Vì sao chậm di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội thành Hà Nội?

Google News

Bộ Chính trị yêu cầu Hà Nội có lộ trình và cơ chế, chính sách để di dời cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển trường đại học, trụ sở các cơ quan...ra ngoài khu vực nội đô.

Theo tìm hiểu của Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, di dời cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô là một trong những giải pháp quan trọng được Hà Nội xác định để mở rộng không gian phát triển của Thủ đô giai đoạn tới. Chủ trương thực hiện việc này có từ lâu, nhưng thực hiện rất chậm, không như kế hoạch đề ra.
Vi sao cham di doi tru so bo, nganh khoi noi thanh Ha Noi?
 KTS Đào Ngọc Nghiêm.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho biết, việc di dời cơ sở, trụ sở này đã có trong quy hoạch năm 1998. Sau đó, quy hoạch năm 2011 cũng tái khẳng định. Vừa rồi, Bộ Xây dựng thống nhất xây dựng khu trụ sở Trung ương các cơ quan.
Ngoài ra, sau năm 2011, Thủ tướng có chỉ đạo xác định lộ trình và đề xuất đến 2025 phải hoàn tất việc di dời cơ sở không phù hợp ra khỏi nội đô, nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, đây là kết quả của sự bất cập giữa các luật hiện hành, nhất là Luật Đất đai. Vì khi giao đất cho cơ quan bộ ngành quản lý, trong suốt thời kỳ giao 50 - 70 năm, họ toàn quyền quyết định về việc sử dụng đất. Ví dụ, Ủy ban Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trụ sở mới, nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì đó là quyền của họ.
"Các trụ sở của bộ, ngành khác cũng thế. Vì vậy, nên có cơ chế đặc thù. Cần giao đất này cho Hà Nội và để thành phố có trách nhiệm xây dựng những khu vực, lựa chọn địa điểm thích hợp. Thẩm quyền của Hà Nội là được nhận đất chứ không phải đền bù", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Cũng theo chuyên gia này, phải có nguồn lực ngân sách từ Trung ương để quyết định, giúp các bộ, ngành xây dựng trụ sở mới khang trang hơn.
Đặc biệt, Hà Nội nên có tầm nhìn rộng hơn, rút bài học kinh nghiệm Thủ đô của các nước như Malaysia hay Hàn Quốc. Xây dựng khu vực trụ sở mới phải gắn với các khu đô thị, nhà ở mới để tạo ưu tiên cho cán bộ, viên chức có nơi ở thuận tiện.
"Muốn làm được việc này phải có sự phối hợp giữa Trung ương và Hà Nội, chứ không phải chuyện riêng của Hà Nội", ông Nghiêm cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cận cảnh cưỡng chế, tháo dỡ, di dời "tàu ma” trên Hồ Tây:
 

Thiên Tuấn