Vì sao không áp giá sàn với sách giáo khoa?

Google News

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng SGK nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản.

Chiều 19/6, với 92,91% đại biểu Quốc hội tán thành (459/476 đại biểu tán thành), Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi), về ý kiến đề nghị quy định khung giá đối với sách giáo khoa (quy định cả giá sàn), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, theo Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá.
Vi sao khong ap gia san voi sach giao khoa?
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa XIV đến nay, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉ đạo quy định giá trần và không quy định giá sàn đối với mặt hàng này. Lý do là vì sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.
Hiện nay, trong phương pháp tính giá sách giáo khoa, các nhà xuất bản cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (năm học 2022-2023, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa) dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân.
Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người dân.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, việc không quy định giá sàn là hợp lý vì đây là mặt hàng có tính đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó có cả đối tượng yếu thế.
Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ không đề xuất quy định giá sàn cho nên chưa đánh giá tác động nếu quy định giá sàn đối với sách giáo khoa. Vì vậy, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chưa đủ căn cứ để bổ sung quy định về giá sàn.
Cùng với đó, sách giáo khoa là mặt hàng đa dạng về chủng loại, lại tiêu dùng trên phạm vi cả nước, việc tính toán mức giá sàn phù hợp với từng cho từng loại sách và phải phù hợp với mọi khu vực khác nhau là khó khả thi.
Trên thực tế điều hành, tùy tình hình kinh tế-xã hội từng thời điểm, Chính phủ sẽ quyết định mức giá trần phù hợp.
Đối với ý kiến cho rằng sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh nếu không quy định giá sàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Cạnh tranh đã quy định rất rõ những hành vi cạnh tranh bị cấm.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5":

(Nguồn: Truyền hình Quốc hội)

Mai Loan