Vụ nguyên Giám đốc BV Bạch Mai: Bồi thường 550 bệnh nhân của Robot Rosa

Google News

(Kiến Thức) - Từ tháng 2/2017 đến hết năm 2019, robot Rosa đã phẫu thuật khoảng 550 bệnh nhân tại Bạch Mai, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là hơn 10 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm bồi thường cho các bệnh nhân thế nào?

550 bệnh nhân tại BV Bạch Mai là nạn nhân
Liên quan vụ án “thổi” giá thiết bị y tế - máy robot Rosa, mới đây, Cơ quan CSĐT C03 Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 3 bị can gồm nguyên Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, nguyên PGĐ BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận, kế toán trưởng, trưởng phòng Tài chính kế toán BV Bạch Mai về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Các bị can trên đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chấp thuận cho doanh nghiệp tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Vu nguyen Giam doc BV Bach Mai: Boi thuong 550 benh nhan cua Robot Rosa
 Bệnh viện Bạch Mai.
Cơ quan điều tra xác định, thiết bị máy robot hỗ trợ Rosa bị “thổi” giá từ 7,6 tỷ đồng lên đến 39 tỷ đồng. Đáng chú ý, với việc thổi giá thiết bị y tế lên gấp 4 lần như trên, BV Bạch Mai và doanh nghiệp đã thu của bệnh nhân số tiền cao hơn gấp nhiều lần số tiền các bệnh nhân phải trả. Một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ 4 triệu đồng nhưng người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ tháng 2/2017 đến hết năm 2019, robot Rosa đã phẫu thuật khoảng 550 bệnh nhân tại Bạch Mai, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là hơn 10 tỷ đồng.
Dư luận đặt câu hỏi, 550 bệnh nhân liệu có được bồi thường và ai là đơn vị chịu trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho các bệnh nhân?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những bệnh nhân điều trị ở BV Bạch Mai bị mất thêm tiền trong quá trình điều trị bệnh sẽ được xác định là người bị hại trong vụ án trên và sẽ được bồi hoàn toàn bộ số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt.
Đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố các bị can về hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 174 BLHS và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điều 356 BLHS năm 2015.
Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những đối tượng nào đã gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác và người bị chiếm đoạt tài sản là ai, tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu, thủ đoạn phương thức thế nào?
Nếu đối tượng đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì được xác định là kẻ phạm tội. Còn người nào bị đối tượng chiếm đoạt tài sản sẽ được xác định là người bị hại. Số tiền chiếm đoạt, phương thức thủ đoạn chiếm đoạt, mức độ hậu quả gây ra cho xã hội là cơ sở để xác định tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, làm căn cứ áp dụng hình phạt. Do đó, các bệnh nhân đã bị các đối tượng lừa gạt tiền trong vụ án này sẽ được xác định là người bị hại.
Bồi thường các bệnh nhân thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có bao nhiêu bệnh nhân đã chi trả số tiền nhiều hơn số tiền thực tế mà người bệnh đáng ra phải trả. Số tiền này là tiền do phạm tội mà có bởi vậy cơ quan điều tra sẽ thu hồi lại để trả cho người bị hại là các bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra, các đối tượng đã nâng khống giá máy móc thiết bị y tế, làm gia tăng những chi phí không cần thiết khiến người bệnh phải chi trả một số tiền lớn hơn rất nhiều lần giá trị thực tế. Số tiền đó, bệnh viện và các đối tượng lừa đảo đã chia nhau, đơn vị thu tiền là bệnh viện Bạch Mai.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ thu thập các chứng cứ, làm cơ sở để tòa án sẽ buộc bệnh viện Bạch Mai liên đới cùng các đối tượng phạm tội, bồi hoàn, chi trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bệnh nhân.
Về nguyên tắc, số tiền do gian dối mà có được là tiền thu nhập bất chính, tiền phạm pháp nên các bị cáo phải trả lại số tiền này. Nếu các bị cáo còn gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, ngoài số tiền chiếm đoạt, các bị cáo còn phải bồi thường những thiệt hại mà mình đã gây ra.
Nghĩa vụ hoàn trả số tiền là nghĩa vụ của bị cáo và người đang chiếm giữ số tiền đó. Bởi vậy, trong vụ án này số tiền đã chiếm đoạt được của bệnh nhân được chia cho bệnh viện và phía công ty nên bệnh viện và công ty là các bị đơn dân sự, có trách nhiệm phải hoàn trả số tiền đó cho các bệnh nhân. Đồng thời có quyền yêu cầu các bị cáo phải bồi hoàn số tiền đó cho bệnh viện và công ty nếu như bệnh viện và công ty đã chi trả số tiền đó cho các bị cáo.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ thu thập các dữ liệu điện tử, các tài liệu, chứng từ, hóa đơn để xác định số bệnh nhân đã sử dụng thiết bị y tế đó là bao nhiêu người, bao nhiêu lần, số tiền mà các bệnh nhân đã phải nộp cho bệnh viện này là bao nhiêu tiền, trên cơ sở đó sẽ xác định số tiền thu lợi bất chính là bao nhiêu? Với những số tiền thu trái pháp luật làm thiệt hại đến tài sản của bệnh nhân phải trả lại bệnh nhân. Ngoài số tiền đã thu trái pháp luật mà còn gây thiệt hại đến bệnh nhân, thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Vu nguyen Giam doc BV Bach Mai: Boi thuong 550 benh nhan cua Robot Rosa-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Sau khi thu thập các tài liệu, chứng cứ về số tiền thu lợi bất chính từ phía bệnh viện và công ty, làm rõ việc ăn chia, phân phối số tiền đó như thế nào, số tiền đó hiện đang do ai nắm giữ, quản lý ..., cơ quan điều tra cũng sẽ truy tìm, liên hệ với những bệnh nhân và thân nhân của họ để bổ sung các thông tin vào hồ sơ, xác định họ là người bị hại hoặc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Luật sư Cường cho rằng, những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có quyền yêu cầu bệnh viện và phía công ty cùng các bị can phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khác nếu có.
Trong trường hợp các đối tượng vi phạm cố tình không trả lại tiền cho người bị hại, cơ quan tố tụng có thể tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phong tỏa, kê biên các tài sản của bị can, bị cáo, của bị đơn dân sự để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Trong trường hợp các bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả sẽ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Còn nếu ngoan cố không thừa nhận sai phạm, không bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, không hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bệnh nhân thì sẽ không được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và sẽ có mức hình phạt nghiêm khắc.
“Các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã từng điều trị các loại máy móc thiết bị này có thể chủ động liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an (C03) để cung cấp các thông tin tài liệu có liên quan và yêu cầu những người đã chiếm đoạt số tiền này phải trả lại tiền cho gia đình mình. Nếu các bệnh nhân là người nghèo, gia đình chính sách, người già, những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí, có thể liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc các luật sư để được trợ giúp pháp lý miễn phí để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ án này theo quy định pháp luật” – luật sư Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố nguyên giám đốc bệnh viện Bạch Mai:

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh