Vụ Tịnh Thất Bồng Lai: “Đánh tráo khái niệm là hành vi lừa đảo”

Google News

Theo Thượng toạ Thích Nhật Từ, cơ sở Tịnh Thất Bồng Lai đang đánh tráo khái niệm khi các đối tượng chưa được thọ giới nhưng tự nhận là thầy, sư cô.

Bày tỏ quan điểm về việc công an tỉnh Long An khởi tố vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai của ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TPHCM), Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (trụ trì Chùa Giác Ngộ) khẳng định: “Cơ sở này đang đánh tráo khái niệm. Khi cơ quan Nhà nước kiểm tra hành chính, họ nói là người dân bình thường. Khi lên mạng và truyền thông, họ lại nói rằng đây là chùa. Như vậy là giả mạo Phật giáo. Ông Lê Tùng Vân và các con cháu của ông tại đây chưa được thọ giới, nhưng lại tự nhận đây là chùa, đây là thầy và các sư cô. Đó là hành vi lừa đảo”.
Vu Tinh That Bong Lai: “Danh trao khai niem la hanh vi lua dao”
 Thượng toạ Thích Nhật Từ.
Đối với các hành vi vi phạm giới Phật, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết, việc họ không tuân thủ theo giới luật Phật dạy, dù họ có theo hay không theo giáo hội (bất cứ giáo hội nào), mà tự mạo nhận mình là Tăng Ni để phục vụ mục đích riêng, là điều không thể chấp nhận được.
“Điều này giống như một người chưa trải qua đại học y khoa, chưa làm thực tập sinh bác sĩ, không có bằng cấp bác sĩ, không được bệnh viện nào thừa nhận, lại lạm xưng mình là bác sĩ là hành vi giả dối, không thể chấp nhận được” - Thượng toạ Thích Nhật Từ phân tích.
Đối với ông Lê Tùng Vân, Thượng toạ Thích Nhật Từ cho biết thêm, ông Lê Tùng Vân trước đây đã từng bị Giáo hội Phật Giáo ý kiến đến địa phương về những dấu hiệu vi phạm lợi dụng tôn giáo để trục lợi từ thiện qua việc nuôi trẻ mồ côi. Ông Vân không theo bất cứ tôn giáo nào nhưng đã lợi dụng sắc phục tu sĩ, lợi dụng tư gia của mình với cái tên gọi Tịnh Thất bồng lai, cả hai vấn đề này đều đã vi phạm nghiêm trọng vì đã nhân danh chức sắc giáo hội, nhân danh nhà chùa để trục lợi từ thiện.
"Việc ông Vân lấy tên là "Tịnh thất" là một trong những tên nằm trong khái niệm tương đương với Thiền Viện, chùa mà Giáo hội công nhận. "Tịnh thất là một am thất nhỏ trong tịnh xá dành cho các cá nhân, chính là các tu sĩ Phật giáo tương đương như một Thiền Viện, tuy nhiên trong một khuôn khổ hẹp cả về việc sinh hoạt tôn giáo" - Thượng toạ Thích Nhật Từ giải thích.
Thượng toạ Thích Nhật Từ cũng lưu ý người dân khi cũng dường, quyên góp tiền từ thiện cần phải xác định cơ sở thờ tự đó có chính xác là chùa không. “Các chùa Phật giáo tại Việt Nam, được xây dựng theo một hệ thống nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Người dân có thể xác định thông qua việc liên lạc với các Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại mỗi địa phương, để tránh trường hợp mất tiền cho các cơ sở gian dối như Tịnh thất Bồng Lai” - Thượng toạ Thích Nhật Từ chia sẻ. 
Vu Tinh That Bong Lai: “Danh trao khai niem la hanh vi lua dao”-Hinh-2
Tịnh Thất Bồng Lai không phải cơ sở tự viện hợp pháp. 
Về cơ sở Tịnh Thất Bồng Lai (sau đổi tên thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ), Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An khẳng định đây không phải là cơ sở tự viện hợp pháp. Những người đang sinh sống tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và Tịnh thất bồng lai có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để trục lợi.
Ngày 5/11, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai của ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TPHCM) có dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, bị can này còn bị điều tra về dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân và loạn luân.
Hoàng Nam