|
Ảnh minh họa. |
Cách nay hơn 60 năm, tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi.
Có thể nói đây là vụ án tham nhũng điển hình xảy ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, quân và dân ta còn gặp muôn trùng khó khăn, ăn đói, mặc rét nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì việc đưa vụ án này ra xét xử công khai trước công đường không chỉ vạch trần các hành vi tham nhũng, sa đọa của kẻ phạm tội mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, tham ô trộm cắp… tài sản nhà nước, sống sa đọa đang nhởn nhơ ở ngoài xã hội.
Trước những chứng cứ đanh thép được đưa ra tại phiên toà, Trần Dụ Châu đã phải cúi đầu nhận tội. Cụ thể, Châu đã lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đôla Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Trần Dụ Châu bị tuyên án tử hình vì tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến và bị tịch thu ba phần tư tài sản.
Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chủ tịch. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định xử tử hình Trần Dụ Châu của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí.
Sau vụ Trần Dụ Châu, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 đến ngày 17/11/1950, Bác Hồ trong bài phát biểu kết luận đã căn dặn: "Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ".
Nội dung đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và quan liêu còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong nhiều bài nói, bài viết tại các Hội nghị Trung ương, ở những buổi làm việc với lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương, cũng như ở nhiều bài viết quan trọng khác. Điều đó cho thấy đây là một nội dung xuyên suốt trong cuộc đời đấu tranh hoạt động của Hồ Chủ tịch, là vấn đề được Người thường xuyên quan tâm để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Nhận thức rõ nguy cơ tham nhũng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển của đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, trước những sai phạm về tham ô, tham nhũng, lãng phí Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt tinh thần "Quân pháp vô thân", "Trừng trị để giáo huấn".
Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng". Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Đấu tranh chống tham nhũng thực chất là đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực từ trong nội bộ. Người vi phạm phần lớn là người có chức, có quyền. Vì vậy, cuộc đấu tranh này rất gay go, phức tạp. Muốn có kết quả, phải đấu tranh kiên trì và triệt để, phải phát động cho được đông đảo đảng viên và nhân dân tham gia, thực hiện phương châm mà Hồ Chủ tịch thường nhắc nhở: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Theo Mỹ Linh/Luật sư Việt Nam