Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon trao đổi với VietNamNet về ‘ngoại giao bóng đá’, dấu ấn quan trọng trong quan hệ Việt - Hàn, và chương trình ăn Tết tại Việt Nam.
Chiến tranh đã từng nổ ra tại Trung Nam Mỹ do bóng đá. Nhưng nhờ bóng đá, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc lại càng củng cố hơn tình bạn chân thành. Và nhờ bóng bàn, Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau.
Thể thao tạo ra hiệu quả như phép thuật. Như bạn cũng đã nói, sau khi có "ngoại giao bóng đá", dường như hai nước ngày càng trở nên gần gũi hơn.
Đặc biệt, việc mở rộng đối tượng được cấp visa nhiều lần có hiệu lực 5 năm cho công dân 3 thành phố lớn của Việt Nam cũng có thể coi là một trong những kết quả quan trọng của ngoại giao bóng đá.
Nếu ngoại giao bóng đá tiếp tục được mở rộng, giao lưu giữa hai nước Hàn - Việt sẽ ngày càng sôi động hơn, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ hợp lại thành một nền kinh tế chung và Việt Nam có thể đóng vai trò chủ đạo đối với nền hòa bình của bán đảo Triều Tiên.
Tôi mong rằng hai nước sẽ khái niệm hóa nền ngoại giao bóng đá này để tạo "nền tảng (platform)" tiến hành đối thoại chiến lược, qua đó tiếp tục phối hợp và hợp tác với nhau trong mọi lĩnh vực và sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh.
Hàn Quốc quyết định cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần diện thăm thân ngắn hạn với thời hạn 5 năm cho công dân các thành phố lớn của Việt Nam. Ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Hàn Quốc áp dụng cơ chế này. Quyết định này khẳng định vị trí của Việt Nam như thế nào trong quan hệ đối tác với Hàn Quốc, thưa Đại sứ?
Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Chính sách cấp visa nhiều lần có hiệu lực 5 năm này giúp người dân ở 3 thành phố lớn của Việt Nam có thể thăm Hàn Quốc tự do bất kỳ lúc nào.
Nhờ chính sách visa này, sự giao lưu giữa hai nước ngày càng được mở rộng. Từ đó, thúc đẩy giao lưu trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, du lịch, giáo dục, y tế...
Tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam cũng sẽ đơn giản hóa việc cấp thị thực cho công dân Hàn Quốc. Nếu Việt Nam nới lỏng quy định cho phép thời gian lưu trú tối đa lên 30 ngày và không giới hạn thời gian nhập cảnh lại, chắc chắn sẽ có nhiều người Hàn Quốc đến thăm Việt Nam hơn nữa.
Bên cạnh đó, xã hội Hàn Quốc là xã hội già hóa, có rất nhiều người cao tuổi. Do mùa đông rất lạnh nên nhiều người cao tuổi có nhu cầu sang lưu trú tại Việt Nam từ 5 - 6 tháng. Nếu Việt Nam cấp visa hưu trí (retired person visa) hoặc visa an dưỡng, chắc chắn sẽ có nhiều người Hàn Quốc đến Việt Nam không chỉ để an dưỡng mà còn có thể mua nhà và bất động sản.
Mới đây, Quốc hội Việt Nam và Hàn Quốc đã tổ chức chương trình giao hữu bóng đá giữa hai nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước tại Việt Nam. Nhân chuyến thăm đó, ông Kim Hack-yong - Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam cũng đã có kiến nghị Việt Nam xem xét cấp visa như trên.
Tôi cũng xin nói thêm rằng điểm nhấn của ngoại giao bóng đá chính là việc gần 30 nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc thăm Việt Nam để giao hữu bóng đá với các đại biểu quốc hội Việt Nam với kết quả hòa 3-3. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự khán trận giao hữu.
Việc tổ chức chương trình giao lưu bóng đá nghị sĩ hữu nghị lần này được coi như một sự kiện lịch sử.
Khi nghị sĩ hai nước hợp thành một thì điều đó đồng nghĩa với việc hai nước sẽ tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực trong tương lai.
Ông trải nghiệm những ngày Tết như thế nào?
Tôi ăn Tết ở Việt Nam. Tôi có 5 người con nên cũng không đi đâu xa được. Việt Nam có nhiều nơi có thắng cảnh đẹp, món ăn ngon nên tôi muốn đi nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, tôi rất quan tâm đến văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Bởi vậy, Tết này tôi sẽ tập trung học tiếng Việt.
Khi còn nhỏ, tôi luôn mong đến Tết. Bởi khi đó nhà rất nghèo, nhưng mẹ vẫn sắm áo mới cho tôi.
Tết cũng là dịp để các thành viên trong gia đình ở xa về đoàn tụ, cùng ăn bữa cơm gia đình, chúc Tết nhau và cùng đi tảo mộ. Gần đây, do tốc độ đô thị hóa và chủ nghĩa cá nhân, ít người Hàn Quốc ăn Tết cùng gia đình mà chủ yếu đi du lịch nước ngoài hoặc hoạt động cá nhân.
Bầu không khí ấm cúng của cái Tết xưa tôi cảm nhận được đến giờ vẫn thấy trong Tết cổ truyền của Việt Nam.
Dù kinh tế Hàn Quốc đã phát triển, nhưng có lẽ việc duy trì văn hóa truyền trống như vậy và phong tục đoàn tụ gia đình chia sẻ yêu thương của Việt Nam là điểm khiến tôi ngưỡng mộ.
Theo Thái An - Xuân Quý - Đức Yên - Huy Phúc/Vietnamnet