Việt Nam làm cách nào ngăn chặn nguồn virus corona “nhập khẩu” khi lượng người nhập cảnh lớn?

Google News

(Kiến Thức) - “Cần hợp tác chặt chẽ với các nước, triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn nguồn lây lan từ bên ngoài vào trong nước trên tinh thần vừa mềm dẻo, vừa cương quyết”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ngày 18/3, số liệu từ cơ quan quản lý hàng không cho biết, có tới gần 7000 người Việt trở về nước trong đó có 1.095 khách từ châu Âu và 5.700 khách từ khu vực ASEAN.
Lượng lớn người Việt trở về nước trong bối cảnh tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đóng cửa biên giới của toàn khối trong 30 ngày để ngăn virus corona mới (SARS-CoV-2) lây lan.
Đáng chú ý, trong số 1.095 khách trở về từ châu Âu có 999 khách là người Việt hồi hương (có tới 325 khách về từ Anh, Pháp và Đức. 3 quốc gia mà dịch Covid đang bùng phát dữ dội).
Khi lượng người nhập cảnh lớn, dư luận đặt câu hỏi, Việt Nam làm cách nào ngăn chặn nguồn virus corona “nhập khẩu”?
Viet Nam lam cach nao ngan chan nguon virus corona “nhap khau” khi luong nguoi nhap canh lon?
 Lượng lớn người Việt về nước trong những ngày gần đây. Ảnh: Báo Giao thông.
Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh để ngăn chặn dịch từ ngoài lan vào trong nước
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-Cov-2 triển khai phương án phòng chống dịch ngày 18/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận giải pháp kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh để ngăn chặn dịch từ ngoài lan vào trong nước.
Đồng thời thảo luận về việc triển khai công tác tiếp nhận người nhập cảnh vào Việt Nam và tổ chức cách ly; chế độ tài chính phục vụ chống dịch; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ tổ chức điều trị; phân loại các nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao (người già, người có bệnh nền, người dễ bị lây nhiễm, người khuyết tật, yếu thế…) để theo dõi y tế tại cơ sở; tăng cường tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ…
Nhiều ý kiến cũng thống nhất nhận định, thực tiễn chống dịch thời gian qua đã khẳng định tất cả nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo thời gian qua là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, đang xấu đi rất nhanh so với dự tính của nhiều chuyên gia trong nước và thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, do đó chúng ta phải tăng cường tốc độ ứng phó.
Viet Nam lam cach nao ngan chan nguon virus corona “nhap khau” khi luong nguoi nhap canh lon?-Hinh-2
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP 
Theo đó, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục kiên trì thực hiện các nguyên tắc: Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm; cách ly kịp thời; khoanh vùng gọn; dập dịch triệt để; điều trị khỏi bệnh.
Đồng thời, cần hợp tác chặt chẽ với các nước, triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn nguồn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước trên tinh thần vừa mềm dẻo, vừa cương quyết. Tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp phát hiện nhanh nhất nguồn bệnh, để cách ly, điều trị; kêu gọi người dân cùng chung sức đồng lòng ngăn chặn dịch bệnh.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo, người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước. Do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh; có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế nêu rõ, việc di chuyển đến sân bay và trên máy bay, khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao nên người dân cần thận trọng khi di chuyển.
Do đó, Bộ Y tế và Bộ GTVT thống nhất, ngành hàng không Việt Nam phải đảm bảo an toàn theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế. Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn y tế của chính quyền nước sở tại. Trường hợp thực sự phải về nước, dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp cần thiết, lo cho bà con một cách tốt nhất có thể.
Sẵn sàng tiếp nhận, cách ly hàng vạn người
Thông tin về việc chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, theo kế hoạch mới nhất quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ. Tổng số người cách ly từ đầu dịch đến giờ mới đạt hơn 21.000 chỗ. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Tính đến 6 giờ sáng nay (18/3), quân đội hiện đang cách 6.986 người.
Như vậy, các khu cách ly của quân đội hiện đã sẵn sàng cơ sở vật chất để tiếp nhận gần 38.000 người vào cách ly. Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000-20.000 chỗ để sẵn sàng tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung theo quy định.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận việc chuẩn bị cơ sở lưu trú, quy trình thực hiện tổ chức cách ly tại khách sạn có thu phí đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp, dự án quan trọng,...
Đồng thời, Ban Chỉ đạo giao các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng,… xây dựng quy định hiệp đồng tổ chức hiệu quả việc tiếp nhận hành khách nhập cảnh tại các cảng hàng không về cách ly y tế theo quy định.
Tại Việt Nam, tính đến 21h ngày 18/3, đã ghi nhận 76 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16 người đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng cho biết, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 31.659 người; trong đó 2.543 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.299 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 22.817 người đang được cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Hạn chế tối đa tử vong vì không có gì quý hơn tính mạng
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia từ đầu tới nay là rất đúng đắn. Đồng thời cho biết, chúng ta tiếp tục kiên định, kiên quyết thực hiện nhưng bây giờ nguồn lực phân công, tốc độ thực hiện vô cùng quan trọng để làm tốt hơn.
“Bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả lực lượng đã vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ. Đặc biệt là sự tham gia của người dân. Qua khó khăn càng thấy rõ sức mạnh của Nhân dân và của hệ thống chính trị. Chúng ta phải tiếp tục phát huy”, Phó Thủ tướng nói.
Trước hết, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh, trên tinh thần mềm dẻo, hợp tác nhưng kiên quyết. Việt Nam phòng, chống dịch tốt cũng góp phần cùng thế giới phòng, chống dịch.
Thực tế, trong những ngày qua, cũng như nhiều nước, do không thể ngăn giao lưu ngay với bên ngoài, các lực lượng phải làm việc “không có đêm, không có ngày” để rà soát, tìm kiếm, giám sát hành khách, các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 trên hàng chục chuyến bay đến Việt Nam.
Trong nước hiện vẫn còn hàng trăm nghìn người nước ngoài đã nhập cảnh chưa quá thời hạn 14 ngày, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Tất cả các đơn vị, lực lượng phải tiếp tục hiệp đồng từ con người, cơ chế, công nghệ để phát hiện nhanh nhất người bệnh, những người tiếp xúc gần.
Tất cả mọi người, dù là người nước ngoài, phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Bộ Y tế, cung cấp thông tin về việc xác định, tiếp cận cách ly, hỗ trợ y tế những người có nguy cơ lây nhiễm nhanh nhất, không để bỏ sót một ai.
“Chúng ta phải kiểm soát được người nhập cảnh bằng chính sách quản lý thị thực như Thủ tướng vừa chỉ đạo, đồng thời tiếp cận, cách ly được tất cả những người có nguy cơ lây nhiễm đã nhập cảnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường truyền thông qua tất cả các kênh để hướng dẫn, đề nghị người Việt Nam đang học tập, lao động ở nước ngoài tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nước sở tại.
“Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”. Nhiều ngày nay, các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 làm việc rất vất vả, dành những điều kiện tốt nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Vì vậy, dù sẽ có những bất tiện như các thủ tục sân bay, điều kiện nơi cách ly, nhưng Phó Thủ tướng mong mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hợp tác, chia sẻ. Sự hợp tác chia sẻ của những người được cách ly và của cả cộng đồng chính là sự động viên quý báu nhất cho tất cả các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện tất cả các giải pháp tổng lực, đẩy nhanh tốc độ phân nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm hoặc khi bị lây nhiễm thì bệnh sẽ năng hơn như: Người cao tuổi, người có bệnh nền, đặc biệt là những người yếm thế như người khuyết tật… Những đối tượng này cần cố gắng hạn chế di chuyển, ở tại gia đình, và khi có vấn đề về sức khoẻ thì y tế cơ sở phải đến tận nhà để thăm khám, điều trị bệnh nhà hoặc tại cơ sở theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”, nguyên lý y học gia đình.
Trong công tác điều trị, phải làm mạnh hơn nữa, tăng cường tập huấn đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên cho các bệnh viện, đặc biệt là đúc kết kinh nghiệm qua các đợt điều trị chống các bệnh dịch SARS, dịch cúm H1N1 trước. Tinh thần là “hạn chế tối đa tử vong vì không có gì quý hơn tính mạng”.“Chúng ta làm hết sức vì sức khoẻ, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Toàn cảnh phòng chống dịch COVID-19 ngày 18/3/2020:

Nguồn VTV 24.

Hải Ninh