Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch COVID-19

Google News

Trong tháng 8, Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch, nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. GDP 9 tháng tăng cao nhất từ 2011...

Sáng 1/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022.
Viet Nam dung thu 2 the gioi ve phuc hoi sau dich COVID-19
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cơn bão số 4 (bão Noru) đã gây mưa lũ lớn, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây nguyên trong những ngày qua, làm 7 người chết tại Nghệ An, nhiều tài sản của người dân và Nhà nước bị thiệt hại.
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước bão lũ, thiên tai, các cơ quan phải bám sát tình hình, vận động, hướng dẫn người dân, có những việc phải cương quyết thì mới tránh được các sự cố, hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại hội nghị cho biết, tính chung 9 tháng, GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực.
Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ tiêm liều nhắc lại, thứ 5 về số liều vắc xin trung bình mỗi người dân nhận được.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng bình quân 3 năm 2020 - 2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016 - 2019 (6,88%).
Các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025 (6,5 - 7%/năm).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, nhất là áp lực lạm phát từ bên ngoài, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn…
>>> Mời độc giả xem thêm video Giới siêu giàu Thái Lan miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế:

(Nguồn: VTV24) 

Thiên Tuấn