Trong vụ án tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), ngoài nhóm bị cáo là cán bộ Đoàn Thanh tra, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) Ngân hàng Nhà nước (NHNN), còn có 5 bị cáo thuộc NHNN Chi nhánh TP HCM, và Cục TTGSNH TP HCM (Cục II).
Phát hiện SCB âm 4.964 tỷ đồng nhưng báo cáo sai sự thật
5 bị cáo thuộc NHNN Chi nhánh TP HCM, và Cục TTGSNH TP HCM (Cục II), bị xét xử tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Nguyễn Văn Dũng (nguyên Cục trưởng Cục II - Phó Giám đốc NHNN Chi TP nhánh TP HCM phụ trách thanh tra, giám sát); Võ Văn Thuần (nguyên Phó Cục trưởng Cục II - Phó Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TP.HCM); Phan Tấn Trung (nguyên Phó Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TP.HCM); Nguyễn Thị Phi Loan (nguyên Phó Cục trưởng Cục II - Phó Chánh TTGSNH Chi nhánh TP HCM) và Nguyễn Tín (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát).
Cáo trạng xác định 5 bị cáo nêu trên đã để cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan và SCB cho vay trái pháp luật, hậu quả tính đến ngày 17/10/2022, SCB mất thanh khoản hoàn toàn số tiền 677.286 tỷ đồng.
Theo đó, NHNN Chi nhánh TP HCM lập 4 tổ giám sát (TGS) và giám sát tăng cường tại SCB. Qúa trình thực hiện giám sát, các TGS có hơn 70 lượt báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được chấp nhận mà chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất năm 2020 và 2022, nhưng phạm vi thanh tra bị thu hẹp, không đúng với đề xuất của TGS và ý kiến chỉ đạo của NHΝΝ.
Trong quá trình giám sát và giám sát tăng cường SCB, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Phi Loan và Nguyễn Tín báo cáo không trung thực thực trạng tài chính, tình hình hoạt động của SCB với NHNN và Cơ quan TTGSNH. Thực trạng tài chính chính của SCB thời điểm 30/6/2014 bị âm hơn 4.964 tỷ đồng, nhưng báo cáo hơn 4.964 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên 3%, nhưng báo cáo dưới 3%...
Tháng 6/2017 sau khi kiểm tra, TGS đã chỉ ra hàng loạt sai phạm và đưa ra kiến nghị xử lý sai phạm tại SCB. Tuy nhiên, Võ Văn Thuần chỉ đạo Tín báo cáo không đầy đủ các sai phạm tại SCB, chỉ đưa nội dung “Hạch toán và xử lý lãi dự thu” không đưa sai phạm về cơ cấu nợ và các sai phạm về cấp tín dụng, và không kiến nghị đúng lên NHNN và Cơ quan TTGSNH.
|
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án tại SCB và Tập đoàn V |
Đến tháng 5/2019 (trước khi nghỉ việc), Tín mới lập báo cáo ngày 17/5/2019 của TGS về kết quả kiểm tra SCB gửi Nguyễn Văn Dũng để Dũng chỉ đạo Tín soạn văn bản trình Thuần duyệt, ký gửi SCB nêu nội dung các sai phạm, yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan, trong đó bỏ nội dung kiến nghị việc tạm dừng giải ngân đối với Dự án Mũi Đèn Đỏ do Phạm Công Hòa (thành viên TGS) đưa ra. Các nội dung sai phạm nêu trên không được báo cáo cho NHNN Cơ quan TTGSNH (do đã chậm và nội dung sai phạm đã được phát hiện trước đó 2 năm).
Chỉnh sửa báo cáo theo hướng có lợi cho SCB
Ngoài ra, các bị cáo trên còn chỉnh sửa báo cáo giám sát ngày 4/7/2019 lên Cơ quan TTGSNH theo hướng có lợi cho SCB và không chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra SCB theo đề xuất của TGS của Thuần.
Qua công tác giám sát, Trần Thị Hứng (tổ phó TGS giai đoạn 2016-2019) có báo cáo và tờ trình của TGS, trong đó đề xuất, kiến nghị: “SCB đã vi phạm hầu hết các chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong quá trình thực hiện kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019 được Thống đốc NHNN phê duyệt. TGS kính báo cáo ban lãnh đạo xem xét đặt SCB vào tình trạng giám sát toàn diện…”, nhưng Thuần ký báo cáo gửi Chánh TTGSNH và Thống đốc NHNN với nội dung được Thuần sửa lại “xem xét trình Thống đốc NHNN đặt SCB vào tình trạng giám sát toàn diện nếu xét thấy SCB vi phạm các chỉ đạo của Thống đốc NHNN”.
|
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa |
Trong các báo cáo của TGS năm 2018 và 2019 đều có nội dung đề xuất thanh tra tại chỗ SCB để phát hiện sai phạm, nhưng Thuần không có ý kiến chỉ đạo và không báo cáo với NHNN nội dung này.
Bên cạnh đó, các bị cáo trên còn chỉnh sửa báo cáo giám sát ngày 4/11/2020 gửi Cơ quan TTGSNH theo hướng có lợi cho SCB. Cụ thể, TGS giai đoạn 2020-2022 phát hiện nhiều sai phạm của SCB, như: trong quá trình giải ngân các khoản vay chưa đảm bảo tỷ lệ an toàn, dòng tiền vào và ra có sự xen giữa các chi nhánh và có phát sinh tương ứng trong cùng ngày dẫn đến có dấu hiệu tăng tổng tài sản ảo, hoặc cho vay để đảo nợ, cần thiết phải phối hợp Bộ Công an hoặc Cơ quan CSĐT để xác định dòng tiền giải ngân của khách hàng…
Tuy nhiên, Phan Tấn Trung có bút phê việc báo cáo chỉ trong nội bộ NHNN Chi nhánh TP HCM. Ngoài hành vi bút phê này, Trung cũng không kiến nghị Cơ quan TTGSNH thanh tra pháp nhân SCB theo đề xuất của TGS.
Ngày 2/7/2021, Cơ quan TTGSNH có công văn yêu cầu Chi nhánh TP HCM giám sát tăng cường đối với 12 hồ sơ phát sinh tại Hội sở SCB, có tổng dư nợ 19.702 tỷ đồng; tiếp tục giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn đúng mục đích, việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng đối với 6 khoản vay khác…
Không thanh tra 439 khoản vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Ngày 28/9/2021, TGS báo cáo xác định sai phạm của 43 khoản vay “có dấu hiệu vi phạm điều kiện vay vốn và không đảm bảo các điều kiện cấp tín dụng theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN về áp dụng một số biện pháp hạn chế hoạt động đối với SCB”.
Báo cáo của TGS cũng kiến nghị: đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2021 hoặc 2022 (khi được phép) đối với các hồ sơ Công ty Thép Nguyễn Minh, Công ty Trung Nam, Công ty Thuận Việt, Công ty Dầu khí Đông Phương; kiến nghị triển khai thanh tra tại chỗ đối với Hội sở SCB về: hoạt động cấp tín dụng để nhận phần vốn góp trong các Công ty TNHH (43 hồ sơ, trong đó có 12 hồ sơ cấp tín dụng nêu trên); hoạt động cấp tín dụng đối với: Công ty CP Tập đoàn Đầu tư VTP, Công ty Sài Gòn Peninsula.
Tuy nhiên, Phan Tấn Trung đã chỉnh sửa, bỏ hầu hết các nội dung liên quan đến việc đánh giá sai phạm của SCB và đề xuất, kiến nghị của TGS trong dự thảo. Đồng thời, Trung chỉ đạo Phạm Công Hòa chỉnh sửa văn bản theo ý của Trung và trình Nguyễn Văn Dũng ký công văn 123/HCM-TTr1 ngày 26/10/2021 báo cáo Thống đốc NHNN và Cơ quan TTGSNH, trong báo cáo này không đưa đầy đủ nội dung sai phạm tại SCB và đề xuất, kiến nghị của TGS.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Phi Loan và Phan Tấn Trung còn không thực hiện thanh tra theo yêu cầu tại 17 văn bản của NHNN đối với 439 khoản vay có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên để xác định sai phạm xảy ra tại SCB (trong đó có 103 khoản vay tại Hội sở SCB).
Mặt khác, TGS giai đoạn từ tháng 1/2020-11/2021 có báo cáo nhận định những khách hàng/khoản vay nêu tại 17 văn bản của NHNN có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật nên đã đề nghị thanh tra tại chỗ những khách hàng/khoản vay này hoặc thanh tra pháp nhân SCB.
Tuy nhiên, Dũng đã kết luận tại cuộc họp ngày 16/2/2022: “Do nguồn nhân lực của TTGS có số lượng rất hạn chế, khối lượng công việc rất lớn, thời gian yêu cầu xử lý phải nhanh chóng, số lượng hồ sơ khách hàng rất nhiều. Vì vậy, qua các nội dung nêu trên việc thực hiện thanh tra toàn bộ khách hàng là không thể thực hiện được khi thanh tra cần xác định, đơn vị khách hàng có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng yêu cầu của cuộc thanh tra và công tác quản lý Nhà nước”. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Văn Dũng, đoàn thanh tra đã lập kế hoạch và chỉ lựa chọn 33/439 khoản vay để thanh tra.
Nhận tiền để bỏ qua sai phạm của SCB
Sau khi bị bắt, các bị cáo khai đã nhận tiền, quà biếu của SCB trong quá trình thực hiện giám sát. Cụ thể, Nguyễn Văn Dũng nhận 400 triệu đồng và 15.000 USD; Võ Văn Thuần nhận 1,8 tỷ đồng; Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỷ đồng (đã khắc phục 554 triệu); Nguyễn Thị Phi Loan nhận 470 triệu đồng và Nguyễn Tín nhận 500 triệu đồng.
Yến Thanh