Vụ kiện hàng súng tại Hải Phòng: "Không biết không có tội"

Google News

Vụ kiện hàng súng bị phát hiện tại Cảng hàng không Hải Phòng, các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển phát chỉ có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự.

Mới đây, lực lượng an ninh Cảng hàng không Hải Phòng trong quá trình phân loại hàng từ Hà Nội vào Thừa Thiên Huế, đã phát hiện một gói hàng bên trong chứa một khẩu súng ngắn.
Vu kien hang sung tai Hai Phong:
 Đối tượng Dương Mạnh Hùng mua toàn bộ số súng dạng vũ khí quân dụng, sau đó rao bán trên mạng xã hội. Khi có khách đặt mua sẽ gửi hàng cho khách qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Ngay sau đó, đại diện công ty chuyển phát nhanh đã được mời đến làm việc. Người này hoàn toàn không biết về khẩu súng bên trong kiện hàng. Kiểm tra các gói hàng đi các tỉnh được gửi từ chủ nhân của khẩu súng trên, đơn vị này phát hiện hàng hóa bên trong đều là súng nên đã trình báo cơ quan công an. Qua giám định, cơ quan chức năng cho biết, tất cả số súng trên đều là súng đồ chơi nguy hiểm chứ không phải vũ khí quân dụng.
Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị vận chuyển hoặc công ty chuyển phát nhanh khá chủ quan trong việc kiểm tra hàng hóa được ký gửi, do vậy mới phát sinh tình huống trên. Câu hỏi đặt ra là, nếu phía đơn vị/công ty chuyển phát nhanh chủ quan trong khâu kiểm tra hàng hóa mà tội phạm lợi dụng để vận chuyển hàng cấm như vũ khí nóng, vật liệu nổ hoặc ma túy… thì đơn vị/công ty này có bị xử lý hình sự hay không?
Để giải đáp vấn đề này, PV đã trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh.
Vu kien hang sung tai Hai Phong:
Luật sư Giang Hồng Thanh. 
Theo Luật sư Giang Hồng Thanh, đối với các đơn vị/công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng, chuyển phát nhanh, giao hàng tiết kiệm khi nhận hàng hóa ký gửi, cần tuân thủ những quy định tại Luật bưu chính 2010. Trong đó, điều 12 Luật này quy định về những vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính, gồm có:
"1. Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.
2. Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.
3. Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.
4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."
Ngoài ra, Điều 7 Luật bưu chính còn nêu rõ các đơn vị/công ty cung cấp dịch vụ chuyển hàng, chuyển phát nhanh, giao hàng tiết kiệm không được gửi, nhận, vận chuyển các loại hàng hóa cùng các hành vi bị cấm.
Đối chiếu với vụ việc trên, Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết: Theo kết luận của Cơ quan Công an, các loại súng được thu giữ trong vụ việc này là đồ chơi nguy hiểm thuộc loại hàng hóa cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép. Việc vận chuyển loại hàng hóa này qua mạng bưu chính có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp bị xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm bị áp dụng Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, cụ thể như sau:
“Điều 7. Vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu;
b) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông theo quy định của pháp luật;
c) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
d) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."
Trong trường hợp hàng hóa bị cấm vận chuyển có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật hình sự 2015.
Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức chuyển phát chỉ có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự như trên nếu họ biết đó là hàng hóa bị cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép nhưng vẫn thực hiện. Còn nếu họ không biết thì sẽ không bị xử lý.
Trên thực tế, việc phát hiện ra hàng cấm là rất khó khăn nếu như loại hàng đó đã được đóng gói, bởi lẽ pháp luật cũng quy định nghiêm cấm bóc mở bưu gửi trái pháp luật.
Luật sư Giang Hồng Thanh kết luận, đối với vụ việc trên, không thể quy buộc đơn vị chuyển phát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vận chuyển hàng cấm do vô ý. Tuy nhiên, để tránh việc tội phạm lợi dụng hoạt động, các đơn vị/công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển, chuyển phát nhanh, giao hàng tiết kiệm… cần phải trang bị các thiết bị soi chiếu hàng hóa; nếu phát hiện các gói hàng nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để làm rõ.
Theo An ninh Thủ đô