Vụ cựu quân nhân tông chết nữ sinh: Cơ sở miễn trách nhiệm 2 bị can?

Google News

Hành vi của ông Phạm Văn Võ và bà Huỳnh Thị Kim Hằng đã cấu thành tội phạm “Khai báo gian dối”, nhưng thuộc tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt.

Theo dự kiến, ngày 5/12, Tòa án Quân sự Khu vực 2 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm lần thứ hai xét xử về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” đối với bị cáo Hoàng Văn Minh, cựu Thiếu tá, trợ lý tài chính Ban Tham mưu Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không – Không quân.
Đáng chú ý, quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3, Quân chủng Quân chủng Phòng không – Không quân đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với hai bị can Huỳnh Thị Kim Hằng (SN 1993, trú ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, vợ cựu thiếu tá Minh) và Phạm Văn Võ (SN 1972, trú ở khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) về tội “Khai báo gian dối”, đồng thời hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai người này.
Vu cuu quan nhan tong chet nu sinh: Co so mien trach nhiem 2 bi can?
Cựu thiếu tá Minh cùng bị cáo Hằng và Võ tại phiên toà lần trước. 
Theo cáo trạng, hành vi của ông Phạm Văn Võ và bà Huỳnh Thị Kim Hằng đã cấu thành tội phạm “Khai báo gian dối”, nhưng thuộc tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt. Việc khai báo gian dối chỉ diễn ra thời gian rất ngắn, sau đó đã chủ động khai báo sự thật, nhận thức được sai phạm, thành khẩn và ăn năn hối cải nên Cơ quan ĐTHS Khu vực 3 đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra 2 bị can nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong tố tụng hình sự, lời khai của người làm chứng là rất quan trọng, nếu không có những chứng cứ vật chất, trực tiếp khác, lời khai của người làm chứng đôi khi quyết định đến việc giải quyết vụ án.
Bởi vậy, việc khai báo gian dối của các bị can có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án hình sự, dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm nên pháp luật quy định hành vi khai báo gian dối của người làm chứng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Cường, đây là một trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội danh này xử lý đối với hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối ảnh hưởng đến hoạt động tư pháp. Hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Trường hợp hành vi khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội, hình phạt từ 3 đến 7 năm tù.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định hành vi khai báo gian dối của ông Võ, bà Hằng được thực hiện trước khi khởi tố vụ án hình sự. Sau khi khởi tố vụ án hình sự, các bị can đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ ăn năn, hối cải.
Hành vi phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, nội dung khai báo sau này của các bị can góp phần tích cực cho cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý tội phạm nên cơ quan điều tra xem xét và quyết định đình chỉ điều tra và miễn trách nhiệm hình sự đối với hai bị can.
Điều 29 Bộ luật Hình sự quy định, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đặc xá.
Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận…
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền miễn trách nhiệm hình sự và ra quyết định đình chỉ vụ án.
Việc miễn trách nhiệm hình sự là thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật trên cơ sở khoa học pháp lý khi xét thấy không cần xử lý hình sự cũng có thể giải quyết được vấn đề, hành vi không còn nguy hiểm nữa, không cần thiết phải xử lý bằng chế tài hình sự cũng đủ giáo dục răn đe đối với người phạm tội về phòng ngừa chung đối với xã hội. Bởi vậy, việc miễn trách nhiệm hình sự đối với hai người trên là có căn cứ.
Theo cáo trạng, sáng 28/6/2022, ông Minh lái ô tô chở theo vợ là bà Hằng và ông Võ đi trên đường 16/4, TP Phan Rang - Tháp Chàm và đã tông vào xe máy chạy cùng chiều của em Hồ Hoàng Anh (18 tuổi, ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, đang đi lấy giấy báo thi tốt nghiệp THPT). Sau cú tông mạnh, nữ sinh này bị hất văng vào trụ điện tử vong. Khi xuống xe kiểm tra, ông Minh thấy nữ sinh bị thương liền đưa đi cấp cứu.
Lo sợ ảnh hưởng đến mình và cơ quan, ông Minh đã nhờ ông Võ nhận giúp là người lái xe. Khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Võ cũng khai mình là tài xế xe gây tai nạn. Bà Hằng cũng khai báo gian dối ông Võ là người điều khiển ô tô khi xảy ra tai nạn, cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình. Sau quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng xác định ông Minh mới là người lái xe gây tai nạn.
Trong lúc đó, phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận thông báo kết quả đo nồng độ cồn của cháu Hoàng Anh là “0,79 mg/100 ml máu” khiến gia đình bức xúc. Họ cho rằng kết quả này là không đúng, bệnh viện cung cấp kết quả sai cho cơ quan chức năng nên có dấu hiệu việc làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Lãnh đạo bệnh viện sau đó thừa nhận sai sót làm kết quả đo nồng độ cồn của nữ sinh không đúng thực tế và xin lỗi gia đình. Đến tháng 8/2022, Cơ quan điều tra Hình sự Khu vực 3 đã khởi tố, bắt tạm giam ông Minh. Vài tháng sau, cơ quan này tiếp tục khởi tố ông Võ và bà Hằng nhưng cho tại ngoại.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cô bé 5 tuổi cứu mẹ và bản thân thoát khỏi tai nạn thảm khốc

 

Hải Ninh