Liên quan dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với các ông Nguyễn Đình Xứng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Cù Đình Hiền, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, nguyên Phó Trưởng phòng Kinh tế tài chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cả 3 bị can bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Sai phạm của 3 người này diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty cổ phần Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower.
|
Ông Nguyễn Đình Xứng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa |
Thời điểm năm 2013, ông Nguyễn Đình Xứng đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, được phân công phụ trách giá cả. Ngày 29/1/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 389 giao cho Công ty TNHH MTV Sông Mã 2.958,7m2 đất tại địa chỉ số 3 đường Phan Chu Trinh để thực hiện dự án Hạc Thành Tower. Ngày 23/12/2013, ông Nguyễn Đình Xứng ký Quyết định số 4562 phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty cổ phần Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower với đơn giá 21 triệu đồng/m2 (mức giá này được xác định từ năm 2009), gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 55,8 tỷ đồng.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ án hình sự phức tạp, có liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo thuộc sở và UBND tỉnh Thanh Hóa, gây thiệt hại lớn đến tài sản của nhà nước.
Theo luật sư Cường, tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” được quy định tại điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đây là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội đối với tội danh này là người có chức vụ quyền hạn được giao quản lý tài sản nhà nước theo thế chế độ, tiêu chuẩn, định mức và trên cơ sở nguyên tắc tài chính, tuân thủ quy định pháp luật về thi hành công vụ. Tuy nhiên, vì thiếu trách nhiệm hoặc vì vụ lợi mà người có chức vụ quyền hạn đã vi phạm quy định về tiêu chuẩn, định mức, vi phạm quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.
Hành vi vi phạm chế độ quản lý tài sản của nhà nước gây thất thoát lãng phí từ 100.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Với tài sản thất thoát lãng phí từ 1.000.000.000 đồng trở lên, người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Theo kết quả điều tra cho thấy, các bị can đã sử dụng giá đất từ năm 2009 để quyết định tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp ở thời điểm năm 2013, đây là sai phạm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến Nhà nước bị thất thoát, thiệt hại.
Vấn đề bồi thường thiệt hại trong những vụ án như thế này thường có nhiều quan điểm khác nhau và gây tranh cãi, tranh luận tại phiên tòa. Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ và xem xét đánh giá chứng cứ một cách kỹ lưỡng để người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Số tiền, tài sản do phạm tội mà có, có nguồn gốc từ tội phạm cũng sẽ bị tịch thu để xung vào công quỹ nhà nước.
Trường hợp doanh nghiệp được công nhận tính hợp pháp của dự án, công nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phải nộp bổ sung tài chính để nộp vào ngân sách theo giá trị thực tiễn sử dụng đất tại thời điểm được giao đất theo quy định của pháp luật.
Các bị can bị cáo là người có chức vụ quyền hạn, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước cũng phải liên đới bồi thường một phần trách nhiệm để đảm bảo công bằng, cũng như thể hiện sự răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
Với số tiền gây thất thoát lãng phí hơn 55,8 tỷ đồng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và một số thuộc cấp sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù. Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
|
Dự án Hạc Thành Tower |
Trong những vụ án có đồng phạm, mức hình phạt sẽ có sự phân hóa giữa nhóm đối tượng chính và những đối tượng có vai trò thứ yếu giúp sức. Với những bị cáo có chức vụ, có vai trò quyết định đến hành vi sai phạm, sử dụng chức vụ quyền hạn như công cụ để chỉ đạo ép buộc cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc. Ngược lại, với những cán bộ dưới quyền thực hiện hành vi phạm tội do có sự chỉ đạo, ép buộc từ cấp trên, đã thành khẩn khai báo ăn năn hối cải sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ các tình tiết của vụ án, đặc biệt sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ nào dẫn đến các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí. Những sai phạm của các cán bộ (bị can) này là do động cơ cá nhân, vì vụ lợi hay là do năng lực trình độ nhận thức hạn chế, hay do thiếu ý thức trách nhiệm... là những vấn đề cần phải làm rõ.
Đồng thời làm rõ việc thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước có do yếu tố vụ lợi, có sự thỏa thuận giữa các cán bộ nhà nước với cán bộ nhân viên của doanh nghiệp hay không? Trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi vụ lợi, việc thực hiện hành vi phạm tội là do được nhận lợi ích, có sự "thoả thuận" ăn chia giữa người có chức vụ quyền hạn với người của doanh nghiệp thì còn có thể xem xét xử lý về tội đưa hối lộ, nhận hối lộ theo quy định của bộ luật hình sự.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy động cơ thực hiện hành vi phạm tội không phải vì vụ lợi, không có việc "chung chi" thỏa thuận mua chuộc cán bộ, cũng cần làm rõ năng lực nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, những yếu tố thúc đẩy các cán bộ này thực hiện hành vi phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm sau khi vụ án này kết thúc tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xác định các bị can còn phạm tội khác hay không, nguyên nhân nào thúc đẩy các đối bị can thực hiện hành vi phạm tội để làm rõ bản chất của vụ việc và làm cơ sở để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Liên quan đến dự án Hạc Thành Tower, đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố bị can, gồm: Đinh Cẩm Vân (58 tuổi), nguyên Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa; Nguyễn Bá Hùng (57 tuổi), nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa; Văn Xuân Hùng (63 tuổi), nguyên Trưởng phòng Quản lý công sản - giá cả Sở Tài chính Thanh Hóa; Nguyễn Mạnh Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sông Mã; Đinh Xuân Hướng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Sông Mã. Nay cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố thêm một số bị can trong đó có cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng và một số thuộc cấp.
>>> Mời độc giả xem thêm video 38 bị can trong đại án Việt Á: Nhìn lại những sai phạm
Hải Ninh