ra.
|
Hàng chục trận động đất liên tiếp xảy ra trong một ngày khiến bà con không khỏi hoang mang . Ảnh Phạm Hoàng |
UBND huyện Kon Plông đã triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở đất, lũ quét do động đất. Đặc biệt là hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý người dân vùng tâm chấn.
Tương tự, tại thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng) có khoảng 70 hộ dân sinh sống trên các rẻo núi cao. Nhiều năm nay, bà con đã quen với sự rung lắc nhẹ do động đất gây ra. Tuy nhiên, khi trận động đất 5.0 độ xảy ra, người dân đã cảm nhận rõ sự rung lắc mạnh.
|
Nguy cơ sạt lở do mưa lũ và động đất xảy ra tại xã Đăk Tăng. Ảnh Hoàng Phạm |
Anh A Kiểu (trú tại xã Đăk Tăng) chia sẻ: “Đêm 28/7 đến rạng sáng ngày 29/7, người dân ở trong xã nằm ngủ đều cảm nhận được rung lắc nhẹ. Lâu lâu, tôi còn nghe những tiếng nổ phát ra từ trong lòng đất. Dù vùng đất này liên tiếp chịu ảnh hưởng của động đất, nhưng lần này tần suất, rung lắc và số lượng nhiều khiến người dân hoang mang hơn”.
Còn ông Lai sống ở thôn Vi Ring cho biết, nhiều năm về trước, dân làng sinh sống gần khu vực sông Đăk Snghé. Từ khi thủy điện Thượng Kon Tum được xây dựng, tất cả các gia đình được đưa đến khu tái định cư từ năm 2016 để nhường đất cho thủy điện. Năm năm sau đó, khi thủy điện hoàn thành và đi vào hoạt động cũng là lúc liên tục xuất hiện động đất.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ring, huyện Kon Plông cho biết: “Người dân trên địa bàn xã từ lâu đã quen với rung lắc do động đất. Tuy nhiên, những trận động đất 2 ngày qua khiến bà con lại hoang mang, hoảng sợ vì rung lắc mạnh. Trước tình hình trên, chính quyền đã đến động viên, nhắc nhở bà con bình tĩnh thực hiện theo các phương án mà cơ quan chức năng đã diễn tập phòng chống thiên tai từ trước đó”.
|
Xuất hiện thêm nhiều vết nứt ở một số nhà dân và công trình nhà nước. Ảnh Phạm Hoàng |
Mặc dù động đất chưa gây thiệt hại về người, nhưng đã có các thiệt hại về tài sản. Ngoài nhiều vết nứt xuất hiện tại các điểm trường và trạm y tế xã Đăk Nên và Đăk Ring (huyện Kon Plông).
Chủ tịch UBND Kon Tum cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, lên phương án chủ động ứng phó với động đất đảm bảo an toàn cho người dân.
CÔNG ĐIỆN CỦA THỦ TƯỚNG
Ngày 29/7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký Công điện của Thủ tướng về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất trong hai ngày 28 – 29/7. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum, các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất cũng như dư chấn do động đất gây ra, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà...
Các bộ: NN-PTNT, Công thương , GTVT chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.
Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực. ( HC)
>>>
Mời độc giả xem thêm video Chỉ trong 2 ngày, đã có 35 trận động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum:
Hà Chính- Hoàng Dũng