Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình

Google News

Ngoài đề nghị mức án tử hình đối với Trương Mỹ Lan, Viện KSND cũng đề nghị cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội đối với: Bùi Văn Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Đỗ Thị Nhàn…

Ngày 19/3, vụ án xảy ra xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) tiếp tục được xét xử với phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện Viện KSND đối với các bị cáo.
Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 498.000 tỷ
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VTP, chủ mưu), bị xét xử với 3 tội danh: “Tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Đưa hối lộ”. Cáo trạng cáo buộc bị cáo Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 498.000 tỷ đồng, sau khi đã trừ giá trị các tài sản đảm bảo của các khoản vay.
Đại diện Viện KSND nhận định, từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn truy tố, có 80/86 bị cáo đều ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng để điều tra làm rõ bản chất vụ án. Trước và trong quá trình xét xử, nhiều bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động người thân nộp lại tiền, tài sản để khắc phục hậu quả vụ án và thừa nhận hành vi phạm tội.
Vu Van Thinh Phat: Truong My Lan bi de nghi muc an tu hinh
 Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội vì không ăn năn, hối cải. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng khắc phục hậu quả, có đóng góp từ thiện xã hội, nhất là trong đại dịch Covid-19 lần thứ tư. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan (và 5 bị cáo đã bỏ trốn ra nước ngoài, bị xét xử vắng mặt) không thừa nhận hành vi vi phạm tội, khai báo quanh co, đổ lỗi cấp dưới, không ăn năn hối cải…
Viện KSND nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm trong Tập đoàn VTP và SCB lợi dụng Nhà nước có chính sách tái cơ cấu các ngân hàng, từ đó Lan dùng nhiều thủ đoạn thâu tóm SCB và biến SCB trở thành công cụ tài chính phục vụ lợi ích của mình.
Sau khi thu tóm SCB, Trương Lan tuyển và bố trí người thân vào những vị trí chủ chốt của SCB; thành lập 3 đơn vị trong SCB chủ yếu để cho Trương Mỹ Lan và các công ty trong hệ sinh thái VTP vay tiền từ SCB để chiếm đoạt; thông đồng với các Công ty Thẩm định giá nâng “khống” trị giá tài sản đảm bảo của các khoản vay; lập phương án “giải quỹ” để che giấu nguồn tiền sau khi được SCB giải ngân…
Trong khoảng thời gian 10 năm (2012-2022), các lãnh đạo chủ chốt và nhân viên tại SCB, trong hệ sinh thái VTP được Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập 2.527 hồ sơ cho các công ty “ma”, các cá nhân được thuê đứng tên để vay “khống” với số tiền được giải ngân 1.066.608 tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022, vẫn còn 1.284 khoản vay với tổng dư nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.
Để che giấu các hành vi sai phạm nghiêm trọng, và để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc SCB) dùng tiền đút lót cho lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãnh đạo và cán bộ đoàn thanh tra sai phạm tại SCB, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, với số tiền người nhận ít nhất 100 triệu đồng, người nhận nhiều nhất lên tới 5,2 triệu USD là Đỗ Thị Nhàn (SN 1966, nguyên Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng Cơ quan TTGSNH thuộc NHNN), bị xét xử tội “Nhận hối lộ”.
 Cũng theo đại diện Viện KSND, trong quá trình xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan khai báo quanh co, đổ tội cho cấp dưới, không không thừa nhận hành vi phạm tội, dó đó cần xử nghiêm bằng cách loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội.
Cách ly vĩnh viễn bị cáo Nhàn ra khỏi đời sống xã hội
Đối với các bị cáo Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB, đã bỏ trốn), Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn, (nguyên Tổng Giám đốc SCB), Tạ Chiêu Trung (nguyên thành viên HĐQT SCB, cùng bị xử tội tham ô tài sản), đã giúp sức tích cực bằng cách lập và ký hợp thức hóa hàng nghìn hồ sơ vay “khống”, để Trương Mỹ Lan chiếm số tiền cực lớn là hơn 304.000 tỷ đồng của SCB. Vì vậy, Viện KSND đề nghị mức hình phạt đối với những bị cáo kể trên là cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.
Vu Van Thinh Phat: Truong My Lan bi de nghi muc an tu hinh-Hinh-2
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn 
Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, do đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan, nên đã chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra lập báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra; báo cáo theo hướng có lợi cho SCB; không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt mà còn đề xuất cho SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu.
Khi vụ án được khởi tố, bị cáo Nhàn dù đã nộp lại 5,2 triệu USD là tiền nhận hối lộ, nhưng hành vi của bị cáo Nhàn gây bức xúc trong xã hội. Do đó cần có hình phạt nghiêm khắc là cách ly vĩnh viễn bị cáo Nhàn ra khỏi đời sống xã hội.
Trong vụ án này, Viện KSND cũng xác định bị cáo Chu Lập Cơ (SN 1956, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) đã có hành vi giúp sức cho vợ gây thiệt hại cho SCB hơn 9.116 tỷ đồng; bị cáo Trương Huệ Vân (SN 1988, cháu ruột bị cáo Lan) giúp sức tích cực cho bị cáo Lan chiếm đoạt 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 25 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra và xét xử, cả Cơ và Vân tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, ăn năn nhận tội, tác động người thân khắc phục hậu quả… nên Viện KSND đề nghị một mức án nghiêm khắc.
Nhóm bị cáo bị xử tội “Tham ô tài sản” cùng với Trương Mỹ Lan
Trong vụ án này, ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử 3 tội, trong đó có tội “Tham ô tài sản”, còn có 11 bị cáo khác cũng bị xử tội danh nêu trên.
- Đinh Văn Thành: từ ngày 28/6/2012-19/10/2017, ký 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 42.770 tỷ đồng. Từ ngày 9/2/2018-6/12/2020, ký 305 khoản vay, giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 189.193 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 99.677 tỷ đồng.
- Bùi Anh Dũng: từ ngày 4/10/2013-4/12/2020, ký 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 187.607 tỷ đồng. Từ ngày 9/12/2020 - 22/9/2022, ký 207 khoản vay, giúp Lan chiếm đoạt hơn 104.259 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 26.331 tỷ đồng.
- Võ Tấn Hoàng Văn: từ ngày 18/11/2013-12/11/2017, ký 290 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 60.502 tỷ đồng. Từ ngày 9/2/2018-25/7/2020, ký 348 khoản vay, giúp Lan chiếm hơn 192.434 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 101.247 tỷ đồng.
- Tạ Chiêu Trung: từ ngày 27/6/2014-19/10/2017, ký 97 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 37.407 tỷ đồng. Từ ngày 9/2/2018-29/3/2018, ký 9 khoản vay giúp Lan chiếm đoạt hơn 4.400 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 4.773 tỷ đồng.
- Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB): từ ngày 9/10/2019-12/1/2021, đã ký 386 khoản vay, để Lan chiếm hơn 182.842 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB hơn 65.004 tỷ đồng.
- Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc SCB), từ ngày 11/9/2019-15/8/2022, ký 617 khoản vay, để Lan chiếm hơn 200.690 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB hơn 69.023 tỷ đồng.
- Nguyễn Phương Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), giúp Trương Mỹ Lan trong việc quản lý, điều hành, tìm người đứng tên đại diện pháp luật các công ty “ma”, đứng tên cổ phần, vay vốn, ký chứng từ rút tiền, nộp tiền, tạo hồ sơ vay vốn :khống” và rút tiền giải ngân tại SCB; theo dõi thu/chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn khác; phối hợp “giải quỹ” các khoản vay đã được SCB giải ngân.
Nguyễn Phương Anh giúp sức cho Lan chiếm hơn 297.417 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 128.730 tỷ đồng.
- Hồ Bửu Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Công ty CP Tập đoàn VTP và Công ty CP Tập đoàn Tư vấn VTP), trực tiếp nhận chỉ đạo của Lan phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân lên phương án “giải quỹ”, giúp Lan chiếm hơn 163.155 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 99.228 tỷ đồng.
- Đặng Phương Hoài Tâm (nguyên Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP), trực tiếp nhận chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan, quản lý tài sản, danh sách các cá nhân, công ty “ma” và dư nợ của các công ty này. Phối hợp với Anh thành lập công ty “ma” đứng tên khoản vay, phối hợp với Anh, Phương và các cá nhân lên phương án “giải quỹ” số tiền đã được SCB giải ngân, giúp Lan chiếm hơn 171.359 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 57.363 tỷ đồng.
 
Yến Thanh