Viện trưởng VKS bị tố sờ vùng kín nhân viên: Khó xác minh tội!

Google News

Việc cơ quan chức năng xác minh nội dung nữ chuyên viên tố cáo Viện trưởng KSND địa phương ở Tây Ninh là cần thiết để giải quyết theo quy định pháp luật.

Viện KSND tỉnh Tây Ninh đang xác minh làm rõ nội dung đơn của chị P.T.V.V - nữ chuyên viên 26 tuổi của một Viện KSND cấp huyện thuộc tỉnh Tây Ninh tố cáo Viện trưởng Viện KSND địa phương này có hành vi không chuẩn mực, sàm sỡ đối với chị.
Cần tạm đình chỉ Viện trưởng VKSND bị tố có dấu hiệu tội phạm hiếp dâm
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc thường khó chứng minh hành vi hậu quả. Việc nữ chuyên viên có hành động tố cáo, đưa ra ánh sáng những kẻ có hành vi quấy rối tình dục, làm gương cho người khác để tạo ra một môi trường công sở văn minh là cần thiết. 
“Trong môi trường công sở, nhà nước, tình trạng quấy rối tình dục cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên, ở một môi trường thuộc lĩnh vực pháp luật mà người đứng đầu là Viện trưởng VKSND một địa phương nếu có hành vi quấy rối tình dục như nội dung tố cáo rát đáng bị lên án”, luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo nội dung đơn tố cáo của nữ chuyên viên, đây là một vụ việc nghiêm trọng, không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ hành vi sự việc là cần thiết để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
“Vụ việc trên có ảnh hưởng đến uy tín ngành kiểm sát, uy tín của tổ chức đảng, về công tác cán bộ. Việc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết để đảm bảo an toàn trong môi trường làm việc, đảm bảo công bằng, sự nghiêm minh của pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường cho rằng, trước tiên, cơ quan có thẩm quyền cần tạm đình chỉ công tác Viện KSND cấp huyện này và yêu cầu viết tường trình, báo cáo về sự việc.
Đồng thời, các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ việc, tiến hành khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người làm chứng, kiểm tra thân thể nữ chuyên viên, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường để làm sáng tỏ vụ việc.
Vien truong VKS bi to so vung kin nhan vien: Kho xac minh toi!-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường. 
Có thể xử lý hình sự về tội hiếp dâm?
Theo luật sư Cường, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, Viện trưởng VKSND bị tố cáo đã thừa nhận hành vi theo nội dung đơn tố cáo, nội dung khai báo của người tố cáo phù hợp với các dấu vết để lại, phù hợp với lời khai của người làm chứng hoặc người bị tố cáo không thừa nhận hành vi nhưng có đủ căn cứ cho thấy sự việc diễn ra như nội dung tố cáo của nạn nhân, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra, VKSND tối cao để xem xét xử lý hình sự về tội hiếp dâm theo điều 141 bộ luật hình sự năm 2015.
Điều 141 BLHS năm 2015 nêu rõ:"Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm...".
Luật sư Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật, tội hiếp dâm có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi sử dụng vũ lực nhằm mục đích thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân có thể xử lý hình sự về tội hiếp dâm mà không cần phải có hậu quả xảy ra, không cần người thực hiện hành vi hiếp dâm phải thỏa mãn nhu cầu tình dục... Hành vi hiếp dâm của cán bộ lãnh đạo đối với nhân viên không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, sức khỏe của nạn nhân mà còn là hành vi thể hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống, làm giảm sút uy tín và niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, lãnh đạo, đảng viên. Bởi vậy, người vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật bằng chế tài hình sự, đồng thời bị xem xét kỷ luật đảng và kỷ luật về mặt chính quyền.
Đồng thời, cùng với việc cơ quan chức năng xem xét, xác minh tin báo tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có thể tiến hành xem xét kiểm tra dấu hiệu vi phạm về đạo đức lối sống của đảng viên để có hình thức xử lý kỷ luật. Trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi vi phạm đạo đức lối sống, có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ tiến hành kỷ luật đảng có thể sẽ ở mức cao nhất đối với ông Viện trưởng VKSND địa phương ở Tây Ninh giống như đề xuất xử lý đối với ông Bí thư huyện ủy Cô Tô (Quảng Ninh) thời gian vừa qua.
Vien truong VKS bi to so vung kin nhan vien: Kho xac minh toi!-Hinh-3
 Luật sư Hoàng Tùng. 
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được sự đồng ý của người đó.
Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 5. Nghị định này quy định những người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, trường hợp hành vi quấy rối xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Người phạm tội có thể bị xử lý các khung hình phạt cao hơn nếu có các yếu tố tăng nặng.
Luật sư Tùng cho rằng, người vi phạm là cán bộ công chức, viên chức, theo quy định tại Nghị định 122/NĐ-CP, các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Nếu hành vi của ông Viện trưởng VKSND cấp huyện này vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tùy mức độ vi phạm để áp dụng hình thức kỷ luật được quy định tại Mục 1, chương 2 Nghị định 122.
Như vậy, hành vi của Viện trưởng VKSND một địa phương thuộc tỉnh Tây Ninh ngoài chịu hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức viên chức theo Nghị định 122/NĐ-CP, phạt tiền theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP còn có thể chịu phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015.
Trong đơn tố cáo, nữ chuyên viên nêu, tối 19/10, chị V có ngồi ăn cùng ông T.H.P, viện trưởng Viện KSND một địa phương thuộc tỉnh Tây Ninh cùng với một số người tại cơ quan. Sau khi ngồi được 30 phút, chị V lên phòng ở nhà công vụ làm việc và nghỉ ngơi.
Hơn 21h tối cùng ngày, khi chị V. mở cửa ra ngoài, ông P. kêu chị vào phòng sau đó đóng cửa lại và nhờ chị V bắt gió. Khi nữ chuyên viên xin về phòng, ông P đã có những cử chỉ thiếu chuẩn mực đòi cho quan hệ tình dục, thậm chí có hành vi cưỡng ép. Chỉ khi chị V. dọa nếu ông P. không thả mình ra sẽ tự cắn lưỡi chết nên ông P. mới dừng lại.
Trong khi xảy ra sự việc, chị V. đã lấy điện thoại ghi âm làm bằng chứng và đã trình bày toàn bộ diễn biến cho bộ phận công đoàn, gửi đơn tố cáo đến Viện KSND tỉnh Tây Ninh.
"Qua vụ việc này, tôi cảm thấy hành vi trên của ông P. đối với tôi là không thể chấp nhận được, có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm, quy định tại điều 141 Bộ luật Hình sự, không đúng chuẩn mực của người Đảng viên. Nay tôi làm đơn này kính mong Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ, xem xét xử lý đối với ông P. theo đúng quy định pháp luật”, đơn nữ chuyên viên viết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố nam thanh niên hiếp dâm bạn nhậu 13 tuổi:

Nguồn: THĐT

Tâm Đức