Vụ đất công bị tư nhân thâu tóm: Vì sao ông Vũ Huy Hoàng không phải bồi thường?

Google News

Thiệt hại trong vụ án là đất đai bị tư nhân thâu tóm giá rẻ nên cần thu hồi, vì vậy đại diện Viện kiểm sát không đề nghị cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng các bị cáo phải bồi thường.

Vu dat cong bi tu nhan thau tom: Vi sao ong Vu Huy Hoang khong phai boi thuong?
Gây thiệt hại nghìn tỷ, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không bị yêu cầu bồi thường. Ảnh: TTXVN 
Không yêu cầu bồi thường
Ngày 26/4, đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM) đã đối đáp quan điểm bào chữa của các luật sư.
Trước đó, phía truy tố xác định khu đất này vốn do Tổng Cty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và được mang đi góp vốn vào liên doanh Sabeco Pearl. Ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương và các bị cáo khác đồng ý việc này. Năm 2016, khi mảnh đất được đứng tên Sabeco Pearl, các nhà đầu tư tư nhân lại yêu cầu Sabeco thoái vốn. Bộ Công Thương cũng đồng ý nên mảnh đất số 2-4-6 bị chuyển từ sở hữu nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.
Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, hành vi của ông Vũ Huy Hoàng và các bị cáo khác là vi phạm pháp luật nên cần phải phạt tù nhưng không cần bồi thường dân sự.
“Thiệt hại trong vụ án là quyền sử dụng đất bị giao trái pháp luật. Do đó, chúng tôi đã đề nghị tòa án yêu cầu UBND TPHCM hủy, thu hồi các quyết định giao đất trái pháp luật. Như vậy, thiệt hại đã cơ bản sẽ được khắc phục”- phía công tố nêu quan điểm.
“Viện kiểm sát không đề nghị nhưng luật sư lại đề nghị hình phạt bổ sung, cái này là thẩm quyền của HĐXX, đề nghị xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đề nghị của luật sư làm xấu đi tình trạng của bị cáo”. 
Đại diện Viện kiểm sát
Nêu ý kiến, luật sư cho rằng mảnh đất được chuyển nhượng cho bên thứ 3, nếu thu hồi thì bên thứ 3 sẽ bị thiệt hại, vậy các bị cáo có đủ 2.713 tỷ đồng để khắc phục hậu quả?
Trước đó, một luật sư nêu quan điểm, Sabeco không phải là công ty nhà nước nên cần xem xét lại vụ án. Đối đáp vấn đề này, kiểm sát viên phân tích, doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước là doanh nghiệp nhà nước trong khi Sabeco có 89% vốn nhà nước, đương nhiên là doanh nghiệp nhà nước đến ngày 30/6/2015... Sau đó, phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và lúc này, Sabeco là doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trước quan điểm về việc phía truy tố không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung với các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nói: “Viện kiểm sát không đề nghị nhưng luật sư lại đề nghị hình phạt bổ sung, cái này là thẩm quyền của HĐXX, đề nghị xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đề nghị của luật sư làm xấu đi tình trạng của bị cáo”.
Các bị cáo đề nghị xem xét bối cảnh vụ án
Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Vũ Huy Hoàng một lần nữa khẳng định: “Tôi không có vai trò chủ mưu và chủ mưu nhằm mục đích gì? Viện kiểm sát nói tôi chỉ đạo, áp đặt ý kiến, lấn sân lĩnh vực không phải tôi phụ trách. Tôi xin báo cáo, khâu đầu tiên tôi thực hiện theo quy chế làm việc, phụ trách chung; khi được các thứ trưởng yêu cầu, tôi có thể giúp một vài việc cụ thể kể cả chủ trì họp”.
Giải thích về công văn ngày 1/4/2016, cựu bộ trưởng trình bày: “Thứ trưởng ký công văn này về quyết định giá đấu giá. Tôi không biết đại diện Viện kiểm sát lấy chứng cứ ở đâu nói tôi ký nháy, tham gia công văn đó. Tôi đến khi nghỉ hưu cũng không biết công văn này, khi cơ quan điều tra cho xem mới biết”.
Bị cáo tiếp tục trình bày: “Sức khỏe tôi thế này vẫn cố tham gia đầy đủ kể cả phiên đầu tiên không phải chỉ vì trách nhiệm, nghĩa vụ mà tôi muốn trình bày với tòa cái gì tôi làm sai tôi chịu trách nhiệm và đương nhiên danh dự tôi xấu đi nhưng cái gì tôi làm đúng mà bảo tôi sai, tôi phải bảo vệ, giữ danh dự”.
Trừ ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM được xét xử vắng mặt vì sức khỏe yếu nên không nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại đều mong được xem xét bối cảnh vụ án và xin hưởng khoan hồng. Chủ tọa cho biết sẽ tuyên án vào chiều 29/4.
Theo Minh Đức - Xuân Ân/Tiền Phong