Trong vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 10 bị can về tội danh này.
Theo kết luận điều tra, dù chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh.
Đến thời điểm phát hiện sai phạm, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp.
|
Cơ quan ANĐT Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: BCA
|
Công an chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (một người đã chết), gồm 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng và 23 người có tham gia học tập nhưng do trường chưa được cấp phép nên không có giá trị.
Ngoài các bị can đã bị khởi tố, cơ quan điều tra còn xác định nhiều cá nhân liên quan đến vụ án với vai trò là “cò” trung gian, giới thiệu học viên cho Trường Đại học Đông Đô.
Cụ thể, bà Trần Thị Yến (thành viên HĐQT kiêm kiêm kế toán Trường Đại học Đông Đô) giới thiệu 6 người, bà Nguyễn Thị Hiền (Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo phát triển giáo dục Việt Nam) giới thiệu 14 người, bà Nguyễn Hải Yến (nhân viên Phòng Tuyển sinh Trường Đại học Đông Đô) giới thiệu 12 người, ông Vũ Bá Sinh (Phó Trưởng khoa Thú Y) giới thiệu 7 người.
Bốn cá nhân này đều biết Trường Đại học Đông Đô tổ chức hợp thức hồ sơ để cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh nhưng vẫn đứng ra giới thiệu các học viên có nhu cầu để được cấp bằng giả.
Hành vi trên có dấu hiệu phạm tội giả mạo trong công tác với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng bốn cá nhân trên không phải là các đối tượng có vai trò xướng xuất, quyết định trong việc thực hiện cấp bằng giả; không trực tiếp tham gia các giai đoạn hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng; không có tài liệu xác định việc hưởng lợi trong việc trung gian, giới thiệu. Vì vậy, không cần thiết phải xử lý hình sự.
Hay như bà Nguyễn Thị Nhung (giáo viên hợp đồng dạy môn Tiếng Anh) biết trường cấp bằng giả nhưng vẫn giới thiệu hai trường hợp. Tuy vậy, cơ quan công an không xác định được thông tin của hai học viên này để triệu tập làm việc nên không đủ cơ sở xác định vai trò đồng phạm của bà Nhung.
Tương tự, bà Phạm Thị Tân (nhân viên Viện Đào tạo liên tục) cùng hai cá nhân khác tham gia hướng dẫn các học viên hợp thức bài thi để được cấp văn bằng 2. Nhưng cơ quan điều tra cũng không xác định được bà Tân hướng dẫn ai, có hưởng lợi trong việc hướng dẫn hay không, nên không đủ căn cứ xử lý hình sự.
Ngoài ra, rất nhiều cá nhân khác là cán bộ thuộc Trường Đại học Đông Đô cũng đứng ra làm trung gian giới thiệu học viên, nhưng công an không đủ căn cứ xác định những người này có biết nhà trường thực hiện cấp bằng giả.
Cũng theo kết luận điều tra, cơ quan công an đã làm việc với 12 cơ sở đào tạo ký hợp đồng với Trường ĐH Đông Đô. Tất cả các cơ sở đều không biết việc trường chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép mà chỉ căn cứ vào các văn bản thông báo tuyển sinh do trường ký để thực hiện tuyển sinh và hỗ trợ đào tạo.
Quá trình điều tra, dù được thông báo và kêu gọi nhưng chỉ có 119 cá nhân tham gia học văn bằng hai có đơn trình báo. Mặt khác, tài liệu do trường và các cơ sở đào tạo cung cấp không đầy đủ nên công an không có cơ sở xác định cụ thể việc thu tiền, tổ chức đào tạo của trường với từng học viên.
Bộ Công an xác định việc ký hợp đồng và triển khai tuyển sinh của các cơ sở đào tạo không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Trường ĐH Đông Đô và các cơ sở đào tạo giải quyết đảm bảo quyền lợi cho các học viên đã nộp tiền để học văn bằng hai.
Theo Pháp Luật TP HCM