Xung quanh vụ án can phạm Nhữ Văn Đực (48 tuổi) đâm chết vợ trong "phòng hạnh phúc" rồi tự tử, nhiều chuyên gia luật pháp cho rằng chính sự quản lý thiếu nghiêm túc của cán bộ trại giam đã dẫn đến sự việc đau lòng.
Bên cạnh đó, sự thiếu sót của các quy định luật pháp về việc kiểm tra phạm nhân và người nhà phạm nhân trước khi cho vào "phòng hạnh phúc" cũng là một điều bất cập.
Dao thuộc danh mục cấm mang vào trại giam
Theo luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong trường hợp phạm nhân đáp ứng được điều kiện để gặp vợ, chồng tại "phòng hạnh phúc", giám thị hoặc cán bộ quản lý trại giam có trách nhiệm kiểm tra các thủ tục theo quy định tại Thông tư số 46/2011/TT-BCA, bao gồm thủ tục hành chính và việc kiểm tra các vật dụng có thể mang vào.
Trong đó, theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BCA, dao được xem là đồ vật bằng kim loại nên thuộc danh mục cấm mang vào trại giam. Khi giám thị hoặc cán bộ trực tiếp kiểm tra phát hiện vật này phải có trách nhiệm tịch thu ngay.
|
Phạm nhân Nhữ Văn Đực đâm chết vợ khi chị này vào trại giam thăm chồng trong "phòng hạnh phúc". Ảnh: P.N . |
Đồng tình với ý kiến trên, LS Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng dù gặp ở phòng riêng thì người nhà phạm nhân cũng không được phép đem các vật cấm vào khu vực thăm gặp phạm nhân.
"Việc cán bộ quản lý trại giam sơ hở để vật "cấm" lọt vào phòng thăm gặp là điều rất đáng tiếc. Đây là cơ sở để phạm nhân có thể sử dụng làm hung khí thực hiện hành vi tội phạm", LS Lê Cao nhận định.
Bên cạnh đó, LS Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nêu Thông tư 46/2011/TT-BCA, theo đó cán bộ phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, không để cho phạm nhân có những hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự chung.
"Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát của cán bộ trong trường hợp này còn nhiều khó khăn, bởi hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về việc phạm nhân và vợ/chồng vào “phòng hạnh phúc” sẽ kiểm tra như thế nào", ông Hà Hải cho biết.
Cần bổ sung quy định "phòng hạnh phúc"
Theo các luật sư, việc một chính sách nhân đạo bị lợi dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật là điều vô cùng đáng tiếc.
LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng chính sách "phòng hạnh phúc" tạo điều kiện để phạm nhân phấn đấu trong quá trình thi hành án tù và cũng là sự thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật. Tuy là chính sách nhân văn, nhưng pháp luật cần có quy định cụ thể hơn về việc thực hiện chính sách này nhằm bảo đảm tính răn đe.
"Hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể trường hợp phạm nhân là vợ chồng vào 'phòng hạnh phúc' thì sẽ kiểm tra như thế nào. Theo tôi, quy định này cần được bổ sung", LS Thế Trạch nói.
"Chính sách nhân đạo chỉ nên áp dụng cho những đối tượng thật sự đáng được hưởng, tránh việc lợi dụng chính sách để các cá nhân gây phiền nhiễu, có hành vi không phù hợp, dẫn đến sự bất công trong việc hưởng chế độ của các phạm nhân", LS Thế Trạch phân tích thêm.
Theo LS Hà Hải, trước khi có các quy định pháp luật thì các trại giam nên quy định chi tiết và chặt chẽ hơn vấn đề "phòng hạnh phúc" tại nội quy, chế định của trại giam.
Theo LS Hà Hải, cán bộ quản lý trại giam trực tiếp chịu trách nhiệm trong vụ việc trên ngoài việc bị xử lý theo quy định của nội quy trại giam, còn có thể sẽ bị xử lý hình sự theo điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo điều này, người có chức vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Đối với phạm nhân Nhữ Văn Đực, người thực hiện hành vi giết vợ trong "phòng hạnh phúc", LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng ngoài việc phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật thì phạm nhân sẽ bị truy cứu hình sự về hành vi gây ra trong thời gian đang chấp hành hình phạt (tội phạm mới).
Theo Chi Mai/Zing News