Liên quan đến vụ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đỗ Cường Minh sát hại Bí thư tỉnh ủy Yên Bái và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái sáng 18/8, tối cùng ngày, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, mặc dù đối tượng gây án đã chết, nhưng Công an tỉnh Yên Bái vẫn ra quyết định khởi tố vụ án giết người để điều tra, xác minh động cơ gây án và các vấn đề liên quan đến vụ Bí thư tỉnh ủy Yên Bái bị bắn chết nói trên. Theo quyết định khởi tố, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, sau khi xác định có dấu hiệu phạm tội “Giết người” quy định tại Điều 93 Bộ Luật hình sự, cơ quan CSĐT công an tỉnh Yên Bái ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giết người” xảy ra tại TP Yên Bái ngày 18/8.
Đáng lưu ý, trước đó, trong buổi họp báo thông tin vụ việc diễn ra chiều 18/8, cũng chính Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu đã nói rằng, do nghi phạm thực hiện hành vi giết người đã chết, nên quy định của pháp luật, cơ quan công an không khởi tố vụ án hình sự.
Qua sự việc lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái lúc đầu nói sẽ không khởi tố vụ án, sau đó lại khởi tố vụ án, có thể thấy một vấn đề về tư duy vẫn tồn tại trong lĩnh vực tố tụng hình sự đang được áp dụng hiện nay, đó là vẫn thiên về tố tụng xét hỏi.
|
Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái. |
Ban đầu, lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái cho biết không khởi tố vụ án hình sự có thể cho thấy, cơ quan chức năng còn dựa quá nhiều vào tố tụng xét hỏi, vốn tồn tại từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ đến nay. Trong tố tụng xét hỏi, cơ quan điều tra dùng nghiệp vụ điều tra để xác định hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Áp dụng trong vụ án mạng tại Yên Bái sáng 18/8, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho rằng: "Do nghi phạm thực hiện hành vi giết người đã chết, nên cơ quan công an không khởi tố vụ án hình sự".
Trước đây, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, loại hình tố tụng xét hỏi hiện nay trong nhiều trường hợp đã không còn phù hợp. Bởi "nguyên tắc cơ bản của loại hình tố tụng này là suy đoán có tội đối với người bị buộc tội. Nguyên tắc bí mật và bằng văn bản được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án, hạn chế đến mức tối đa việc khiếu nại các bản án. Nguyên tắc sử dụng việc thừa nhận lỗi của người bị buộc tội là chứng cứ quyết định của vụ án. Vì thế, hệ thống chứng cứ đặc trưng của loại hình tố tụng này là tính hợp lệ của chứng cứ nhưng những quy định về chứng cứ lại hết sức trừu tượng".
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh nhìn nhận: "Hiện nay nếu áp dụng loại hình tố tụng xét hỏi, đa số cơ quan điều tra sẽ hỏi cung người phạm tội rồi đi ngược lại xem hành trình phạm tội ấy. Tuy không sai nhưng nếu chỉ có vậy thì có lẽ nền tư pháp tranh tụng của các nước khác khó bắt được tội phạm. Bởi nhiều trường hợp bắt được đối tượng tình nghi thì họ đã có luật sư để cãi. Ở nhiều nước, họ bắt được tội phạm và kết tội được tội phạm chính là do tư duy phá án dựa trên sự tổng hợp khách quan tất cả các chứng cứ, tài liệu khác nhau, lời khai của nghi phạm chỉ mang tính chỉ dấu".
Trong vụ án mạng xảy ra tại trụ sở tỉnh ủy Yên Bái sáng 18/8, nhiều chuyên gia pháp lý đã cho rằng nên khởi tố hình sự để làm rõ nhiều tình tiết chưa được làm rõ trong vụ án mạng trên như : Ai là hung thủ gây ra cái chết cho 3 người? Có nhân chứng nhìn thấy sự việc hay không? Có camera ghi hình hay không? Vật chứng thu được tại hiện trường là gì? Tin nhắn, email, điện thoại, facebook, thư tuyệt mệnh nếu có phải được thu thập và làm rõ. Có đồng phạm hay không? Có tổ chức hay không?
|
Bí thư tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường bị sát hại. |
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh – Đoàn luật sư Hà Nội nhìn nhận, việc Công an tỉnh Yên Bái ra quyết định khởi tố vụ án “giết người” là đúng đắn. Bởi cơ quan điều tra cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra xem nguyên nhân vụ việc và xác định người thực hiện hành vi phạm tội. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có đồng phạm xúi giục không. Nếu quá trình điều tra có đủ căn cứ chính xác đối tượng Đỗ Cường Minh là người gây án nhưng đã chết và vụ án không có đồng phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án và quyết định không khởi tố bị can.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng nhìn nhận, việc khởi tố vụ án để có những căn cứ pháp lý, khoa học, chính xác, khách quan chính là bảo đảm theo đúng tinh thần nghị quyết 08/2002 và nghị quyết 49/2005 của Bộ chính trị, đó là “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Hơn thế nữa, trong thời đại truyền thông số, việc đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân là bắt buộc. Việc có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về vụ việc được dư luận quan tâm là cần thiết, tránh những thông tin bịa đặt, xuyên tạc làm mất niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền.
Hải Ninh