Tại phiên thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội TP HCM ngày 22/10, Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) đã ví von: "Rõ ràng, đi vay là phải vay tiền “cái” đẻ được, nhưng ta vay thì lại toàn vay tiền “đực”, không đẻ được".
Ý ông Lịch muốn nói tiền chúng ta đi vay để đầu tư phải có hiệu quả, phải tạo ra giá trị thặng dư, còn không thì tiền đi vay sẽ là tiền "đực".
Vậy tiền mà chúng ta đi vay có phải là “giống đực” không? Câu trả lời thì ai cũng biết. Tiền không phải giống “đực” cũng không phải giống “cái”. Cách ví von tiền “đực” tức là muốn nói tới khả năng sinh lời của đồng tiền, khả năng ấy không phải tự nó mà là do con người sử dụng nó tạo ra.
|
"Chúng ta đi vay để đầu tư phải có hiệu quả, phải tạo ra giá trị thặng dư, còn không thì tiền đi vay sẽ là tiền "đực". Ảnh minh họa. |
Sự ví von của ông Lịch nghe có vẻ hài hước, những ngẫm kĩ thì thật đáng lo ngại. Lo ngại bởi đồng tiền đi vay chưa được sử dụng có hiệu quả, thậm chí còn bị thâm thủng. Xin nêu một vài dẫn chứng:
- Nhiều công trình tiền tỉ “đắp chiếu” hoặc hiệu quả sử dụng kém, gây lãng phí như Kí túc xá sinh viên tại Đà Lạt trị giá 227,8 tỷ đồng, chỉ có... 1 sinh viên ở; nhà máy bia Việt Trung (Hà Tĩnh) 264 tỷ đồng, bị bỏ hoang từ 2006 đến nay; Bảo tàng Hà Nội 2.300 tỷ đồng được hoàn thành năm từ 2010 khách vẫn vắng teo; công trình Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc khởi công từ năm 2011, với tổng kinh phí 755 tỷ đồng, đến nay vẫn đắp chiếu chờ bàn giao.
- Nhiều dự án đội vốn khủng, thi công ì ạch, kéo dài. Điển hình là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sau 5 năm thi công đến thời điểm này, vốn dự án đã đội lên con số là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD, mức tăng gần 1,6 lần.
- Nhiều công trình vừa khánh thành hoặc đang thi công đã hư hỏng, xuống cấp, đó là những cao tốc, đại lộ hàng ngàn tỉ mắc “bệnh” sụt lún, nứt nẻ như cao tốc Trung Lương, đại lộ Mai Chí Thọ, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, quốc lộ 18, … Đấy là chưa kể đến chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn 1,5-2 lần so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ.
- Những dự án “kỉ lục” về tiền nhưng lại chưa thực sự cần thiết trong bối cảnh đất nước còn nghèo như dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 11.000 tỉ...
Vào Google, chỉ cần gõ cụm từ “dự án ngàn tỉ” hoặc “công trình ngàn tỉ đắp chiếu” là cho ra hàng trăm ngàn kết quả. Điều đó cho thấy nghịch lí trong các công trình, dự án khủng ở nước ta giữa vốn đầu tư và giá trị thực của công trình mà đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã chỉ ra nguyên nhân “chính là tình trạng tham nhũng, quản lý đầu tư công rất kém. Cái này đâu phải bí mật mà có các vụ án xảy ra rồi…”. "Cũng theo các đại biểu, những vấn đề đau đầu về ngân sách, nợ công của quốc gia, trong đó có việc quản lý, đầu tư kém hiệu quả và tham nhũng, đội vốn... đã là những vấn đề đã được đem ra thảo luận rất nhiều, không chỉ ở riêng Quốc hội mà còn ở rất nhiều các hội thảo, diễn đàn quốc gia, quốc tế, nhưng đến nay vẫn chưa thấy được cải thiện”.
Đấy là xét về phương diện vĩ mô. Còn ở tầm vi mô, người dân thì nghĩ rất đơn giản: Nếu dê, gà, bò, nhím còn rủ nhau chạy vào nhà quan thì tiền ngân sách bỏ ra để đầu tư công thảy đều là… tiền “đực”.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Nguyễn Duy Xuân