Vợ chồng cạn nghĩa
Nhằm xua tan những phong tục, tập quán cổ hủ của đồng bào, trong mấy năm gần đây, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương đã và đang cố gắng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Thế nhưng để có thể “diệt tận gốc” những suy nghĩ mê muội, tăm tối đã ăn sâu, ngâm tẩm vào tiềm thức của những sơn dân không phải là việc có thể làm trong “ngày một ngày hai”. Cũng chính từ những u mê, lầm lạc ấy mà đôi khi đẩy con người ta vào vòng tội lỗi. Ví như trường hợp của Hoàng Thị T, sinh năm 1981, dân tộc Tày, trú tại thôn 1, xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Chỉ vì một phút “cả giận mất khôn”, T đã rắp tâm hạ độc “người chồng nát rượu” của mình bằng lá ngón. Chồng chết, T đi tù, hai con trẻ bơ vơ. Đã có quá nhiều đớn đau và nước mắt trong vụ thảm án từng gây chấn động cả tỉnh Hà Giang này.
T sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đến lớn cô chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp cha mẹ việc ruộng nương. Rồi cũng như bao thiếu nữ vùng cao khác, 18 tuổi, T lấy chồng. Chồng T người cùng bản, tên Hoàng Văn Th, sinh năm 1976. Ngay sau khi cưới xong, bố mẹ chồng đã cho hai vợ chồng T ra ở riêng với vốn liếng ban đầu là vài mảnh nương con cộng với ít đồ gia dụng.
|
Ngày T bị đưa ra xét xử. |
Vợ chồng mũi dãi, lại sinh liền hai đứa con một gái, một trai nên dù T có cố gắng lam lũ, lần hồi đến đâu thì vẫn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Hơn thế nữa, chồng T lại là người nghiện rượu. Không chỉ bỏ bê, phó thác mọi việc trong gia đình cho vợ, mà mỗi lần rượu xong, Th còn hay tìm cớ chửi bới, đánh đập T. Những đồ đạc có giá trị trong nhà lần lượt được Th đem đi gán, bán. Chả mấy chốc căn nhà của đôi vợ chồng trẻ trở nên trống huơ trống hoác.
Mặc dù đã được bố mẹ, gia đình, thôn xóm nhắc nhở nhiều lần, nhưng Th đều bỏ ngoài tai, cứ rượu vào là lại chứng nào tật ấy. Không chịu nổi người chồng nát rượu, vũ phu, trong T bắt đầu hình thành ý nghĩ tìm đến cái chết để giải thoát cho mình. Ý nghĩ ấy ngày càng lớn lên. Một lần đi làm nương về, T thấy bụi ngọn cây lá ngón bên đường liền chặt một đoạn thân mang về nhà giấu trên sạp gỗ trong bếp.
Hôm sau, lúc mọi người trong nhà đã đi vắng hết, T đem đoạn thân cây lá ngón đó ra chặt thành những mẩu nhỏ rồi cho vào ngâm rượu. Sau đó, T giấu chai rượu vào chân cột giữa gian bếp để chờ vài hôm cho chất kịch độc từ cây ngấm ra rượu thì dùng. Mấy hôm sau, T đương định quyên sinh bằng cách uống hết số rượu độc thì nghe tiếng đứa con thứ hai khóc gọi. Bản năng làm mẹ trỗi dậy đã ngăn T lại. Cô nghĩ, nếu mình mà chết đi, hai đứa con sẽ bơ vơ. T lại đành cất chai rượu vào chỗ cũ.
Sau lần định tự tử hụt ấy, T chợt ngẫm thấy việc tự tìm đến cái chết thật vô lý bởi bản thân mình không có lỗi, mà người có lỗi là ông chồng bê tha, nát rượu. Những bí bách, dồn nén của sự hành hạ tích tụ lâu ngày khiến người đàn bà dân tộc ấy không còn nghĩ được điều gì hơn ngoài những uất hận và ham muốn trả thù. Người nào có lỗi, người đó phải chết, T nghĩ như thế nên cô quyết định dùng rượu ngâm cây lá ngón để “xử” chồng.
Nghĩ là làm, T liền đổ nửa chai rượu độc vào hũ rượu hàng ngày chồng vẫn uống rồi bỏ đi làm. Hôm sau, Th rủ bạn là Giàng Seo Pao, SN 1972 và Giàng Seo Đề, SN1994, cùng trú tại thôn 1, xã Nam Sơn, huyện Hoàng Su Phì đến nhà mình uống rượu. Chiều đó đi nương về, T thấy mặt chồng tím tái, vội vàng gọi mọi người đưa Th đi cấp cứu nhưng không kịp. Còn Giàng Seo Pao và Giàng Seo Đề, sau khi uống rượu tại nhà Th, trên đường về nhà có biểu hiện bị hôn mê. Gia đình và hàng xóm đã đưa đi cấp cứu nhưng cả hai cũng đều không qua khỏi.
Ngày bị TAND tỉnh Hà Giang đưa ra xét xử, khi đứng trước vành móng ngựa, T sụt sịt kể về nỗi khổ triền miên của mình khiến nhiều người dự khán chạnh lòng. Họ thương một người phụ nữ lành hiền, chân chất mà hẩm phận, và họ cũng tiếc cho cô chỉ vì một phút nông nổi, mù quáng để giờ phải vào vòng lao lý. Sau khi xem xét một cách kỹ lưỡng các tình tiết của vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Hoàng Thị Tiên 10 năm tù.
Tận cùng của sự u mê
Cũng là vợ giết chồng bằng lá ngón, nhưng ở vụ án Thào Thị Ch, 24 tuổi ở bản Nậm Tần Mông 2, xã Pa Tần, (Sìn Hồ, Lai Châu) khiến người ta ám ảnh hơn nhiều. Bởi, tất cả tội ác đều khởi nguồn từ sự u mê, mông muội của những con người cả đời sống sau vách núi.
Do ở cùng bản và ở gần nhà nhau nên Giàng Thị Cay 50 tuổi và Thào Thị Ch thường rủ nhau lên rừng, lên nương. Vì thế, mọi câu chuyện từ tình cảm, kinh tế gia đình hai người thường kể cho nhau nghe. Cũng vì hoàn cảnh tương đồng nên hai người phụ nữ này coi nhau như là bạn, mặc dù họ cách nhau khá xa về tuổi tác. Dù vẫn còn trẻ, nhưng Ch đã có chồng và hai con. Một chữ bẻ đôi không biết, ngày này qua tháng khác Ch chỉ quanh quẩn ruộng nương. Thời gian rảnh rỗi, Ch thường lên rừng tìm kiếm rau, củ, quả về đem bán kiếm thêm thu nhập.
Trong một lần đi rừng, Ch đã than với Cay rằng: “Làm việc quần quật suốt ngày mà không đủ sống, thậm chí không có tiền may nổi bộ quần áo mới, nếu mà cứ sống thế này thì chán lắm. Có cách gì để thay đổi cuộc sống này không, hả Cay?”. Thấy bạn “tâm giao” hỏi vậy, nghĩ ngợi một hồi rồi Cay “phán”: “Muốn thay đổi cuộc sống chỉ còn cách lấy chồng Trung Quốc. Nếu mày thích, tao có thể giúp được mày…”.
Thấy người chị cùng bản nói đúng nỗi lòng của mình, lại đương mong muốn được đổi đời, Ch gật đầu đồng ý. Bởi, cô cũng biết ở bản đã có vài người sang Trung Quốc lấy chồng và hiện giờ họ đã có cuộc sống tốt hơn hẳn so với những người phụ nữ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ch háo hức chờ ngày được đi lấy chồng ở xứ người với niềm tin sẽ không phải làm lụng nhiều và có cơm ngon áo đẹp.
Để thực hiện giấc mơ viển vông này, Ch suy nghĩ rất nhiều và không biết làm cách để bỏ được chồng. Bởi chồng Ch, Vàng Lồng Páo là một người đàn ông chăm chỉ và yêu vợ, nên việc bỏ nhau vì mâu thuẫn là không thể. Ch lại gặp Cay để nhờ Cay “hiến kế”. Không cần một phút suy nghĩ, Cay bảo: “Phải giết nó đi thôi! Chỉ có cách đó thì mới đi được!”. Với những người phụ nữ khác khi nghe những lời này chắc chắn họ gạt bỏ đi, nhưng với Ch, có lẽ quá ảo tưởng về sự giàu sang phía bên kia biên giới, cô đã răm rắp nghe theo.
Từ đó, Ch âm thầm đào rễ cây lá ngón đem về nhà cất giấu. Mấy hôm sau, thấy Páo đi làm, người vợ u mê này đã lấy rễ cây lá ngon đun lên rồi đổ vào bát để đợi chồng về uống. Đến trưa khi vừa đi làm về, đang lúc khát, thấy bát nước, Páo mới hỏi đây là nước gì thì Ch “ngọt ngào” bảo với chồng đấy là “nước thuốc”. Không một chút đắn đo, Páo uống một hơi hết sạch. Chỉ ít phút sau, Páo ngã gục, mồm mép sủi bọt như bong bóng.
Đến lúc này, Ch mới bừng tỉnh. Nhưng bao nhiêu nỗ lực nhằm cứu sống chồng của cô đều vô vọng bởi các chất kịch độc từ rễ cây lá ngón đã ngấm vào lục phủ ngũ tạng của Vàng Lồng Páo. Ngay sau khi làm tang cho chồng, Ch đã lên cơ quan công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Vậy là chỉ vì những tham vọng viển vông, Ch đã phải trả giá bằng bản án 8 năm tù.
Cả T và Ch phải đến khi khoác lên mình chiếc áo phạm nhân mới nhận ra sai lầm của mình. Đặc biệt là T, kể từ ngày được đưa về cải tạo tại Phân trại số 2, Trại giam Quyết Tiến, Bộ Công an, cô tỏ ra ân hận rất nhiều. Cô ân hận chỉ vì những suy nghĩ nông cạn của mình mà đẩy cả gia đình vào bi kịch không thể đớn đau hơn. Cô thương mẹ, thương mình và thương cả cho số phận nghiệt ngã của hai đứa con thơ. Cũng kiếp phận con người, thế nhưng hai đứa con cô vừa mới sinh ra đã không được hưởng một cuộc sống bình thường. Đã thế, chúng lại phải chịu thêm nhiều nỗi mất mát lớn lao. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ rơi vào lao lý, dường như trong mắt hai đứa trẻ luôn chất chứa nỗi buồn.
T bảo, những ngày đầu vào trại, nếu không có có sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của Ban Giám thị trại giam thì cô đã không thể vững vàng vượt qua tâm lí mặc cảm, u uất về quá khứ cũng như không có cái nhìn tươi sáng về phía tương lai. Và kể từ khi nhận thức được sai lầm, cả T và Ch luôn răn mình phải cải tạo thật tốt, giữ gìn sức khỏe để còn có ngày về bên gia đình, về với các con.
Theo Nam Hoàng/Công Lý