Việt Nam và những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu

Google News

(Kiến Thức) - Trong những năm qua Việt Nam luôn là một trong những quốc gia đi đầu trong chủ động và tích cực thực hiện những cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo đó ngay từ năm 2014, Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với tầm nhìn từ nay cho đến năm 2050 - Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 mục tiêu của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sẽ hướng tới nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Hình thành ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Viet Nam va nhung no luc ung pho bien doi khi hau
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện những cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.  
Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung và giảm mức phát thải KNK trên đơn vị GDP từ 8 - 10% so với năm 2010.
Giai đoạn hai của Nghị quyết 24 từ năm 2020 đến 2050 về cơ bản Việt Nam Nam sẽ hoàn toàn chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Và để có thể hoàn thành được các mục tiêu trên cần có sự góp sức rất lớn các tổ chức xã hội trong việc đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, và giám sát việc thực hiện Nghị quyết 24 trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và xa hơn là đến năm 2050.
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu
Từ lâu Việt Nam đã nhận thức rõ được biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai. Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại.
Và từ những thách thức trên một chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được xem ra cần thiết đối với Việt Nam nhằm phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Viet Nam va nhung no luc ung pho bien doi khi hau-Hinh-2
Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại, mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 
Trong đó đến năm 2025, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được đồng thời tiến hành, và tiến tới giảm phát thải khí nhà kính trở thành tiêu chí trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ năm 2026 – 2050.
Và từ ngày ngày 05/12/2011, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg, cùng với đó là 10 nhiệm vụ bao quát, mang tầm chiến lược để thực hiện các mục tiêu nêu trên.
Vận dụng tốt sự hỗ trợ từ quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Bên cạnh chủ động thực hiện các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu với các nguồn lực trong nước, một số nhà tài trợ quốc tế cũng giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách, chương trình, dự án ưu tiên liên quan đến BĐKH và góp phần triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu đến năm 2030.
Có thể nói đến một số nhà tài trợ như JICA (Nhật Bản) và AFD (Pháp), khởi sướng từ năm 2009, sau đó có thêm WB, CIDA (Canada), DFAT (Úc), K-Eximbank (Hàn Quốc), đây chỉ là một số trong các quốc gia đang hỗ trợ cho Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh
Được ban hành từ ngày 31/10/2017 theo QĐ số 1670/QĐ-TTg, Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh được kỳ vọng sẽ phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững.
Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất. Tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế.
Giảm lượng phát thải khí nhà kính hướng đến việc triệc khai thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính sau 2020 (COP21 và cam kết quốc gia tự quyết định - iNDC).
Kế hoạch Thích ứng quốc gia (NAP)
Mục tiêu của Kế hoạch Thích ứng quốc gia là xây dựng được kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 bao gồm các giải pháp ưu tiên trung hạn và dài hạn cho 07 vùng khí hậu và từng ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Xây dựng được danh mục nhiệm vụ/dự án về thích ứng biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Biến đổi Khí hậu chủ trì thực hiện.
Kế hoạch Thích ứng quốc gia được ban hành (dự kiến năm 2019), làm cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa các nhiệm vụ cụ thể, xây dựng chi tiết và tổ chức thực hiện.
Viet Nam va nhung no luc ung pho bien doi khi hau-Hinh-3
 Trồng rừng phòng hộ chống biến đổi khí hậu tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải KNK đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo xuất phát từ các bất cập, hạn chế trong quá trình quản lý và triển khai thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như:
- Tạo hành lang pháp lý quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa đầy đủ, chỉ có tính chất quy định khung như trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014 hoặc một số văn bản cá biệt, giá trị pháp lý chưa cao, chưa có tính quy phạm bắt buộc, chưa có tác động tích cực tới các chủ thể phát thải khí nhà kính.
- Cơ sở pháp lý cho các biện pháp thi hành như kiểm kê khí nhà kính; đo đạc - báo cáo - thẩm tra (MRV) mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa đủ mạnh để hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và đảm bảo mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quốc tế công nhận.
- Các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi còn thiếu để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
- Cơ sở pháp lý để triển khai thí điểm quản lý tín chỉ các-bon, định giá các-bon phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế còn thiếu dẫn tới hạn chế trong việc tham gia các cơ chế quốc tế mới và huy động các nguồn vốn nước ngoài cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
- Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa được quy định rõ ràng. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mới chỉ tập trung ở cấp vĩ mô thông qua việc xây dựng, ban hành chính sách của các Bộ, ngành. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, thúc đẩy các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn còn mờ nhạt, thiếu hiệu quả. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động phát thải khí nhà kính chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
- Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chủ yếu được thực hiện ở cấp độ dự án đơn lẻ khi có sự hỗ trợ của quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực. Việc xây dựng, thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực còn chưa bài bản, thiếu tính kết nối, liên thông đồng bộ về mục tiêu, giải pháp ở quy mô, lợi ích tổng thể của quốc gia.
- Quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa đủ hiệu lực, hiệu quả cần thiết theo yêu cầu trong nước và quốc tế. Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo, kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất.
- Nhận thức của xã hội, của từng doanh nghiệp cũng như cộng đồng về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ cơ quan nhà nước các cấp chưa được thực hiện bài bản, thường xuyên.
Ngoài ra, quan điểm về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là một động lực chính cho chuyển đổi công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch; sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức còn rất hạn chế. Các lợi ích khác của giảm nhẹ phát thải khí nhà kính về kinh tế, xã hội, môi trường, đặc biệt trong thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được phát huy đúng với tiềm năng.
Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc các ngành có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính; kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trên lãnh thổ Việt Nam.
Nghị định này gồm 4 chương với 36 điều, trong đó giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lộ trình bắt buộc so với tổng lượng phát thải xác định tại kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam đến năm 2030 phải đạt mức tối thiểu 8% thuộc các ngành chính gây phát thải khí nhà kính theo quy định của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu (8%) được khuyến khích điều chỉnh đến 25% nếu nhận được hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực từ cộng đồng quốc tế. Mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giai đoạn sau năm 2030 tới năm 2050 được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực hiện cam kết với quốc tế của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020 - 2030; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, địa phương tới năm 2050.
Trà Khánh