Vợ bỏ, tướng cướp Hồ Duy Trúc sám hối bằng nồi cá kho của mẹ

Google News

Đối với tướng cướp Hồ Duy Trúc, dù may mắn tái sinh thêm lần nữa nhưng “bản án” tướng cướp này đang đối diện còn đau gấp trăm lần khi người thân lần lượt bỏ ra đi.

Đoạn cuối cuộc tình sau song sắt
4 năm trước trên sân tòa sau phiên xét xử tướng cướp Hồ Duy Trúc và đồng bọn, mọi người có mặt tại đây chứng kiến những cảm xúc đa chiều: “Giận dữ, nguyền rủa, thở phào nhẹ nhỏm và nước mắt”. Băng nhóm 6 tháng gây ra 17 vụ cướp, 12 nạn nhân và một cánh tay phải nối lại đã phải trả giá.
Cũng sau phiên xét xử, nhiều người tiếp tục trút mọi sự tức giận lên gia đình Trúc. Bởi, bà Nguyễn Thị Út - mẹ bị cáo có nhiều phát ngôn chạm đến sự phẫn nộ của dư luận. Nhưng trong luồng suy nghĩ cực đoan ấy, hình ảnh vợ tướng cướp nước mắt ngấn lệ, ôm bụng bầu, lủi thủi ngồi ở trước sân tòa khiến nhiều người thương cảm.
Người con gái tên Hằng với mối tình lầm lỡ từng khao khát một lần cầm tờ giấy kết hôn và mặc áo cưới chỉ biết ôm mặt khóc nức nở khi ai đó hỏi chuyện. Bởi cô cũng chính là một “nạn nhân” trong trò chơi tình ái của Trúc. Để kết quả cuối cùng, ngoài tình yêu thương được Hằng mặc định “tình yêu không bao giờ có lỗi” là một nỗi đau dai dẳng cả đời cô mang theo.
“Tình yêu không có lỗi” - có chăng lỗi lầm lớn nhất của Hằng là trao nhầm trái tim cho Hồ Duy Trúc. 
Mười mấy năm trước, mẹ Hằng gặp tai nạn giao thông, cả gia đình bán hết tài sản tìm cách chữa trị nhưng rồi tuyệt vọng. Bi kịch bắt đầu đổ ập từ đây. Hai anh em Hằng nghỉ học. Người anh qua ở với cậu ruột, còn cô ở với cha. Ngày ngày Hằng phụ cha bán bong bóng trước cổng trường tiểu học. Cuộc sống của hai cha con cứ trôi qua trong sự khó khăn, hiu quạnh.
Cuối tháng 10.2012, Hằng được một người bạn rủ vào Sài Gòn chơi. Run rủi thế nào, cô gặp Trúc. Vỏ bọc bề ngoài của tướng cướp dễ dàng đánh lừa tất cả mọi người, trong đó có Hằng. Trúc luôn tự hào khoe nghề nghiệp của mình là thợ sửa chữa điện lạnh. Hằng là một trong số rất nhiều người tin vào điều đó. Trong 1 tháng ở Sài Gòn, trái tim cô “say nắng” Trúc lúc nào không hay biết. Một tháng đủ để cô gái mới lớn trải nghiệm tất cả các cung bậc cảm xúc của kẻ lõi đời mang tên Hồ Duy Trúc!.
Đến khi quay về sống với cha ở quê được 15 ngày, Trúc gọi điện cho Hằng vào Sài Gòn sống cùng. Nghe theo tiếng gọi tình yêu, cô lập tức xuôi về phía Nam thêm lần nữa. Hằng xin được công việc khâu bao bì ở đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM) với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng, mới được vài tuần thì cô phải lết “thân tàn ma dại” về nhà. Người cha chết đứng khi nghe con thông báo đang mang thai của kẻ “chặt tay cướp SH” vừa bị bắt khiến cả xã hội phẫn nộ.
Hằng kể, nếu biết Trúc sống bằng nghề đi cướp thì cô không bao giờ trao thân gửi phận. Đến khi mọi chuyện vỡ lở thì chẳng còn gì để nói. Riêng cái thai, trước sự thúc ép từ hai phía gia đình Trúc và người thân của mình, Hằng còn không dám về nhà. Tiền không có ăn, cái thai 6 tháng được bác sĩ chẩn đoán bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Là bà bầu mà trông Hằng khô đét, gầy tong, không đêm nào cô ngủ tròn giấc.
Cô mang lý lẽ của tình yêu biện minh cho hành động trốn chạy gia đình: “Vì em thương anh Trúc. Em muốn giữ lại giọt máu để chứng minh tình yêu. Hơn nữa, đứa trẻ không có tội tình gì cả”.
Hằng một mình “vượt cạn”, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Vì không có hôn thú nên đứa trẻ không được mang họ cha, trong giấy khai sinh mục tên cha bỏ trống. Hằng nhìn con, nghĩ đến tương lại xám xịt trước mắt. Nhưng đứa trẻ không có tội, nó là niềm an ủi lớn nhất lúc này đối với người mẹ trẻ. Đứa trẻ ấy được Trúc và Hằng thống nhất đặt tên là Nguyễn Hồ Duy Lưu. Sau khi Hồ Duy Trúc bị kết án tử hình, Hằng ôm con về nhà bố đẻ ở TP.Phan Rang (Ninh Thuận) bấu víu.
Bố cô, người đàn ông 62 tuổi, góa vợ đang sống bằng nghề bán bong bóng dạo nên Hằng cũng không nương tựa được lâu. Cô lại ôm con ngược xuôi vào Nam thuê trọ, làm công nhân. Nơi đất khách quê người, Hằng sống thui thủi một mình trong căn phòng trọ tồi tàn ở phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Cha mẹ của Trúc từng một thời oán trách cô đồng lõa, không khuyên can con trai họ sa lầy vào tội lỗi. Đến sau này, khi Trúc bị tuyên án và đứa cháu ra đời nên vợ chồng ông Tùng, bà Út bắt đầu nguôi giận, quay sang nhận con dâu, nhận cháu nội. Thấy cuộc sống của mẹ con Hằng khốn khổ, cha mẹ Trúc bảo cô sang nhà phụ bán hoa quả, để tiện chăm sóc. Lần đầu tiên, Hằng được sống trong cảnh “danh chính ngôn thuận” với vai trò nàng dâu.
Trả giá lỗi lầm
Sau phiên tòa phúc thẩm, Trúc bị tuyên y án và biệt giam ở Khám Chí Hoà (TP. HCM), Hằng vài lần cùng gia đình chồng đến thăm. Lần cuối cùng, cuộc “đoàn tụ” trong trại giam của gia đình Trúc diễn ra vào cuối năm 2014.
Trước mặt Trúc là đứa con trai ốm yếu, chưa một lần được chính mình nâng niu, chăm sóc. Đứa con trai thơ dại nhìn Trúc, miệng bi bô lặp theo các từ do mẹ bày: “Ba!Ba! con yêu ba”. Còn người đối diện là “vợ”- chưa một lần mặc áo cưới nhưng vẫn gọi Trúc bằng “chồng”. Cạnh bên là cha mẹ Trúc - mái tóc ngày càng bạc trắng, gầy gò. Trúc không nói nên lời, chỉ lặng im khóc.
Trước khi chia tay người thân, Trúc dặn dò vợ thật kỹ: “Dù có như thế nào, em đừng bỏ rơi con, tội lắm!”. Đây cũng là lần cuối cùng Trúc được gặp vợ con. Bởi kết thúc cuộc chạm mặt đó, Hằng quyết định ôm con một lần nữa chạy trốn quá khứ. Cô cắt đứt hết mọi thông tin liên lạc với bố mẹ chồng.
“Nó không muốn sau này con lớn lên, ai đó hỏi cha đâu sẽ không có câu trả lời. Đứa bé vô tội, nó cần được sống trong môi trường tốt, không bị vấy bẩn bởi quá khứ của ba mình. Hai vợ chồng già cũng không thể trách con dâu, có trách thì trách chính con trai mình là tác nhân gây ra mọi tội lỗi”, ông Tùng nói.
Đến bây giờ, ông Tùng cũng không hay biết Hằng đang phiêu dạt nơi đâu. Những lúc vào trại giam thăm, Trúc luôn miệng hỏi “vợ con thế nào? Con trai con lớn chưa, nó biết làm gì, sao lâu rồi không ghé thăm”, hai ông bà chỉ biết lặng im.
Hàng tháng, cha mẹ Trúc vượt hàng trăm km vào thăm con. Người thân bên cạnh Trúc duy nhất lúc này là cha mẹ già, còn lại tất cả đều bỏ rơi hắn.
Hiện tại, Trúc được di lý về trại giam ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) thụ án. Mới đây, Hồ Duy Trúc được Chủ tịch nước ký quyết định ân xá từ án tử hình xuống chung thân. Vì vậy, sau lần tái sinh làm lại cuộc đời, Trúc cảm thấy mình may mắn và ngày ngày sám hối, cải tạo. Nguồn động viên lớn nhất của Trúc lúc này chính là gia đình.
Hàng tháng, cha mẹ Trúc đều đặn ngược xuôi mượn tiền bắt xe đò đi mấy trăm km từ Ninh Thuận vào thăm. Món quà lớn nhất ông bà mang theo gửi cho con là ít cá kho đồng, ít chuối sáp. Nhìn cha mẹ sức khoẻ yếu dần, Trúc không dám khóc, chỉ khao khát hứa cải tạo tốt, cố gắng làm lại từ đầu.
***
Đôi khi cái chết là dấu chấm hết đối với một con người, đặc biệt những trường hợp như Hồ Duy Trúc. Nhưng thêm một lần được tái sinh với mức chung thân, những năm tháng còn lại của Trúc trong trại giam, “bản án” lương tâm mới là điều khủng khiếp khiến hắn phải trả giá đắt.
Hơn ai hết, nỗi đau hiện hữu trước mắt là Trúc mất vợ, mất con và đẩy cha mẹ mình rơi cùng quẫn khi tuổi xế chiều.
Theo Ngọc Bình/Saostar