Tin nhắn cuối cùng
Trong căn phòng trọ nóng hầm hập, tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé mới 2 tuổi ré lên từng hồi. Không ai nghe thấy tiếng hát ru, dỗ con của Tiêu Hoàng Kha (31 tuổi, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Nỗi đau mất vợ, xa đứa con mới sinh cuộn trào khiến cổ họng anh nghẹn lại. Anh không thể hát thành lời.
Kha chỉ kịp lí nhí dỗ: “Nín đi con. Nín đi con”. Những ngày qua, bi kịch liên tục ập xuống phận đời khốn khó của Kha. COVID-19 vừa khiến anh mất vợ, vừa đẩy 3 đứa con bé nhỏ của anh vào cảnh mồ côi mẹ.
Những ngày dịch bệnh bùng phát, Kha và vợ chỉ ở nhà nên không biết lây nhiễm từ đâu. Ngày phát hiện nhiễm bệnh, Kha nhập viện điều trị. Được ít ngày, anh hay tin vợ cũng dương tính với Sars-Cov-2. Lúc này, chị Dương Kim Ngân (32 tuổi, vợ Kha) đang mang thai đứa con thứ ba và sắp đến ngày sinh nở.
|
Gia đình êm ấm của Kha ngày dịch bệnh chưa ập đến. |
“Hai vợ chồng nhập viện, chúng tôi phải gửi 2 con cho một người em thân thiết chăm giúp. Bé lớn nhà tôi đã 10 tuổi, bé thứ hai 2 tuổi rồi nên cũng tạm yên tâm. Thấy nhà tôi neo người, hai vợ chồng lại đi điều trị bệnh nên bạn tôi nhiệt tình giúp đỡ”, Kha chia sẻ.
Để tiện bề chăm sóc hai con của Kha, người này chuẩn bị đồ đạc, dọn qua phòng trọ của anh ở tạm. Nằm trong bệnh viện, Kha nhớ và lo lắng cho vợ cùng đứa con trong bụng. Anh không thể nào chợp mắt.
Ngày 2/9, Kha nhận được cuộc gọi từ bệnh viện nơi Ngân đang điều trị. Các bác sĩ thông báo sẽ phải mổ bắt con. Lòng anh lại càng hoang mang lo sợ. Kha nhắn tin động viên vợ và cố xin bệnh viện cho mình chuyển viện, đến nơi Ngân đang điều trị để được chăm sóc vợ nhưng không được.
“Sau khi mổ bắt con xong, vợ tôi đã nhờ một chị ở nhà trọ đón bé về chăm sóc giúp. Tôi tạm yên tâm nhưng vẫn lo cho sức khỏe của Ngân. Mỗi lúc khỏe là tôi nhắn tin, gọi điện cho vợ. Ngày 8/9 là ngày tôi nhận được tin nhắn cuối cùng của Ngân. Cô ấy chỉ kịp nhắn cho tôi là “Em yếu lắm rồi, anh cố gắng nuôi con nha”.
|
Chị Ngân qua đời sau khi mổ bắt con ít ngày. |
Tôi đã cố gắng động viên, hi vọng Ngân về với tôi và các con nhưng cô ấy không qua khỏi. Chỉ trong phút chốc, tôi mất vợ, con tôi mồ côi mẹ. Bé út mới sinh, tính đến hôm nay mới được mười mấy ngày tuổi. Bé còn kịp biết mặt mẹ…”, Kha rưng rức khóc.
Lấy áo mẹ đắp cho con, bé mới nín khóc
Ngày 9/9, Kha xuất viện về nhà để tự cách ly. Anh lập tạm bàn thờ vợ rồi vụng về chăm con. Kha nói, trước đây, anh chỉ biết đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vợ anh lo chăm sóc các con. Bây giờ, vừa phải làm cha lại phải làm mẹ, Kha không tránh được vụng về, luống cuống.
Nhìn hai đứa con nheo nhóc, khóc gào đòi sữa, đòi mẹ, anh nuốt nước mắt vào lòng, an ủi bé trai rồi quay sang dỗ bé gái. Kha nấu cơm, pha sữa cho con… Vấp váp gì trong việc chăm bé 2 tuổi, Kha đều phải gọi điện về quê hỏi mẹ.
“Hiện tại, tôi vẫn gửi bé út cho gia đình chị hàng xóm chăm sóc giúp. Nhớ con, tôi chỉ dám đứng từ xa mà nhìn thôi. Từ lúc con sinh ra đến giờ, tôi chưa được ẵm con lần nào".
|
Đứa con út của anh Kha chịu nỗi đau mồ côi khi chưa kịp biết mặt mẹ. |
“Bé hai tuổi thiếu sữa, đêm nào cũng khóc đòi mẹ. Ôm con trên tay, lắm lúc tôi cũng bất lực. Con khóc, cha khóc. Nước mắt cha con hòa làm một. Nghĩ bé thiếu hơi mẹ nên tôi cố tìm quần áo của vợ để đắp cho bé. Tôi nhớ là khi mẹ bé mất, tôi đã đốt theo hết đồ đạc của cô ấy rồi nhưng không hiểu sao còn sót lại một bộ quần áo. Tôi đem áo này đắp cho con, bé mới chịu nín khóc và ngủ thiếp đi”, anh nói thêm.
Những ngày này, nghĩ về tương lai, Kha hoang mang, lo lắng các con sẽ thiếu đi tình yêu thương của mẹ. Kha sợ sự tổn thương tâm lý ấy sẽ hằn sâu sâu trong cuộc đời các con.
Chia sẻ về việc chăm sóc tinh thần cho trẻ em bị mất người thân sau đại dịch, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết, sự ra đi của người thân là một nỗi đau đớn có thể gây ra cho trẻ em những tổn thương phức tạp.
Ông nói: “Đôi khi người lớn chúng ta sai lầm khi coi cái chết là một điều cấm kị, không muốn nói đến. Nhưng trên thực tế, tốt nhất là chúng ta là phải trung thực với trẻ, đừng ngại khi nói về cái chết của người thân”.
“Chúng ta không nhất thiết phải cố gắng bình thường hoá nỗi đau đó trước mặt trẻ. Đôi khi, chúng ta được phép đau buồn và thể hiện trước mặt trẻ nỗi đau buồn của mình một cách hoàn toàn tự nhiên. Điều đó cho đứa trẻ thấy rằng cảm xúc đau buồn không phải là xấu, và trẻ cũng có quyền được thể hiện cảm xúc của mình như thế”, ông nói thêm.
Cũng theo PGS. TS Trần Thành Nam, qua cách thể hiện cảm xúc của trẻ, người thân cũng biết được trẻ đang nghĩ gì, cần hỗ trợ gì. Nếu trẻ đang có niềm tin hoặc suy nghĩ sai lầm, người lớn phải sửa lại những thông tin đó để bảo vệ tâm lý cho các con.
Theo ông, chúng ta cũng cần quan tâm tới trẻ hơn dựa trên sự tôn trọng và yêu thương, ví dụ như cho trẻ được ở bên cạnh những người mà chúng tin tưởng và biết rõ, hỏi trẻ xem có lo lắng gì, cần hỗ trợ gì...
Tuy nhiên, nếu trẻ không muốn nói thì không nên ép buộc. Tiếp xúc cơ thể cũng là một cách giúp trẻ an ổn trở lại, ví dụ hành vi ôm trẻ vào lòng, hoặc hướng dẫn trẻ cách hít thở để tập trung.
Ông phân tích thêm: “Đôi lúc trong giai đoạn này, ảnh hưởng tâm lý sẽ kéo theo những tác động đến hành vi của trẻ như: thoái lui, chui vào một góc, không nghe lời… nhưng người lớn không nên trừng phạt trẻ trong giai đoạn này bởi vì đây là một quá trình, một diễn biến cần thiết”.
“Nếu những đau buồn và các hành vi trên kéo dài trên vài tháng không có dấu hiệu nguôi ngoai được thì lúc đó trẻ cần sự can thiệp, hỗ trợ chuyên sâu hơn. Hiện nay cũng có nhiều đường dây tư vấn hỗ trợ tâm lý miễn phí của các trường đại học, hiệp hội tâm lý… sẵn sàng giúp đỡ trẻ và các đối tượng khác gặp vấn đề về sức khoẻ tinh thần trong giai đoạn dịch bệnh này. Về mặt lâu dài, tôi cho rằng cần phổ cập và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khoẻ tâm thần”, PGS. TS Trần Thành Nam nói.
Theo Sơn- Thảo/Vietnamnet