|
Ông Khanh (đeo kính lão, ngồi hàng đầu), luôn kêu oan từ khi bị bắt. |
“Nhiều cáo buộc không ổn về pháp lý”
“Theo dõi quá trình xét xử ông Khanh, tôi thấy đây là một vụ án rất lạ, có thể tạo ra một tiền lệ xấu vì thực tế xưa nay và sẽ có nhiều người mua bán tài sản bảo đảm của ngân hàng”, LS Nguyễn Duy Bình (Đoàn LS TP HCM) nhận định.
“Giao dịch mua bán giữa ông Khanh và cụ Hiệp là giao dịch dân sự bình thường. Hành vi của ông Khanh không “câu kết” làm thất thoát tài sản nhà nước. Trường hợp này, tài sản của cụ Hiệp đưa vào ngân hàng làm tài sản bảo đảm và việc quản lý tài sản bảo đảm đó là do trách nhiệm của ngân hàng, ông Khanh không có trách nhiệm gì”.
Thứ hai, ngân hàng cho phép cụ Hiệp bán tài sản bảo đảm thì thì ông Nguyễn Hồng Khanh mua. Mua bán theo nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận. Phía CQĐT cho rằng ông Khanh “câu kết với ngân hàng, cụ Hiệp để làm thất thoát tài sản” là quan điểm không đúng. Không có chứng cứ, tài liệu nào thể hiện ông Khanh, cụ Hiệp và cán bộ ngân hàng bàn bạc với nhau nhằm đưa khối tài sản này ra ngoài để bán nhằm hưởng lợi”.
Chứng cứ duy nhất VKS dựa vào để quy buộc “câu kết” là “Hợp đồng ba bên” có chữ ký của cụ Hiệp, ông Lộc và ông Khanh, vậy VKS cáo buộc đúng hay không? LS Bình nói: “Hợp đồng ba bên” được xem là thỏa thuận 3 bên.
“Hợp đồng ba bên” là quan hệ dân sự, luôn được xác lập trong thực tế khi mua tài sản bảo đảm. Tài sản bảo đảm đang do ngân hàng nắm giữ, quản lý, cho nên phải hỏi ý kiến của ngân hàng. Ngân hàng đồng ý cho bán, có ký tên vào thì khách mới an tâm, mới dám mua, mới dám đặt cọc. Ngân hàng không ký tên, ai dám mua?”.
“Hợp đồng ba bên” không phải là tài liệu chứng cứ để chứng minh sự “câu kết” giữa các bên. Nếu muốn nói “câu kết” thì phải có chứng cứ là băng ghi âm, ghi hình, tài liệu cho thấy các bên bàn bạc, lập mưu để hưởng lợi”.
LS Bình nhắc lại, “Hợp đồng ba bên” chỉ là một văn bản để người mua nắm được thông tin ngân hàng đồng ý cho người có đất bán đất, xác lập lòng tin với nhau để tiến tới các giao dịch khác như đặt cọc, mua bán; là văn bản để sau này lỡ có phát sinh tranh chấp, người mua đưa ra chứng minh. “Nếu cáo buộc “đồng phạm giúp sức” mà chỉ dựa vào chứng cứ này là không ổn về pháp lý”, LS Bình nói.
Nhận định về việc VKS quy kết ông Khanh đã sai khi không nộp toàn bộ tiền mua vào ngân hàng mà chi trả tiền ngoài cho cụ Hiệp, LS Bình nói: “Nếu thỏa thuận 3 bên, ngân hàng buộc ông Khanh chuyển toàn bộ tiền vào ngân hàng thì khi đó ông Khanh mới có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện. Còn ở đây, ngân hàng không đưa ra các điều kiện mà cho hai bên tự thỏa thuận thanh toán, giá cả, diện tích… Cụ Hiệp yêu cầu như thế nào thì ông Khanh thực hiện như thế. Trường hợp này, ông Khanh không có trách nhiệm, nghĩa vụ gì với ngân hàng”.
LS Bình giải thích thêm: “Tài sản của cụ Hiệp về mặt pháp lý không phải là tài sản ngân hàng mà chỉ là tài sản bảo đảm. Khi người ta thế chấp thì giống như gửi nhờ để tạo niềm tin, để bảo đảm việc vay tiền. Quyền sở hữu của người ta chưa bị chuyển dịch. Và khi thế chấp, cụ Hiệp cũng chỉ thế chấp ở mức 50 – 70% giá trị tài sản. Quyền sở hữu, giá trị sở hữu của người ta vẫn đang còn”.
“Mua rẻ hay đắt thì người mua cũng không có tội”
LS Huỳnh Văn Nông (Đoàn LS TP HCM) cùng quan điểm, cho rằng việc quy kết ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên GĐ Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn), ông Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và ông Khanh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS năm 2015 là có dấu hiệu oan sai. “Đây là điều luật mà khách thể của tội phạm bắt buộc phải là tài sản phải do Nhà nước trực tiếp sở hữu”, LS Nông nói.
LS Nông cho biết: “Vụ việc này thu hút sự chú ý không chỉ của dư luận mà còn của giới luật sư, vì nó có nguy cơ gây ra rất nhiều tiền lệ xấu. Theo tôi, áp dụng bất cứ tội danh trong BLHS để quy kết ông Khanh đồng phạm giúp sức trong vụ án này là rất kỳ cục. Một số người bảo đây là “hình sự hóa giao dịch dân sự”.
Nhưng tôi cho rằng lập luận này không đúng. Một hành vi sai trái về mặt dân sự, đáng lý xử lý là bồi thường, nộp phạt; nhưng lại bị bỏ tù thì mới là hình sự hóa dân sự. Còn ở đây, về mặt dân sự, ông Khanh cũng không sai. Các bên đều đã thuận mua, vừa bán”.
“Chưa nói đến việc trong vụ này ông Khanh mua không rẻ như diễn biến phiên tòa đã cho thấy, thì nguyên tắc mua bán là người mua thích giá rẻ. Người ta mua rẻ là có tội hay sao? Nếu nói bán rẻ là sai thì đó là hành vi của cán bộ ngân hàng. Khi ông Khanh dùng thủ đoạn, quyền lực, chức vụ gây sức ép, bắt buộc cán bộ ngân hàng và cụ Hiệp phải làm theo thì mới là phạm tội. Không chứng minh được điều đó thì không thể quy kết ông Khanh. Tôi nghĩ cơ quan tố tụng cần hết sức cân nhắc xem xét lại những điều này, tránh oan sai, tránh gây ra một tiền lệ xấu trong giới ngân hàng và lĩnh vực tài sản bảo đảm, tránh việc vụ án sẽ bị kháng cáo kháng nghị kéo dài”, ý kiến LS Nông.
Dự kiến ngày mai (24/12), phiên tòa sẽ tuyên án. Về phía Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào Bình Dương xác minh một số sự việc liên quan ông Nguyễn Hồng Khanh, theo lịch làm việc đã có 3 ngày xác minh, thu thập chứng cứ, gặp một số cơ quan của tỉnh Bình Dương. Về phía bà Nguyễn Thị Phương Anh (vợ ông Khanh), trao đổi với PLVN, bà cho biết bà đang làm đơn kèm các chứng cứ gửi các cơ quan chức năng và cơ quan Trung ương, tố cáo trong vụ án này chồng bà là nạn nhân của một sự việc “trả thù cá nhân”.
Theo LS Bình: “Bản chất của vụ việc này như cơ quan tố tụng Bình Dương nói là làm thất thoát vốn vay. Nhưng nếu có hành vi phạm tội thì hành vi diễn ra ở BIDV Tây Sài Gòn đóng ở TP HCM. Như vậy, thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử thuộc về TP HCM chứ không phải Bình Dương. Ngay từ ban đầu, CQĐT và VKS Bình Dương xác định tài sản là quyền sử đụng đất bị thất thoát là chưa đúng. Chính vì vậy dẫn đến truy tố, xét xử không đúng thẩm quyền”.
Theo Bùi Yên/Báo Pháp Luật