Chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tại phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/3, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đặt câu hỏi: Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đề nghị Viện trưởng cho biết đã có những chỉ đạo và những biện pháp như thế nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Đồng thời, đại biểu cũng gửi câu hỏi này tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
|
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa |
Bên cạnh đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng cho biết, thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?
Trả lời câu hỏi trên, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết câu hỏi đại biểu nêu là vấn đề lớn, vĩ mô, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên cần hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế để hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
“Dưới góc độ của ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác. Đồng thời cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng giải quyết xử lý, tăng tính răn đe… Có công khai, có minh bạch thì sẽ kiểm soát được”, ông Lê Minh Trí nói.
Theo Viện trưởng VKSND tối cao, tồn tại trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân, như văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; người thực hiện quy định pháp luật còn nhận thức khác nhau; cơ quan tư pháp khi thực hiện chức năng nhiệm vụ thì nhận thức khác.
Ông Lê Minh Trí dẫn ví dụ, vấn đề đấu giá đất hay không đấu giá đất hiện không có sự đồng nhất, Luật Đất đai hiện hành yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thì không. Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị bịt các lỗ hổng trong quy định thực tế đã bị lợi dụng, lạm dụng; đồng thời có lộ trình hạn chế dùng tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát.
"Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát khó khăn, kể cả khi xử lý vụ án cũng khó khăn", ông Trí nói.
Về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết đây là chủ trương xuyên suốt của ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu... Tuy nhiên, 2 yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau trong thực tế giữa đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để lọt tội phạm là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng
Nhấn mạnh đây là yêu cầu rất cao và ngặt nghèo, do đó thời gian qua, Ban Cán sự và Viện trưởng kiểm sát tối cao yêu cầu toàn ngành phải quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với kiểm sát viên là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đặc biệt Viện trưởng có một chỉ thị chuyên đề chuyên về chống oan sai, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.
Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu các kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định gắn chặt với công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như bắt khám, xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung đối chất về mặt nhận dạng.
|
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí |
Chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên phải yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; hứng cứ đến đâu xử lý đến đó; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế và đảm bảo đúng pháp luật.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, để hạn chế oan sai và bỏ lọt tội phạm thì một trong những biện pháp quan trọng là công tác cán bộ. Do đó, đề ra yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại; trường hợp phải đình chỉ vì không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên.
Viện Kiểm sát cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với yêu cầu chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Đặt câu hỏi chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ ra, theo báo cáo cũng như các phát biểu trả lời chất vấn từ sáng tới giờ đều cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình tố tụng đều là do nhận thức, cách hiểu chính sách, pháp luật chưa thống nhất gây ra những khó khăn trong quá trình xét xử…Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, vấn đề này đặc biệt rất quan trọng, vì nhận thức mà còn khác nhau thì làm sao xử đúng được.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng
Hải Ninh