Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an) người có 20 năm làm công việc điều tra, phá án đã có cuộc trao đổi với PV Kiến Thức, phân tích về những vụ giết người man rợ, tàn độc liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
- Liên tiếp những vụ giết người tàn độc xảy ra những năm gần đây, ông có phân tích gì về động cơ, nguyên nhân dẫn đến những vụ thảm án?
Trong số các vụ án mạng phát sinh do nguyên nhân xã hội, thì những nguyên nhân do mâu thuẫn thù tức, ghen tuông tình ái chiếm tỉ lệ rất cao. Nếu phân tích kĩ hơn thì những vụ án giết người do hung thủ bột phát xuất phát từ những va phạm xích mích rất đơn giản: có thể chỉ là va chạm giao thông trên đường, trên bàn nhậu có hơi men thì có thể không kiềm chế buông lời không vào tai nhau là đủ để người ta rút dao kiếm ra đâm chém nhau rồi.
|
Ngày 30/8/2018, Triệu Văn Hải (SN 1977, bác sĩ tại BV ĐK TP Cao Bằng) đã xảy ra mâu thuẫn với vợ là chị Đặng Thị Hiếu (SN 1988) rồi ra tay sát hại vợ, phi tang xác xuống sông.
|
- Vụ tài xế taxi bị cứa cổ ở Mỹ Đình, hung thủ còn rất trẻ, vụ nữ sinh giao gà bị hiếp, giết ở Điện Biên… và rất nhiều vụ việc hung thủ có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu nhưng mức độ rất nghiêm trọng. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Nó xuất phát từ thực tiễn là đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Đó là vô cảm - chứng bệnh nan y của xã hội, có người còn gọi đó là ung thư về tâm hồn. Đó là trạng thái tâm lý mà người ta không cảm thấy căm phẫn, ghét bỏ trước những cái xấu, cái tiêu cực mà cũng không cảm thấy hứng thú trước những điều tốt đẹp trong xã hội.
|
Đối tượng Nguyễn Cảnh An - kẻ đã cứa cổ tài xế taxi trước cổng sân vận động (SVĐ) Mỹ Đình hôm 24 Tết Âm lịch 2019 vì thiếu tiền chơi game.
|
Người ta dửng dưng, sống chỉ biết mình trong xã hội kim tiền này. Chủ nghĩa vật chất đang thắng thế, các giá trị vật chất đang dần băng hoại. Trong mỗi gia đình, sự quan tâm của các bậc phu huynh đối với con cái không được như trước vì mất quá nhiều thời gian dành để bươn chải vật lộn trong cuộc sống mưu sinh. Chính vòng xoáy kim tiền cũng cuốn người lớn theo, làm họ phải giành giật, lừa gạt, tranh cướp… những điều sẽ đập vào mắt những đứa trẻ. Đó là khi cuộc khủng hoảng lòng tin bắt đầu.
Mọi thứ sẽ bắt đầu khi trẻ không còn tin người lớn, không còn tin những lời tốt đẹp. Những người trong gia đình bắt đầu sống bàng quan, không còn để ý đến nỗi đau những người xung quanh. Khi trẻ bị ảnh hưởng lối văn hóa ứng xử như vậy thì đương nhiên khi ra ngoài cuộc sống nó chỉ biết mình, bất cứ một cái gì tác động đến lợi ích thì nó sẽ phản kháng.
Nó phản kháng bằng cách nào? Bằng sự hấp thụ của nó. Chúng ta đang có một môi trường rất nguy hại về văn hóa. Giáo dục trong gia đình đang thực sự có vấn đề. Sự hấp thụ của văn hóa ngoại lai, văn hóa phẩm độc hại, trò chơi điện tử bạo lực đã hình thành trong trẻ thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Thực tế trong cuộc sống khi xảy ra va chạm thì trẻ sẽ có xu hướng tìm đến bạo lực để giải quyết.
Chính chúng ta đang bỏ bẵng việc giáo dục kĩ năng sống cho đứa trẻ. Trẻ trong nhà trường bị nhồi nhét kiến thức mà kĩ năng sống rất mờ nhạt, thiếu sự cân đối. Chính vì vậy khi gặp vấn đề nhất định, trẻ không biết phải ứng xử thế nào và bắt đầu tìm đến bạo lực bởi được tiếp xúc nhiều qua phim ảnh, trò chơi.
|
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. |
- Ngoài thực trạng trẻ hóa tội phạm thì những năm gần đây tội phạm là người thiểu số hoặc ở những vùng quê, tỉnh thành xa xôi, khó khăn thậm chí thủ phạm lại không quen biết, không thù oán với nạn nhân. Theo ông , điều gì đã dẫn dắt đến hành động bạo lực như vậy?
Trong cuộc sống thì vốn dĩ họ là những nông dân hiền lành, tuy nhiên trước sức ép cuộc sống, khó khăn về kinh tế, điều kiện cơ sở vật chất, làm không đủ ăn đã tạo ra sự ứng chế với những thứ xung quanh.
Ra đến thị trấn, thành phố thấy người ta sống giàu sang, họ bắt đầu có sự đố kị, mặc cảm, quẫn bách về kinh tế. Rất nhiều vùng nông dân rất nghèo. Đó chỉ là điều kiện cần. Còn diều kiện đủ là người ta gặp những va chạm trong cuộc sống thường nhật với hàng xóm: trâu vào nương ăn lúa hoặc bị làm hỏng mương dẫn nước, nói chung là vô số chuyện ở miền núi, cả những hủ tục mê tín dị đoan…
|
Nhóm đối tượng hiếp, giết cô gái đi giao gà ngày 30 Tết ở Điện Biên. |
Người ta bắt đầu đưa đến quyết định dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn để giải quyết dồn nén mà không có cách nào tháo gỡ, khi vượt quá sức chịu đựng thì sẽ biến thành bạo lực thôi.
- Phải chăng chế tài pháp luật của chúng ta chưa đủ để răn đe? Hệ thống pháp luật của chúng ta đã thực sự đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi tôi phạm này chưa?
Tôi nghĩ đã đủ mạnh rồi. Tuy nhiên việc thực hiện, áp dụng, chấp hành trước hết là từ quan điểm người dân. Người dân chưa làm tốt là hệ quả của nhiều vấn đề khác nhau. Tôi có thể nói là người ta bị mất lòng tin ở một điều gì đó ngoài xã hội. Chẳng hạn chúng ta đang đối mặt với thực trạng tham nhũng, tiêu cực ở các cơ quan nhà nước. Tham nhũng vẫn còn đang hoành hành.
Việc có luật và việc chấp hành luật là hai chuyện khác nhau. Chúng ta sản xuất ra luật, tuy nhiên có đi vào cuộc sống, được tiếp nhận hay không lại là chuyện khác. Nó liên quan đến ý thức chấp hành của người dân. Tại sao người dân lại thiếu ý thức chấp hành, là một vấn đề rất rộng. Nó bao gồm cả vào trách nhiệm của nhà nước.
Từ việc người ta mất niềm tin vào cuộc sống, vào những chuyện đã xảy ra xung quanh, không tin vào những thứ nhà nước ban hành nữa. Ví dụ như vậy. Có thể người ta bị “nhờn” luật, rồi hành vi vi phạm không được phát hiện… tất cả đã tạo ra một ý thức kém trong một bộ phận người dân.
- Thời gian vừa qua cũng có những vụ thảm án cả gia đình, với tính chất tàn độc, xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Đó là loại hình tội phạm máu lạnh. Ông có nhận xét thế nào?
Nguyên nhân xã hội là cái quyết định dẫn dắt đối tượng đến hành vi gây án, trực tiếp nhất chính là bệnh vô cảm, là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đang ở mức trầm trọng, đáng báo động. Những kẻ gây án có tính chất tàn độc như vậy biểu hiện sự ích kỉ rất cao. Vì sao có đặc điểm trạng thái tâm lý đấy ở đối tượng? Xã hội này đang đẻ ra những thứ như vậy. Đó là sản phẩm của xã hội này.
Giả sử 1 người có công ăn việc làm tử tế, thu nhập tốt thì có thể xảy ra va chạm người ta không nghĩ đến chuyện dùng bạo lực để giải quyết. Một người như vậy thì không đi cướp của giết người. Chính những khó khăn trong đời sống kinh tế đã tạo cho người ta bế tắc, không kiếm đủ ăn, người thất nghiệp không kiếm được việc, họ bắt đầu bị lôi kéo bởi các nhóm trên mạng, nhóm lưu manh côn đồ ngoài xã hội.
Người trẻ rất dễ bị dẫn dắt bởi chuyện đó. Các cụ hay bảo “trẻ thì ăn trộm gà, già thì ăn trộm trâu, lâu lâu hóa phỉ”. Những hành vi sai lệch được tích tụ từ những chuyện rất nhỏ mà xã hội không phát hiện ra. Khi nó vỡ thành những hành động phi nhân tính thì xã hội mới bàng hoàng. Chúng ta hãy nhớ rằng đấy chính là sản phẩm của xã hội.
- Theo ông, chúng ta cần thay đổi thế nào để có thể ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra?
Xử lý nghiêm minh tất cả những hành vi vi phạm, không vùng cấm thì sẽ tạo ra uy lực của pháp luật và cơ quan thực thi. Khi người dân đã cảm thấy pháp luật là phương tiện để bảo vệ mình rồi thì người ta sẽ tự nguyện chấp hành.
Ngành công an cũng đã có những bước đi quyết liệt. Tình trạng thanh niên vác dao kiếm ra đường giờ nếu còn thì là rất ít nhờ các tổ công tác 141 đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ kéo quân thanh toán nhau.
Ở nông thôn thì tôi nghĩ là nếu cấp cơ sở làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở thì sẽ giảm tỉ lệ tội phạm rất đáng kể. Tội phạm không phải điều gì xa lạ. Tội phạm luôn bước ra từ ngay cửa ngôi nhà nào đấy. Ngay từ cấp tổ dân phố phải làm tốt việc phòng ngừa tội phạm, các ngành các cấp phải cùng nhau triệt tiêu mầm mống tội phạm thì sẽ là bước tiến ngăn chặn tội phạm từ trứng nước.
Trước hết cần phải thay đổi từ tế bào của xã hội là gia đình. Gia đình phải tốt đã. Muốn gia đình tốt thì những con người trong đấy phải tốt đã. Nhiều gia đình tốt sẽ trở thành một xã hội tốt. Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên đó là cha mẹ phải nêu gương cho các con.
Các gia đình xây dựng nền nếp gia phong, gia giáo, duy trì nó. Đó là truyền thống quý báu ngàn đời nay của người Việt, nhưng lại bị băng hoại trong thời buổi này. Đây là lúc cần phải phát huy lại những giá trị đó bằng các cách khác nhau để ngay tại các gia đình, các thành viên có trách nhiệm với nhau, thương yêu đùm bọc nhau. Trẻ sẽ học được đức hi sinh, bao bọc, chở che từ cha mẹ chúng.
Bộ lọc đầu tiên của trẻ là cha mẹ. Nếu cha mẹ không có sự quan tâm sâu sắc đến con thì sẽ không biết con đọc gì xem gì, chơi với ai. Gia đình cũng là một phần thoi. Nhà trường cũng hết sức quan trọng.
Chúng ta phải xem xét lại chương trình đào tạo, giáo dục. Chúng ta đã và đang sản sinh ra lớp người mà dân gian gọi vui là “gà công nghiệp”: đầy chữ hàn lâm, bác học nhưng không biết gì về ứng xử. Nghĩa là mảng kĩ năng sống trong các chương trình giáo dục gần như vắng bóng, bị coi nhẹ.
Xin cảm ơn ông!
Quý An