Là người tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho nhiều vụ án dân sự, luật sư Trần Quốc Toản (SN 1972, Phó trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội) tâm sự, nhiều vụ án đã để lại trong ông sự xót xa không nhỏ.
Trong đó phải kể đến vụ án tranh chấp, phân chia thừa kế căn nhà trên mảnh đất vàng phố cổ cách đây 9 năm.
|
Luật sư Trần Quốc Toản. Ảnh: Nhật Linh |
Luật sư Trần Quốc Toản cho biết, thân chủ trong vụ án này là một người khuyết tật, tên Lê Vĩnh Hải (SN 1962, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lần đầu gặp luật sư Toản, ông Hải vừa khóc vừa kể về cuộc đời đầy bi ai của mình.
Theo đó, ông Hải là con thứ trong gia đình có 3 anh chị em ở phố cổ Hà Nội. Chị gái cả lấy chồng sau đó vào miền Nam lập nghiệp, còn em trai út (SN 1972) ở cùng ông và bố mẹ.
Từ nhỏ do biến chứng sau trận sốt, tay chân ông Hải co quắp, không có khả năng lao động nặng. Tuy nhiên bố mẹ ông Hải là dân buôn bán nên kinh tế gia đình rất khá giả.
Người em út trưởng thành kết hôn, được bố mẹ sắp xếp cho ở tầng 2 của căn nhà còn ông Hải ở tầng 1. Hàng ngày, ông trông coi cửa hàng vải, giúp đỡ bố mẹ và em trai việc kinh doanh. Cuộc sống cứ êm ả như vậy cho khi bố mẹ ông lần lượt qua đời mà không để lại di chúc. Ông Hải lúc này tuổi cao, sức khỏe suy yếu, chỉ có thể đi lại trong nhà.
Thời điểm đó, đất phố cổ “nóng” lên từng ngày, căn nhà của anh em ông Hải có người vào đặt vấn đề mua bán lên tới vài chục tỷ.
Vợ chồng người em út thấy vậy hối thúc anh đồng ý bán nhà nhưng ông Hải từ chối. Từ đó người em bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt. Đến bữa cơm thấy ông ăn rơi vãi ra bàn, họ liền nổi nóng, nặng lời với anh trai. Ông Hải buồn tủi, nhiều lần vừa bê bát cơm vừa rơi nước mắt.
Một ngày, bất ngờ vợ chồng người em út đưa sổ đỏ ra và nói, trước khi bố mất bố đã sang tên cho người em toàn bộ căn nhà 2 tầng và cửa hàng kinh doanh vải.
Họ đề nghị ông Hải dọn ra căn phòng nhỏ phía sau căn nhà. Căn phòng này vốn là kho chứa đồ cũ, có lối thông ra mặt ngõ đằng sau. Thấy thái độ của em trai, ông Hải kiên quyết phản đối bởi đây là nơi ông đã sinh ra và gắn bó từ nhỏ.
Bên cạnh đó, đây là tài sản chung bố mẹ để lại, mặc dù không được học lên cao nhưng ông hiểu em trai đang làm việc trái pháp luật và đạo lý. Thấy anh trai không làm theo ý mình, vợ chồng người em tàn nhẫn bê đồ đạc và ép anh trai xuống căn phòng đó. Đau lòng hơn, họ còn cho người bịt kín lối đi từ căn phòng lên nhà.
Thân thể yếu ớt, ông Hải không kháng cự được, đành chấp nhận sống trong căn phòng chật chội đó. Sinh hoạt hàng tháng đều dựa vào đồng tiền bán nước chè ngoài phố. Ông nhiều lần gõ cửa, yêu cầu em trai nói chuyện cho rõ ràng nhưng các em ông khóa cửa không cho anh vào nhà.
“Cực chẳng đã, ông Hải làm đơn gửi khắp nơi đòi quyền lợi nhưng không có phản hồi. Được người quen giới thiệu, ông đến tìm tôi. Mặc dù các luật sư ra sức trấn an nhưng hôm đó ông ấy gần như nghẹn lời, vì nghĩ đến cảnh em trai ruột thịt nhẫn tâm đuổi mình ra khỏi nhà”, luật sư sinh năm 1972 nhớ lại.
Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của các luật sư, ông Hải làm thủ tục khởi kiện em trai ra tòa, đòi phân chia lại gia sản thừa kế. Bằng các tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, hỗ trợ pháp lý, ông Toản và các cộng sự phát hiện nhiều uẩn khúc trong việc sang tên sổ đỏ căn nhà 2 tầng trên phố cổ.
Sau 2 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, vụ án được đưa lên giám đốc thẩm. Tòa giám đốc thẩm tuyên trả lại hồ sơ, xét xử lại. Tại phiên tòa lần này, HĐXX ra phán quyết hủy sổ đỏ cũ, đồng thời chia gia sản theo luật định.
Vẫn theo lời anh Toản, người em phải trả lại tầng 1 cho người anh, còn vợ chồng người em được sử dụng tầng 2 của căn nhà.
“Từ khi tôi hỗ trợ pháp lý cho ông Hải, người em trai nhiều lần liên hệ, lúc thì ngọt nhạt mua chuộc, khi thì dùng lời lẽ dọa dẫm, bảo tôi không được tiếp tục tham gia vụ án. Nhưng với lương tâm của luật sư, tôi không cho phép mình làm điều đó.
Tôi lựa lời khuyên người em trai suy nghĩ lại về tình cảm anh em ruột thịt và đạo lý làm người nhưng anh ta đều gạt đi vì trong suy nghĩ anh ta chỉ cần tiền”, anh Toản bộc bạch.
Tuy đây là vụ án hết sức đau lòng vì chút lòng tham mà người em tàn nhẫn đẩy người anh khuyết tật vào cảnh cùng cực. Nhưng khi được quay lại căn nhà của bố mẹ, ông Hải đã bao dung tha thứ hết lỗi lầm cho vợ chồng em trai.
Ông đề nghị em chuyển xuống tầng 1 sinh sống, kinh doanh, còn ông lên tầng 2 sống để thuận tiện chăm sóc ban thờ bố mẹ, tổ tiên.
“Ông Hải còn làm di chúc, sau khi ông qua đời, phần tài sản của ông sẽ để lại cho cháu trai, con người em út. Trước cư xử của anh trai, vợ chồng người em vô cùng xấu hổ. Từ đó họ hối lỗi, chăm sóc anh tử tế hơn. Nhìn cảnh người em hằn học anh trai trên tòa, không ai nghĩ có ngày họ sẽ đoàn tụ được như vậy”, luật sư Toản chia sẻ.
Theo Nhật Linh – Thanh Hải/Vietnamnet