Vụ Vạn Thịnh Phát: Vì sao đưa hối lộ nhưng không bị xử lý?

Google News

Một số đối tượng giúp sức cho Trương Mỹ Lan đưa hối lộ nhiều người nhưng không bị truy tố tội danh này.

Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử 3 tội danh, trong đó có tội “Đưa hối lộ”. Một số đối tượng giúp sức Lan, nhưng không bị truy tố tội danh này là vì sao?
Khai báo trước khi khởi tố vụ án nên miễn trách nhiệm
Trong vụ án mà TAND TP HCM đang xét xử, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (SN 1966, nguyên Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) bị cáo buộc tội “Nhận hối lộ” với số tiền 5,2 triệu USD, của bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Vu Van Thinh Phat: Vi sao dua hoi lo nhung khong bi xu ly?
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM. 
Để đưa hối lộ số tiền 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB) trực tiếp đưa tiền cho Nhàn. Người trực tiếp bê các thùng xốp đựng tiền từ SCB để cùng Văn chở đến nhà riêng của Nhàn để đưa hối lộ là Nguyễn Nam Tuấn (tài xế của Văn).
Theo cáo trạng, từ trước khi khởi tố vụ án, Văn đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra, và tố giác hành vi của Nhàn. Sau khi vụ án được khởi tố, trong quá trình điều tra, Võ Tấn Hoàng Văn hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra làm rõ vụ án. Căn cứ điểm c khoản 2 điều 29 và khoản 7 điều 364 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Võ Tấn Hoàng Văn về tội “Đưa hối lộ”.
Đối với tài xế Nguyễn Nam Tuấn (lái xe cho Văn) là người trực tiếp nhận các thùng xốp từ ngân hàng và đi cùng Văn đến nhà riêng Đỗ Thị Nhàn. Nhưng tài xế Nam không biết các thùng này đựng tiền, và không biết nội dung thỏa thuận, làm việc giữa Văn với Nhàn, nên không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của Tuấn.
Riêng trường hợp Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), có đưa tiền cho Nguyễn Văn Hưng (SN 1958, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan TTGSNH) nhưng đã bỏ trốn, xuất cảnh đi nước ngoài từ ngày 15/11/2020, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, Võ Tấn Hoàng Văn bị xét xử tội “Tham ô tài sản” quy định tại điều 353 BLHS năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại điều 179 BLHS năm 1999.
Giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan
Theo đó, từ tháng 7/2013, Văn được Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch HĐQT SCB) tuyển vào làm việc với chức Phó Tổng Giám đốc SCB. Tháng 12/2013, sau khi Lê Khánh Hiền nghỉ việc, Trương Mỹ Lan đồng ý cho Văn làm Tổng Giám đốc SCB, thành viên Hội đồng kinh doanh và đầu tư (HĐKD&ĐT) Hội sở đến tháng 7/2020 thì nghỉ việc.
Mỗi khi cần tiền, Trương Mỹ Lan gọi điện trao đổi với Văn về việc rút tiền SCB thông qua khoản vay. Văn biết số tiền sau khi giải ngân đứng tên các cá nhân và công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để thanh toán nợ cũ tại SCB, thanh toán các khoản vay ở ngân hàng khác, mua dự án mới, đầu tư vào dự án và sử dụng vào các mục đích khác của Trương Mỹ Lan, việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay.
Vu Van Thinh Phat: Vi sao dua hoi lo nhung khong bi xu ly?-Hinh-2
 Các bị cáo tại phiên tòa.
Để tránh sự kiểm tra, giám sát của NHNN đối với hoạt động cho vay tại các chi nhánh SCB, Võ Tấn Hoàng Văn ký tờ trình đề xuất Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB) ký quyết định thành lập 3 đơn vị: Trung tâm kinh doanh khách hàng bán buôn; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp (có đơn vị trực tuyến là Hub kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp); Kênh kinh doanh trực tiếp khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân (có đơn vị trực tuyến là Hub cho vay bất động sản - là bộ phận chuyên thực hiện hồ sơ vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Võ Tấn Hoàng Văn biết rõ các khoản vay là của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền ra SCB theo chỉ đạo của Lan. SCB không thẩm định khách hàng, không xác minh tài sản bảo đảm, phương án vay vốn, nhưng ký các tờ trình thẩm định, biên bản họp HĐKD&ĐT Hội sở đồng ý cho vay đối với nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát là hành vi vi phạm pháp luật.
Giai đoạn từ ngày 18/11/2013 - 12/11/2017, Văn ký hồ sơ cho vay và giải ngân 290 khoản vay của 228 khách hàng để Trương Mỹ Lan sử dụng. Đến ngày 17/10/2022 các khoản vay trên còn dư nợ hơn 79.872 tỷ đồng (nợ gốc 47.318 hơn tỷ đồng, nợ lãi hơn 32.553 tỷ đồng, bao gồm các khoản nợ lãi/phí được bán nợ/cấn trừ nợ). Hành vi của Văn đã gây thiệt hại cho SCB hơn 60.502 tỷ đồng.
Giai đoạn từ ngày 9/2/2018 - 25/7/2020, Văn ký hồ sơ cho vay và giải ngân 348 khoản vay của 175 khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dư nợ đến ngày 17/10/2022 hơn 325.237 tỷ đồng (nợ gốc hơn 223.990 tỷ đồng, nợ lãi hơn 101.247 tỷ đồng, nợ lãi/phí đã được bán nợ/cấn trừ nợ), giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm tiền của SCB hơn 192.434 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ phát sinh hơn 101.247 tỷ đồng.


Yến Thanh