Trao đổi với Tiền phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - ông Hà Văn Siêu cho rằng, 2023 là một năm nhiều khó khăn với ngành du lịch. Bên cạnh dấu hiệu hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Việt Nam chịu không ít thách thức trước tác động từ bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, cuộc chiến Nga - Ukraine, xu hướng thắt chặt chi tiêu... Trong nước, tăng trưởng kinh tế quý I thấp, thu nhập nhìn chung bị ảnh hưởng, sức mua giảm, trong đó chi tiêu cho du lịch cũng thấp hơn.
Có thời điểm, số lượng khách cao, nhưng chi tiêu du lịch không tăng, sức mua còn giảm. Để có thể hút khách trong bối cảnh khó khăn này, nhiều doanh nghiệp cắt giảm công đoạn dịch vụ, sản phẩm trong hành trình để cạnh tranh, hình thành nhiều tour giá rất rẻ.
|
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
|
Các đơn vị du lịch, lữ hành, lưu trú đối diện khó khăn khi tỷ lệ công suất buồng phòng thấp hơn, tổng cầu giảm nhưng chi phí nhiên liệu, giá vé máy bay tăng lên trong khi tổng thu không tăng. Ngoài đi lại, các chi phí khác cũng tăng cao hơn do yêu cầu dịch vụ an toàn hơn, chất lượng hơn sau COVID-19.
- Với đà năm ngoái, nhiều đơn vị lữ hành, lưu trú kỳ vọng sự tiếp tục bùng nổ của khách nội địa. Tuy nhiên, ngay kỳ nghỉ lễ dài 30/4 - 1/5 năm nay, nhiều đơn vị vẫn “than” tỷ lệ lấp đầy thấp. Ông có thể lý giải rõ hơn?
Ông Hà Văn Siêu: Như tôi đã nêu, xu hướng chung hiện nay là vừa thắt chặt chi tiêu vừa thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng với tổng chi tiêu ít hơn nhưng tận hưởng tối đa dịch vụ. Đó là thách thức lớn của doanh nghiệp. Câu chuyện này không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề của nhiều nước trên thế giới. Cũng chính vì xu hướng thắt chặt chi tiêu khi suy thoái, khách quốc tế đến Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Cầu giảm, trong khi nguồn cung, quỹ phòng mới gia nhập thị trường tăng rất nhanh. Thời gian qua, đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng rất mạnh, đặc biệt là các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn, resort, sự bùng nổ về condotel… Resort, khách sạn, villa ở các trung tâm lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Đà Nẵng… liên tiếp ra đời.
Hậu COVID-19, lượng khách trong và ngoài nước phục hồi chậm nhưng mức độ đi vào hoạt động cơ sở lưu trú mới tăng quá nhanh. Điều này đến tỷ lệ lấp đầy một số nơi thấp. Khi cạnh tranh gay gắt, tất yếu dẫn đến sự giảm giá của nhiều cơ sở lưu trú du lịch.
Một nguyên nhân khác nữa là xu hướng du lịch của người dân đã thay đổi nhiều sau COVID-19. Một là đi ngắn ngày, hai là tự đi, đi nhóm nhỏ và sử dụng các cơ sở lưu trú riêng biệt như homestay, biệt thự, bungalow, cắm trại… Nhu cầu sử dụng các khách sạn tập trung giảm đi, đặc biệt với những mô hình truyền thống.
- Có nguyên nhân từ giá vé máy bay quá cao không, thưa ông?
Giá vé máy bay cao chỉ là một phần. Bởi giá vé thì có nhiều thời điểm khác nhau có giá khác nhau. Cũng có nhiều hãng, người tiêu dùng có thể lựa chọn với chi phí phù hợp. Nhiều du khách cũng chuyển qua sử dụng rất nhiều hình thức vận chuyển khác như tàu hoả, đường bộ, tự túc phương tiện… Nhìn chung, doanh nghiệp sẽ giải bài toán về chi phí, chất lượng, tiếp thị, cơ cấu giá thành để làm sao khách hàng tiêu dùng sản phẩm dịch vụ mình nhiều hơn.
Kỳ nghỉ lễ năm nay vẫn đông đúc, tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề của du lịch Việt Nam là mùa vụ. Có thể đợt 30/4 - 1/5 này rất đông hoặc bình thường cuối tuần thì nhộn nhịp, nhưng ngày thường, giữa tuần rất vắng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phục vụ, hoạt động chung của tất cả các doanh nghiệp khi tham gia vào ngành du lịch, từ đơn vị cung cấp phòng ốc, tour đến hãng hàng không…
|
Tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn truyền thống vẫn còn thấp (ảnh minh họa).
|
Khó khăn thì vẫn là khó khăn chung của cả ngành. Nhưng một số khách sạn 1,2 sao khó khăn hơn trong việc tiếp cận khách. Du khách bây giờ tiếp cận chất lượng dịch vụ cao, cả khách nội địa và quốc tế.
Trong khi đó, những thương hiệu tên tuổi, tiếp thị toàn cầu có khách đều, ổn định, không bị ảnh hưởng quá nhiều. Vậy nên ngoài câu chuyện giá vé, chi phí thì doanh nghiệp cũng phải cân đối những bài toán khác để thu hút được dòng khách mình hướng tới, tạo nguồn cầu ổn định.
- Nhiều ý kiến cho rằng, khi lượng khách Trung Quốc chưa hồi phục thì các đơn vị lữ hành, lưu trú ở một số địa điểm trước đây đón lượng khách này lớn sẽ vẫn còn khó khăn kéo dài, tỷ lệ lấp đầy vẫn nan giải?
Việt Nam nằm trong danh sách thí điểm đón khách đoàn Trung Quốc từ 15/3. Trung Quốc họ mở ra không nghĩa là chúng ta có thể đón khách ngay được, ồ ạt ngay được. Cần phải có sản phẩm tốt để quảng bá, để xúc tiến du lịch, hút khách.
Chưa kể, khách Trung Quốc có xu hướng đi trong nước nhiều hơn, tỷ lệ đi nước ngoài chưa cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu rõ rệt. Mức độ cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực trong việc đón khách Trung Quốc cũng rất lớn. Nhìn chung việc này cần một quá trình. Ngay tháng này, khách quốc tế cả triệu lượt nhưng chủ yếu vẫn là khách Nhật, Hàn… Khách Trung Quốc chưa nhiều.
- Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn này, theo ông mục tiêu đón khách quốc tế năm nay ra sao?
Với tốc độ đón khách quốc tế đến du lịch Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, cùng nỗ lực quảng bá của ngành du lịch và sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, thì mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế đến hoàn toàn khả quan, thậm chí có thể vượt lên 10 triệu lượt khách đến Việt Nam trong năm nay.
Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn nữa, chúng ta tiếp tục tạo điều kiện cả về chính sách, hạ tầng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam một cách thuận lợi nhất. Về thị thực, phải mở rộng diện được thị thực điện tử và đầu tư công nghệ để ứng dụng thị thực điện tử nhanh nhất.
Với diện miễn thị thực thì thời gian được miễn kéo dài. Cũng cần đẩy mạnh quảng bá điểm đến để thu hút khách nhiều hơn. Kế hoạch quảng bá năm 2023 tập trung không chỉ những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… mà còn mở rộng thị trường mới, đa dạng hơn…
- Giải pháp kích cầu du lịch trong nước ra sao khi xu hướng chọn đi du lịch nước ngoài thay vì các điểm trong nước ngày càng phổ biến, thưa ông?
Không còn cách nào khác, phải xúc tiến quảng bá, đặc biệt là khai thác quảng bá trên nền tảng số. Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong hợp tác, liên kết chuỗi giá trị từ vận tải, hàng không đến khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan để tạo ra sự kết nối tối ưu.
Điều quan trọng, doanh nghiệp cần tìm ra hướng đi mới, thích ứng, đổi mới hoạt động, tái đầu tư để tạo ra sản phẩm, điểm đến mới...
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế, khôi phục hoạt động du lịch sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng phục hồi. Với hơn 100 triệu dân, việc khôi phục du lịch nội địa sẽ tiếp tục tạo việc làm, thu nhập cho người lao động để phát triển kinh tế. Đây là mục tiêu vô cùng quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Hải Bình/Tiền phong