Bị cáo bị kết án tử hình
Ngày 23/8/2018, tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm lần 2 xét xử bị cáo Nguyễn Chí Huân và Đào Đình Nam về tội Mua bán trái phép chất ma túy và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Sau khi nghị án, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Huân và Đào Đình Nam tử hình về tội Mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2016/HSST ngày 16/11/2016 của Toà án nhân dân tỉnh Sơn La, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 01/02/2012, Tổ công tác phòng PC47-Công an tỉnh Sơn La phối hợp với Công an huyện Mộc Châu, Sơn La, Phòng 5/C47-Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Bộ Công an phát hiện và bắt quả tang Trần Mạnh Hùng (SN 1985, trú tại Điện Biên), Nguyễn Đức Trung (SN 1987, trú tại Phong Thổ, Lai Châu) khi đang vận chuyển trái phép chất ma tuý trên xe ô tô Chevrolet Captiva BKS 35N-6978 tại km 150 Quốc lộ 6A, thuộc địa phận xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Ngày 24/8/2012 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở đối với Nguyễn Chí Huân (SN 1986, trú tại Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) và Đào Đình Nam (SN 1973, trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam).
Lực lượng chức năng đã thu giữ tại chỗ ở của Huân 3 khẩu súng tiểu liên AK, 208 viên đạn, 01 khẩu súng K54, 5 viên đạn cùng 10 băng tiếp đạn, 01 khẩu súng col, 2 thanh đao và một số tài sản, giấy tờ khác. Thu giữ tại chỗ ở của Nam 38,5 triệu đồng, 500 USD, 6 dao, kiếm cùng một số giấy tờ liên quan.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định trong khoảng thời gian từ tháng 9/2011 đến ngày 1/2/2012, Hùng, Trung, Huân, Nam và một đối tượng tên Bùi Văn Phương (sau này xác định đã chết ở Đắk Lắk) đã tham gia mua bán trái phép chất ma túy 6 lần, tổng số 25.081,506 gam heroin.
Về hành vi phạm tội của Huân và Nam, cơ quan chức năng xác định, vào ngày 2/9/2011, sau khi mua được 2 bánh heroin với giá 130 triệu/bánh của một đối tượng tên Páo (còn gọi là Sáng ở Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nhóm của Hùng, Trung và Phương định về Hà Nội bán ma túy.
Tuy nhiên, khi đến TP Phủ Lý, Hà Nam thì Phương gọi điện cho Huân và được Huân và Nam ra đón về nhà Nam. Tại đây, Nam kiểm tra heroin và trả tiền cho Trung và Hùng 320 triệu.
Cơ quan chức năng cũng xác định vào khoảng giữa tháng 1/2012, nhóm của Phương, Hùng và Trung tiếp tục mang 3,1 tỷ lên Điện Biên giao dịch với Páo mua 17 gói heroin. Ngày 19/1/2012, Phương, Hùng, Trung vận chuyển 17 gói heroin về Hà Nam để đưa cho Huân. Khi gặp nhau, Nam xuống xe Huân sang đưa cho nhóm của Hùng 500 triệu rồi cầm 17 gói heroin về.
|
Phiên tòa phúc thẩm diễn ta trước đó. |
Quá trình điều tra có nhiều vi phạm tố tụng
Sau 5 phiên toà và trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố bị cáo Huân, Nam luôn khẳng định mình vô tội và bị oan.
Theo đó, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Chí Huân trong vụ án có quan điểm: Kháng cáo kêu oan của bị cáo Huân là có căn cứ. Bản án sơ thẩm kết luận Huân tham gia mua bán 02 lần: Lần 1-02 bánh hêrôin, lần 2-17 gói hêrôin. Kết án bị cáo tử hình theo quy định tại điểm b khoản 4, khoản 5 Điều 94 Bộ luật Hình sự là không đúng.
Luật sư chỉ ra các lý do cụ thể: Toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội. Quá trình điều tra có nhiều vi phạm tố tụng: Việc nhận dạng người, việc nhận nhà của Nam không phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Tại phiên toà Hùng không thừa nhận hành vi hai lần mua bán ma tuý với Huân, Nam. Đặc biệt, việc đối chất quá trình điều tra ban đầu khi có những lời khai mâu thuẫn với nhau xong Cơ quan điều tra không cho các bị cáo đối chất với nhau là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tại phiên toà sơ thẩm lần 1, tại C47-Bộ Công an, tại phiên toà sơ thẩm đều có biểu hiện vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh là người đã tham gia trực tiếp vào vụ án này từ những ngày đầu tiên nhận định: Vụ án này chỉ có bị cáo Hùng, Trung là bị bắt quả tang, còn bị cáo Huân và Nam là truy xét.
Tôi rất trăn trở với vụ án này, bởi còn nhiều tình tiết mờ ảo, chưa được làm rõ. Đằng sau vụ án này là mạng sống của hai con người, là nỗi oan ức của các gia đình. Trong suốt quá trình điều tra vụ án, những tình tiết còn mâu thuẫn vẫn không thể điều tra bổ sung thêm như nhận dạng người, nhận dạng nhà, đối chất, thậm chí lời khai của các bị cáo Trung và Hùng cũng mâu thuẫn với nhau tại các phiên toà”
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hải – nguyên Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần 01 cũng có quan điểm về vụ án này như sau: Về chứng cứ buộc tội hai bị cáo Huân và Nam chữa vững chắc và không đầy đủ, các bị cáo không được đối chất trong quá trình điều tra là vi phạm Điều 138 BLTTHS, việc nhận dạng người, nhà tiến hành không khách quan là vi phạm Điều 139 BLTTHS; không tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định lời khai của các bị cáo có phù hợp với thực tế hay không?.
Về vật chứng của vụ án không được lập biên bản niêm phong theo quy định của pháp luật, địa điểm, phương tiện giao nhận ma túy không xác định cụ thể, lời khai của bị cáo Hùng, Trung còn nhiều mâu thuẫn để làm căn cứ quy kết bị cáo Huân và Nam là không khách quan, không phù hợp với các căn cứ khác.
Xem xét, giải quyết vụ án theo quy định
Sau phiên toà phúc thẩm, Vũ Thị Dung (SN 1988, trú tại Phủ Lý, Hà Nam – vợ của bị cáo Huân) cùng gia đình đã gửi đơn kêu oan cho chồng, con.
Trong đơn, chị Dung cho rằng căn cứ buộc tội bị cáo Huân chưa thuyết phục, chủ yếu dựa vào lời khai của hai bị cáo Trung và Hùng. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì cả 2 bị cáo này đều không thống nhất và có lời khai mâu thuẫn.
Cụ thể, về hành vi bị quy kết phạm tội vào tháng 1/2012 theo như cáo buộc: Phương đem 3,1 tỷ gặp Páo ở Điện Biên. Thời điểm này Trung lấy 17 gói heroin và giao lại cho Phương. Sáng 19/1/2012 thì Phương, Hùng, Trung xuống Hà Nam, trên đường đi Phương gọi cho Huân, Nam thống nhất giao trên QL1. Khi gặp Huân, Nam đi xe du lịch 9 – 12 chỗ, Hùng, Trung không nhớ biển số xe đỗ trước xe Phương, Huân lái xe còn Nam đi về phía Trung đưa túi xách 17 gói heroin và Nam đưa 500 triệu đồng là tiền các lần vận chuyển. Hành vi này theo vợ bị cáo Huân chưa được làm rõ tại các phiên tòa.
Về lần giao dịch này lúc thì Hùng Khai “Huân gọi cho Phương xuống lấy 3,4 tỷ Páo mua cho Phương 17 gói heroin” lúc thì lại khai “Huân giao tôi 3,1 tỷ, tôi đem lên Điện Biên gọi cho Trung để giao cho Páo. Sau khi lấy được hàng, Trung mượn xe Páo chở tôi vận chuyển 16 túi xuống cho Huân, Nam. Khi nhận Huân, Nam đưa cho Trung 500 triệu…”.
“Như vậy, bản án sơ thẩm cho rằng 500 triệu này là tiền công cho các lần vận chuyển và không có tiền để mua ma túy. Giá của 17 gói heroin cũng không được làm rõ tại các phiên tòa”, vợ bị cáo Huân nói và cho hay trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, chủ tọa cũng đã có đề nghị xem xét các chứng cứ để quy kết phạm tội hai bị cáo Huân và Nam.
Ngày 08/06/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số: 4577/VPCP-V.I về việc chuyển đơn, thư của công dân. Theo đó công dân có đơn là ông Nguyễn Văn Thân có địa chỉ tại Thôn Phù Đề, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (bố của bị cáo Nguyễn Chí Huân) sau khi xem xét đơn kêu oan của ông Thân, Văn phòng Chính phủ đã giao cho Toà án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo quy định.
Vụ án ma tuý Sơn La được đánh giá là vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm sang tỏ. mặt khác bị cáo Nguyễn Chí Huân ngay từ bị bắt giam giữ không nhận tội và cho rằng mình oan. Vì vậy, các cơ quan chức năng, cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng, thuyết phục trước khi đưa ra bản án kết tội có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng của con người.
>>> Xem thêm video: Triệt phá đường dây mua bán ma túy lớn
Gia Đạt