Rạng sáng 18/4, video dài 6 phút, quay trọn cảnh Trương Gia Huy (21 tuổi) có hành vi khống chế, giở trò đồi bại với một phụ nữ có biểu hiện tâm thần, lang thang ở TP.HCM, được đăng lên mạng xã hội.
Biết mình không thể thoát tội, Huy đến công an đầu thú.
Trong hàng trăm bình luận dưới các bài viết đưa tin của Zing, bên cạnh việc lên án hành vi bệnh hoạn của gã trai trẻ, nhiều người thắc mắc về hành động của tác giả đoạn clip dài 6 phút.
“Tại sao người quay phim không kêu lên từ đầu để việc đó không diễn ra mà vẫn đứng quay, trong khi người quay đứng trên cửa sổ quay xuống, rất an toàn, chứ không phải ở gần mà sợ nguy hiểm. Vẫn kiên trì quay hết clip mặc cô gái đó bị hại, để lấy được một clip dài up lên mạng kiếm like sao?”
“Sao lại đứng quay mà không can thiệp? Đọc thấy clip dài 6 phút cơ mà, thật quá vô tâm”.
Tranh cãi xung quanh việc quay phim, chụp hình hành vi tội phạm đã xảy ra từ lâu, tại nhiều nơi trên thế giới.
Các chuyên gia đã có nhận định, giải thích về hành vi này. Vào năm 1968, hai nhà tâm lý học xã hội người Mỹ John Darley và Bibb Latané đã gọi hiện tượng người chứng kiến bỏ rơi nạn nhân là “hiệu ứng người ngoài cuộc”.
|
Trương Gia Huy giở trò đồi bại với người phụ nữ lang thang ở TP.HCM. Ảnh cắt từ clip.Hiệu ứng bàng quan |
Tháng 3/2017, một bà mẹ ở Chicago, Mỹ đến báo cảnh sát về việc cô con gái 15 tuổi của bà bị một nhóm đàn ông khoảng 5-6 tên hiếp dâm, phát trực tiếp cả quá trình trên mạng xã hội Facebook.
Đáng nói, có tới 40 người theo dõi đoạn video cô gái bị làm hại nhưng không ai báo cảnh sát.
Trước đó không lâu, một vụ hiếp dâm tập thể ở Thụy Điển cũng được phát trực tiếp trên Facebook. Có tới 200 người đã theo dõi diễn biến vụ việc, nhưng chỉ duy nhất có một người gọi điện báo cảnh sát.
Tháng 6/2017, khi người đàn ông 49 tuổi ở Florida, Mỹ đang ngồi ở ghế trước một chiếc xe tải gục xuống do bị bắn vào ngực, có ít nhất 10 người đã tập trung quanh ông. Tuy nhiên, thay vì gọi xe cứu thương hoặc sơ cứu nạn nhân, một số lấy điện thoại ra và bắt đầu quay phim.
Sau khi vất vả đưa người đàn ông nặng gần 135 kg lên xe cứu thương, viên cảnh sát bất lực hét lên với một người trong đám đông: “Sao không tắt điện thoại đi và giúp ông ấy?”.
|
“Hiệu ứng người ngoài cuộc” có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Ảnh: Getty. |
“Hiệu ứng người ngoài cuộc” có thể xảy ra ở bất cứ đâu: hiện trường tai nạn giao thông nghiêm trọng, trận ẩu đả sứt đầu mẻ trán, nơi một người tuyệt vọng muốn nhảy lầu tự vẫn…
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, người ngoài cuộc có mặt ở 70% các vụ tấn công và 52% các vụ cướp. Tỷ lệ những người giúp đỡ nạn nhân rất khác nhau, tùy theo loại tội phạm, môi trường và các yếu tố khác.
Theo một nghiên cứu của Giáo sư tâm lý học Dacher Keltner và Jason Marsh, khi chỉ có một “người ngoài cuộc” chứng kiến vụ việc, có khoảng 75% sẽ quyết định giúp đỡ nạn nhân vì cho rằng người đó đang gặp rắc rối.
Tuy nhiên khi có 6 người cùng chứng kiến, chỉ có khoảng 31% quyết định giúp đỡ. Nói cách khác, càng nhiều người chứng kiến, càng ít khả năng ai đó hỗ trợ.
Sao không giúp?
“Khi tôi 10 tuổi, tôi và cô bạn thân Tracy thường cùng nhau tới thư viện công cộng vào cuối tuần. Khi đang chuẩn bị lấy xe đạp, có vài cô gái tuổi teen đang hút thuốc trên băng ghế gần đó tiến tới, bắt đầu quấy rối chúng tôi.
Họ bắt đầu giật lấy chiếc xe đạp của Tracy, lôi sách vở trong cặp ra xé nát, dùng đầu thuốc lá châm lên tay Tracy và nói nhiều lời tục tĩu. Lúc ấy, tôi không dám làm gì, chỉ lùi lại và bám chặt vào hai chiếc quai cặp như thể đó là mạng sống của tôi. Tôi lầm bầm ‘dừng lại, dừng lại’ nhưng khi có một cô gái tiến về phía tôi, hỏi tôi có muốn chịu cảnh tương tự, tôi chỉ biết lắc đầu, im lặng. Tôi sợ”.
Đó là lời chia sẻ của nhà văn, giáo sư văn học Sarah Henstra (Anh) trong bài đăng trên Salon. Mãi cho đến khi trưởng thành, đọc cuốn “The Bully, The Bullied and the Bystander" của Barbara Coloroso (tạm dịch: Kẻ bắt nạt, kẻ bị bắt nạt và kẻ đứng nhìn), Sarah mới nhận ra thái độ im lặng của bản thân khi đó cũng là vấn đề, chứ không chỉ là khuyến khích, xúi giục hay tham gia như những người kia.
|
Nhiều người không dám lên tiếng giúp đỡ vì sợ bản thân trở thành nạn nhân tiếp theo. Tranh: Lovecall. |
Nỗi sợ trở thành mục tiêu bị hại tiếp theo cũng là một trong những lý do khiến người ngoài cuộc không giúp đỡ nạn nhân, theo Healthline.
Bên cạnh đó, các lý do phổ biến khác là: sợ gây hại đến tính mạng bản thân; sợ bị trả đũa; cảm thấy bản thân không đủ sức mạnh hoặc khả năng để giúp đỡ; cho rằng ai đó có khả năng tốt hơn sẽ ra tay; theo dõi phản ứng của các nhân chứng khác, thấy mọi người không hành động nên cho rằng tình huống không nghiêm trọng.
Ngoài ra, theo Darley và Latané, một yếu tố khác ngăn người ngoài cuộc giúp nạn nhân là “tâm lý sợ bị đánh giá”. Trong tình huống nguy cấp, nhiều người thường đấu tranh tư tưởng: “Chẳng may người đó không cần ai giúp đỡ?”, “Nếu tôi giúp người ta, tôi sẽ trở thành kẻ ngốc hoặc bị đánh giá là kẻ xấu”.
Ở khía cạnh khác, trong một nghiên cứu về đạo đức xã hội, Jan L. Jacobowitz, giảng viên khoa Luật của Đại học Miami, Mỹ nhận định nhiều người "chỉ đơn giản là không muốn tham gia" một vụ ẩu đả "không phải chuyện của mình".
Đạo đức lương tâm
Trong cuốn sách "Regarding the Pain of Others" (tạm dịch: Nỗi đau của người khác), nhà văn Susan Sontag lập luận rằng mọi người quay lưng lại với sự đau khổ của người khác không phải vì họ vô tâm, mà vì họ cảm thấy bất lực và sợ hãi.
Nhưng nếu ai cũng sợ, ai cũng nghĩ "chắc sẽ có người khác lo" thì quả là một điều đau lòng đối với nạn nhân.
Ở Việt Nam và nhiều nước, hành vi bỏ mặc nạn nhân bị coi là phạm luật.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), mọi công dân khi nhìn thấy người khác ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nếu có điều kiện cứu giúp mà không cứu dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Chỉ mất vài giây để gọi báo cảnh sát hoặc cơ quan chức năng cứu người bị nạn. Ảnh: Unplash. |
Trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Pháp đã ban hành “Luật Người tốt” (Good Samaritan Laws) nhằm khuyến khích hành động giúp đỡ người lạ mặt gặp nạn mà không sợ vướng phải kiện tụng. Đây được xem là một trong những nỗ lực để đẩy lùi “căn bệnh vô cảm” trong xã hội.
Đạo luật Cứu hộ Phần Lan quy định rõ việc giúp đỡ người bị nạn là "nghĩa vụ chung" và “phải tham gia hỗ trợ theo khả năng". Bộ Luật Hình sự nước này quy định người có hành vi bỏ mặc nạn nhân có thể bị phạt tù tối đa 6 tháng, theo Finlex.
Giữa thời đại công nghệ số, ai cũng dắt theo chiếc điện thoại thông minh bên mình, sẵn sàng ghi lại mọi diễn biến của cuộc sống. Khi chứng kiến hành vi phạm tội, thay vì đứng nhìn làm ngơ, chỉ mất vài giây để gọi báo cảnh sát hoặc cơ quan chức năng.
Theo Mai An/ Zing News