Vụ đại gia xăng giả Trịnh Sướng: Trách nhiệm của quản lý thị trường ở đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) thừa nhận cơ quan có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra vụ việc buôn bán xăng giả của ông Trịnh Sướng.

Liên quan đến dường dây sản xuất, mua bán xăng giả của đại gia Trịnh Sướng (ngụ Sóc Trăng) và đồng bọn vừa bị Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá, trao đổi với Zing.vn, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), thừa nhận cơ quan này có một phần trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Linh cũng nêu ra “cái khó” của lực lượng quản lý thị trường trong việc chống gian lận thương mại với mặt hàng xăng dầu.
Ông cho biết: "Chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp. Việc kiểm tra định kỳ hay đột xuất về chất lượng xăng dầu là của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Như vậy, muốn thanh tra xăng dầu chúng tôi phải đi đường vòng, nghĩa là phải nhờ họ hỗ trợ kiểm định chất lượng".
Vu dai gia xang gia Trinh Suong: Trach nhiem cua quan ly thi truong o dau?
 Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường. Ảnh: Nhà Đầu Tư.
Lực lượng quản lý thị trường chủ yếu kiểm tra về mặt lưu thông xăng dầu như điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, an toàn cháy nổ... Nếu muốn kiểm tra về chất lượng xăng dầu, cơ quan này phải yêu cầu phối hợp liên ngành. Trong khi đó, việc lấy mẫu xăng dầu và phát hiện sai phạm gặp những khó khăn nhất định.
Chẳng hạn như việc lấy mẫu xăng đi kiểm định, phải mất khoảng 7-10 ngày mới có kết quả.
Khi được hỏi về vấn đề liệu có sự phối hợp không tốt trong các lực lượng liên ngành, hoặc có “lợi ích nhóm”, ông Linh cho biết: "Có lợi ích riêng từng lực lượng hay không, tôi nghĩ là không có. Các cục địa phương báo cáo rằng việc phối hợp trong lĩnh vực xăng dầu với ngành khoa học công nghệ rất tốt. Nhưng tôi nghĩ các lực lượng đều mỏng, không tổ chức thường xuyên được".
Nhận định về vụ đại gia xăng giả Trịnh Sướng, ông Linh cho rằng đây là vụ việc tinh vi, phức tạp, một đường dây khép kín, có quy mô tổ chức.
Thời gian tới, ông Linh cho biết sẽ đôn đốc lực lượng quản lý thị trường, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu vi phạm nào cần kịp thời đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp các cơ quan để xử lý ngay.
Trước đó, từ 31/5 đến 2/6, Công an Đắk Nông khám kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng của ông Trịnh Sướng (còn gọi là Tám Sướng) để mở rộng chuyên án sản xuất và mua bán hàng giả. Vụ án bị phanh phui khi cơ quan chức năng xác định một ôtô ở Đắk Nông bị cháy do sử dụng xăng kém chất lượng của đại gia này.
Sau khi bắt quả tang các bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả, ban chuyên án xác định ông Sướng và một số người cầm đầu 4 nhóm đã pha trộn dung môi và một số chất khác vào xăng kém chất lượng để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả.
Đến nay, công an đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, hơn 430.000 lít dung môi, 3 tàu thủy, 6 xe bồn, 50 kg chất tạo màu. Theo Công an tỉnh Đắk Nông, từ ngày 1/1/2017 đến nay, số tiền các bị can dùng để mua dung môi phục vụ việc sản xuất xăng giả là trên 3.000 tỷ đồng.
Trung bình mỗi tháng họ đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả. Với số lượng này thì trong hai năm rưỡi, ông Sướng với các bị can đã bán khoảng 180 triệu lít xăng. Nếu tính bình quân mỗi lít xăng 20.000 đồng thì tổng số tiền bán xăng giả khoảng 3.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo lời khai ban đầu của các bị can tại cơ quan điều tra thì chỉ bán 19,5 triệu lít xăng giả, thu lời bất chính khoảng 135 tỷ đồng.
Hoàng Minh