Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, ngày 4-12, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc cung cấp tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Theo đó, phiên bản phần mềm năm 2016 đã được Sở TT&TT ký kết hợp đồng số 68/2016. Trong đó, các nội dung đã thực hiện gồm: (1) Cổng dịch vụ công trực tuyến; (2) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3:07 nhóm dịch vụ công khai sinh, khai tử; (3) Phần mềm ngành giáo dục: Tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, sổ liên lạc điện tử có kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu dân cư của Công an TP Hà Nội.
“Sản phẩm và cơ sở dữ liệu hình thành thuộc bản quyền TP, đến nay đã và đang thực hiện đúng lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của TP và mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân” - văn bản trên cho hay.
Trước đó, cuối tháng 11-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) cho biết đang điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan.
Theo đó, C03 đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan.
C03 đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc sở này; bà Phạm Thị Kim Tuyến, trưởng Phòng đăng ký kinh doanh sở này, về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng đó, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường vào diện ban chỉ đạo theo dõi.
|
Xe công an lúc đang khám xét nhà bị can Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Ảnh: TUYẾN PHAN
|
|
Ông Nguyễn Tiến Học và bà Phạm Thị Kim Tuyến. Ảnh: BCA
|
Thành lập năm 2016 đã trúng nhiều gói thầu sau đó
Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, ông Học và thuộc cấp bị bắt tạm giam do có liên quan đến nhiều văn bản tham mưu cho lãnh đạo UBND TP Hà Nội trong việc chỉ định thầu, giao dự án cho Công ty Nhật Cường.
Cụ thể, ông Học, bà Tuyến đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp 2016-2017 tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường là một công ty con của Công ty Nhật Cường, cũng do ông Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) làm đại diện pháp luật. Thành lập từ năm 2016 nhưng Nhật Cường Software đã trúng thầu rất nhiều phần mềm dịch vụ công ở Hà Nội. Ngay trong phần giới thiệu về khách hàng, đối tác của mình, Nhật Cường Software cho biết đã cung cấp dịch vụ cho UBND TP Hà Nội và 14 sở, ngành khác nhau.
Dù mới hoạt động từ năm 2016 nhưng Nhật Cường Software đã trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội như cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông ba cấp, triển khai hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn…
Theo nguồn tin của chúng tôi, các sản phẩm dịch vụ của Nhật Cường Software đang phục vụ lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội với tỉ lệ trực tuyến lên đến 80%, trong đó có nhiều sở, ngành, hơn 2.700 trường học với hơn 1,7 triệu học sinh, hàng triệu hồ sơ bệnh án điện tử...
Xin dừng nhiều phần mềm chạy thử nghiệm
Theo tài liệu thu thập được, Nhật Cường đã ký hợp đồng với Sở TT&TT TP Hà Nội với nội dung thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành phục vụ công dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, Nhật Cường đã triển khai và nghiệm thu hoàn thành hợp đồng với các giải pháp, phần mềm bao gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp bảy dịch vụ công trực tuyến mức độ ba của lĩnh vực tư pháp; phần mềm quản lý giáo dục (tuyển sinh đầu cấp: Mầm non, lớp 1, lớp 6; quản lý học sinh, học bạ và sổ liên lạc điện tử).
Lãnh đạo Hà Nội nói gì?
Việc người đại diện pháp luật của Nhật Cường Software bỏ trốn đã và đang gây ra nhiều hệ lụy khi chưa ai biết số phận các sản phẩm, dịch vụ mà công ty này cung cấp cho Hà Nội tới đây sẽ như thế nào.
Ngày 3-12, bên hành lang kỳ họp 11 HĐND TP Hà Nội, báo chí đã đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc một số cán bộ của địa phương bị bắt do liên quan đến vụ án Nhật Cường. Trước câu hỏi trên, chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị báo chí chờ kết luận của CQĐT.
Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay các dịch vụ Nhật Cường cung cấp cho TP Hà Nội vẫn được áp dụng, hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng bởi công việc của CQĐT đang tiến hành. Còn “việc vi phạm thế nào, cơ quan pháp luật sẽ kết luận” - ông Hoàng Trung Hải nói.
Nhật Cường cũng đã đề xuất với UBND TP và các sở, ngành, đơn vị trực thuộc của TP Hà Nội xin triển khai thử nghiệm các phần mềm như phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe, phần mềm quản lý tầm soát ung thư trực tràng và phiên bản nâng cấp của phần mềm giáo dục, phần mềm một cửa điện tử dùng chung và cổng dịch vụ công trực tuyến cùng 1.200 dịch vụ công trực tuyến khác.
Sau khi Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) điều tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tội buôn lậu và vi phạm sổ sách kế toán, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường đã có cuộc họp với đại diện UBND TP Hà Nội, Văn phòng UBND TP Hà Nội và các sở, ngành.
Nhật Cường Software cam kết tiếp tục duy trì hỗ trợ ổn định các hệ thống dịch vụ công, giáo dục và đảm bảo kỳ thi tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp trên phần mềm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty Nhật Cường cho biết đang gặp một số khó khăn trầm trọng như chủ sở hữu, đại diện công ty vắng mặt; không còn khả năng tài chính để đảm bảo hoạt động. Cùng đó, tài khoản ngân hàng của công ty bị phong tỏa nên không thể giao dịch kinh doanh; nhân sự tại Công ty Nhật Cường đã nghỉ việc rất nhiều, nhân sự tại Công ty Nhật Cường Software cũng đang biến động vì tâm lý lo ngại tương lai không ổn định.
Những lý do này dẫn đến việc nguồn lực của Nhật Cường Software không đủ để đảm bảo phát triển và vận hành các hệ thống phần mềm này trong thời gian tới.
Do đó, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo để các đơn vị của TP tiếp nhận vận hành các hệ thống phần mềm như đã ký kết trong hợp đồng.
Nhật Cường cũng xin ngừng thử nghiệm và rút lại các phần mềm dịch vụ bao gồm: Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe; phần mềm quản lý kết quả tầm soát ung thư trực tràng; ứng dụng trên thiết bị thông minh của sổ liên lạc điện tử (PINO); phần mềm một cửa điện tử dùng chung ba cấp và 1.200 dịch vụ công trực tuyến khác.
Khởi tố bổ sung, truy nã đỏ Bùi Quang Huy
Cùng với việc bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Học và bà Phạm Thị Kim Tuyến, C03 cũng bắt tạm giam ông Lê Duy Tuấn, giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh, về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.
Đồng thời ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường, giám đốc Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường, cùng tội danh trên.
Trước đó C03 ra quyết định khởi tố 10 bị can về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, bao gồm Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Nhật Cường.
Xác định Huy bỏ trốn, C03 ra quyết định truy nã đối với bị can này. Hiện Interpol cũng đã đưa Bùi Quang Huy vào danh sách truy nã đỏ.
Tiếp đó, quá trình điều tra mở rộng vụ án xác định Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội buôn lậu để đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, CQĐT khởi tố bổ sung bị can này về tội rửa tiền.
Theo Nguyễn Đức/Plo