Ngày 14/4, đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố được nêu quan điểm luận tội với 19 bị cáo trong vụ án thất thoát 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Căn cứ chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra và diễn biến tại tòa, VKS cho rằng đủ căn cứ kết luận, dự án do TISCO làm chủ đầu tư, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát đầu tư.
Tuy nhiên, 19 bị cáo là lãnh đạo, cán bộ tại TISCO và VNS đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ngược lại còn mắc nhiều sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao dẫn đến không hoàn thành công việc đồng thời gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Một số bị cáo chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả từ giai đoạn điều tra, truy tố và có người mắc bệnh hiểm nghèo…Về trách nhiệm dân sự, kiểm sát viên cho rằng các bị cáo gây thiệt hại 830 tỷ đồng cho TISCO nên cần yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường.
Vì vậy, VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Trọng Mừng – nguyên Tổng Giám đốc TISCO từ 10 - 11 năm tù; Mai Văn Tinh – nguyên Chủ tịch Tổng Công ty Thép Việt Nam từ 6 – 7 năm tù; Trần Văn Khâm – nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc TISCO từ 9 – 10 năm tù; Ngô Sĩ Hán – nguyên Trưởng ban Dự án mở rộng giai đoạn 2 TISCO 8 – 9 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; tuyên phạt 3 bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị TISCO từ 2 – 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo khác từ 12 tháng đến 8 năm tù.
Bộ Công Thương nói gì tại phiên tòa?
Quá trình xét hỏi, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc TISCO) thừa nhận trách nhiệm của TISCO trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thi công phần C gói thầu 01#EPC. Tuy nhiên, theo lời bị cáo, đề xuất của TISCO dựa trên sự giới thiệu trước đó của Bộ Công Thương. Cụ thể là một thứ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp có văn bản giới thiệu VINAINCON, nói đây là doanh nghiệp của bộ, có kinh nghiệm và từng xây lắp nhiều công trình quan trọng.
Thế nhưng khi trả lời các câu hỏi liên quan đến nhà thầu phụ, đại diện Bộ Công Thương lại cho rằng văn bản của bộ này chỉ mang tính chất giới thiệu VINAINCON, còn quyết định đồng ý hay không là ở TISCO và VNS.
Về vấn đề đồng ý giao cho VNS xem xét điều chỉnh giá của gói thầu 01#EPC, đại diện Bộ Công Thương khẳng định những văn bản mà bộ ban hành đều được ký đúng quy định pháp luật. Nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí dự án phải điều chỉnh là do biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường… Vị đại diện cho biết Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, “cũng rất đau lòng khi nhìn thấy 19 bị cáo phải đứng trước tòa”.
Trước những câu trả lời trên, thẩm phán Trương Việt Toàn, thành viên HĐXX, khẳng định: “Đã ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro, giá lên thì lỗ, giá xuống thì thắng, đó là quan hệ kinh tế chứ không phải tất cả là do vấn đề về giá. Tòa án chỉ đang xoay quanh hợp đồng EPC”.
Vị thẩm phán đặt câu hỏi: “Ông hiểu hợp đồng EPC là như thế nào? Là hợp đồng xây lắp, chuyển giao theo hình thức trọn gói, đã ký hợp đồng trọn gói rồi thì lời ăn lỗ chịu, tại sao giá vật liệu xây dựng mới thấp thỏm, nhấp nhô một chút mà đã đòi hỏi?”.
Ông cũng cho rằng nếu Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ hôm nay có rất ít bị cáo chứ không phải 19 người phải đứng trước tòa. Do vậy, đại diện Bộ Công Thương cần trả lời chính xác, trách nhiệm của mình đến đâu thì phải nhận, đừng đổ hết cho các bị cáo.
>>> Xem thêm video: Nóng với phiên tòa xử vụ Gang thép Thái Nguyên
Gia Đạt