Theo dự kiến, ngày 26/11, TAND TP HCM sẽ xét xử vụ án chìm ca nô trên biển Cần Giờ. 2 bị can bị truy tố gồm ông Vũ Văn Đảo (SN 1968; Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (SN 1980; Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina) về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn".
Đây là vụ án nhận được sự quan tâm của dư luận bởi nó đã kéo dài 5 năm vẫn chưa kết thúc. Hơn nữa, nhiều chuyên gia luật pháp phân tích về việc truy tố 2 bị can có nhiều dấu hiệu oan sai, không đúng bản chất vụ án. Thậm chí, các cơ quan trung ương như Văn phòng Chính phủ đã 6 lần ra văn bản yêu cầu TP HCM báo cáo vụ việc, chỉ đạo điều tra đúng người, đúng tội và tuân thủ các quy định pháp luật.
|
Ông Vũ Văn Đảo bên mô hình chiếc ca nô đóng cho Cảnh sát biển Việt Nam. |
Luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh toà hình sự TAND Tối cao sau khi nghiên cứu vụ án đã
đề nghị Viện KSND TP.HCM đình chỉ vụ án vì việc khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn, theo điều 214, Bộ luật hình sự là không có căn cứ.
Mới đây, trong văn bản kêu cứu của Công ty Việt Séc gửi các cơ quan nhà nước và báo chí, ông Lê Văn Học – Phó giám đốc Công ty đã nêu lên các điểm thiếu căn cứ trong vụ án:
Nguyên nhân tai nạn: Do chở quá số người và thời tiết xấu nhưng thuyền trưởng đã mất nên cơ quan tố tụng không khởi tố tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện. Không có nguyên nhân nào do “phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn” theo quy định tại điều 214 BHS tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” .
Chủ phương tiện: Cơ quan tố tụng đã xác định tàu bị tai nạn đang là tài sản và thuộc quyền quản lý , sử dụng của Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cơ quan đăng kiểm cho phép phương tiện được đưa vào sử dụng là Phòng đăng kiểm Hải quân. Tàu bị tai nạn BP12-04-02 được cấp đăng kiểm ngày 16/7/2013, trước ngày xẩy ra tai nạn chưa đầy một tháng trong tình trạng đang hoạt động tốt.
Điều đáng tiếc là cơ quan tố tụng lại khởi tố người sản xuất ra phương tiện là ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc và ông Quyết là giám đốc Công ty Vũng Tàu Marina với cáo buộc các ông này đã “điều động cano BP12-04-02” của Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xảy ra tai nạn.
“Vi phạm pháp luật là nguyên nhân dẫn đến án oan, vụ án bị kéo dài thời gian, làm méo mó pháp luật, làm mất niềm tin của người dân vào các cơ quan nhà nước nhưng các cơ quan tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vụ cano Cần Giờ lại đang xem việc vi phạm pháp luật là hết sức bình thường” – đơn kêu cứu nêu.
Ông Học viện dẫn lại những phân tích của luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh toà hình sự TAND Tối cao về hàng loạt các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ án khiến vụ việc kéo dài 5 năm chưa thể kết thúc.
Vi phạm ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can?
Ngay sau khi xảy ra tai nạn ngày 2/8/2013, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án đồng thời cũng khởi tố bị can vào ngày 4/9/2013, khi chưa có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Quyết định khởi tố không được Viện kiểm sát phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật. Đây là cái sai đầu tiên dẫn đến hàng loạt cái sai về sau và án oan kéo dài.
|
Ông Vũ Văn Đảo (giám đốc công ty Việt Séc - mặc áo xanh) đang giới thiệu những ưu điểm của vật liệu PPC trong ngành đóng tàu trước đoàn công tác của Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội. |
Vi phạm thời hạn điều tra, không chứng minh được tội phạm
Theo quy định của pháp luật, vụ án có thời hạn điều tra 4 tháng tính từ lúc khởi tố đến khi kết thúc điều tra bằng một bản kết luận điều tra. Viện kiểm sát đã phải sử dụng hết thời hạn gia hạn pháp luật cho phép là tối đa không quá 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng và vụ án phải kết thúc điều tra vào ngày 4/9/2014. Cơ quan điều tra đã vi phạm thời hạn điều tra khi bàn hành Bản kết luận điều tra vào ngày 12/9/2014. Khoản 6 Điều 119 BLTTHS 2003 quy định: “6. Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra”.
Việc cơ quan điều tra cố tình vi phạm thời hạn điều tra, không đình chỉ điều tra khi hết thời hạn là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người được pháp luật bảo vệ.
Vi phạm thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử?
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định được phương tiện gây tai nạn (tàu BP12-04-02) là tài sản và đang thuộc quyền quản lý của Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tàu này cũng đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm để cho phép đưa vào sử dụng từ ngày 16/7/2013. Ngày 29/4/2014, các cơ quan tố tụng Tp. Hồ Chí Minh đã họp liên ngành xác định thẩm quyền điều tra truy tố xét xử thuộc Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng nhưng lại vẫn thụ lý sẽ dẫn đến vi phạm thẩm quyền; quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ không khách quan và toàn diện; không làm rõ được nhiều nội dung liên quan của vụ án sẽ dẫn đến oan sai.
Không đình chỉ điều tra khi không chứng minh được hành vi phạm tội
Quyết định khởi tố hành vi “Điều động cano BP12-04-02” nhưng khi kết luận điều tra lại quy chụp cho bị can hành vi sai phạm “Đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam”. Sau khi khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã không chứng minh được hành vi khởi tố vì tàu của lực lượng vũ trang thì chỉ có lực lượng vũ trang mới có quyền điều động. Thay vì đình chỉ điều tra vì không chứng minh được hành vi phạm tội cơ quan điều tra lại lạm dụng quyền lực hình sự hóa hành vi đưa công nghệ vật liệu mới vào sản xuất tàu thuyền.
Cơ quan tố tụng chứng minh tội phạm mà không cần biết đến hành vi phạm tội, chủ thể và cấu thành tội phạm của điều luật khởi tố.
Cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo Điều 214 Bộ luật hình sự (BLHS) – “Tội cho phép đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” có nội dung như sau: “Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại..”.
Hành vi phạm tội quy định tại điều luật là hành vi “Cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn” nhưng quyết định khởi tố bị can lại là hành vi “Điều động cano”. Khi xác định không đúng hành vi thì sẽ dẫn đến xác định sai chủ thể, không thể khởi tố một người tội “buôn lậu” nhưng lại chứng minh hành vi “trộm cắp”.
Chủ thể tội phạm của điều luật này phải là chủ phương tiện hoặc người đăng kiểm phương tiện mới có hành vi “Cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn”. Bị can là người sản xuất ra phương tiện đã bán và bàn giao cho Biên phòng đưa vào sử dụng không phải là chủ thể của Điều 214 BLHS.
Điều kiện cần và đủ để cấu thành tội phạm này là phương tiện phải “Rõ ràng không bảo đảm an toàn” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn, nhưng trong tất cả các nguyên nhân mà các cơ quan tố tụng viện dẫn không có nguyên nhân nào do phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn.
Liên quan đến vụ án, ngày 16/1/2015, Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Hải quân đã có văn bản số 06/CV/VKS-ĐTHS trả lời Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM với nội dung: “Xét thấy những sai phạm nêu trên của tập thể, cá nhân liên quan không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn chìm cano BP12-04-02” và “Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Hải quân sẽ ra Kết luận xác minh và quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật”. Như vậy, về logic hành vi “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” sẽ không còn là hành vi phạm tội.
Văn bản trả lời của Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Hải quân đã đủ cơ sở đình chỉ vụ án "chìm ca nô trên biển Cần Giờ" nhưng các cơ quan tố tụng Tp. Hồ Chí Minh đã không thực hiện việc đình chỉ mà còn bóp méo vụ việc và báo cáo sai sự thật với cấp trên, với các cơ quan, tổ chức nhà nước từ địa phương tới trung ương dẫn đến nhiều chỉ đạo không đúng làm cho vụ án bị kéo dài.
Kim Ngưu