Vụ VN Pharma tuyên án: Tại sao không tử hình?

Google News

(Kiến Thức) - Dù bị truy tố theo khoản 4 Điều 157 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, mức án cao nhất là tử hình nhưng các bị cáo trong vụ VN Pharma chỉ bị tuyên từ 3 năm tù treo đến cao nhất 20 năm tù.

Sau 6 ngày xét xử và nghị án, chiều 1/10, Tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ án “Buôn bán thực phẩm giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma.
Trường hợp nào áp dụng mức án tử hình?
Theo bản án tòa tuyên, mức án cao nhất là 20 năm tù giam đối với bị cáo Võ Mạnh Cường - nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM Hàng hải quốc tế H&C, kẻ được xác định giữ vai trò cầm đầu. Cựu Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng 17 năm tù. 8 bị cáo còn lại nhận mức án từ 3-12 năm tù. Riêng bị cáo Hoàng Trúc Vy nhận 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Điều này khiến dư luận băn khoăn, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố đề nghị xét xử các bị cáo theo khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về “tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” có mức hình phạt cao nhất là tử hình, vì sao tòa không tuyên án ở mức kịch khung?
Lý giải điều này, trong phiên xét xử chiều 26/9, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP HCM khi đưa ra quan điểm cho rằng, việc truy tố các bị cáo theo tội danh như trên là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật. Bởi hành vi của Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) cùng đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội.
Vu VN Pharma tuyen an: Tai sao khong tu hinh?
 Cựu Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng lĩnh 17 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng biết rõ quy định trong việc nhập khẩu thuốc, có khả năng chỉ đạo nhân viên nhưng cố tình thực hiện hành vi phạm tội để thu lợi cá nhân. Bị cáo Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty H&C) là người cung cấp thuốc H-Capita cho Hùng, dùng Helix Canda là công ty ma để ký hợp đồng với VN Pharma, chỉ đạo nhân viên nâng giá từ 27 USD/hộp đến 75 USD/hộp. Các bị cáo còn lại đã giúp sức cho Hùng làm các hành vi trái pháp luật để hoàn thiện bộ hồ sơ thuốc H-Capita, nộp cho Cục Quản lý dược để xin giấy phép nhập khẩu.
Dù VKS cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc mới đủ răn đe các bị cáo. Tuy nhiên, cơ quan công tố chỉ đề nghị tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng từ 18-19 năm tù; Võ Mạnh Cường bị đề nghị 20 năm tù. Hai bị cáo bị đề nghị 12-13 năm; 4 bị cáo bị đề nghị 6-7 năm tù và 3 bị cáo bị đề nghị 3-4 năm.
Tại phiên tranh luận sáng 30/9, đại diện VKS khẳng định đây là thuốc giả và cho rằng, hậu quả hành vi sai phạm của các bị cáo đã xảy ra – đó là việc toàn bộ lô thuốc được nhập khẩu và đấu thầu thành công.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, nếu lô thuốc không được ngăn chặn trước khi đưa vào các nhà thuốc, bệnh viện thì sẽ sử dụng cho các bệnh nhân, khi đó hậu quả sẽ vô cùng lớn và mức hình phạt của các bị cáo sẽ ở khung cao nhất.
Các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các bị cáo bị truy tố theo khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về “tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” thì có mức án phạt từ hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình.
“Theo mức án tòa tuyên với các bị cáo trong vụ án này cao nhất đến 20 năm là căn cứ theo khoản 3, Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 do có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với tội danh các bị cáo bị truy tố, pháp luật quy định hình phạt chính là phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc tử hình. Bởi vậy, tòa án có quyền căn cứ vào quy định của pháp luật để phạt tù có thời hạn với bị cáo, tù chung thân hoặc phạt tù từ hình tùy vào tính chất, mức độ của từng hành vi, tùy phụ thuộc vào hậu quả và tùy thuộc vào các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo.
“Trong vụ án hình sự có đồng phạm thì mức hình phạt cũng phải tương xứng với tính chất mức độ hành vi và nhân thân của từng bị cáo, có sự phân hóa vai trò của từng bị cáo theo nguyên tắc: bị cáo nào chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố, chống đối, không biết ăn năn hối cải thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc, thể hiện tính nghiêm trị. Còn đối với bị cáo vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể xử ở mức hình phạt thấp hơn, loại hình phạt ít nghiêm khắc hơn để thể hiện tính khoan hồng trong chính sách xét xử hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đồng thời, theo luật sư Cường, chính sách xét xử hình sự Việt Nam hiện nay thể hiện hài hòa hai yếu tố là nghiêm trị và khoan hồng. Theo đó, sẽ nghiêm trị đối với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố, chống đối, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội. Khoan hồng đối với người biết ăn năn hối cải, với người phạm tội lần đầu, lỗi vô ý, hậu quả không lớn.... Do vậy, trong vụ án có đồng phạm người chủ mưu, cầm đầu có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình nhưng những người khác vai trò thứ yếu có thể bị áp dụng mức hình phạt thấp hơn, thậm chí có thể phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Mục đích của hình phạt là để nhằm giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Bởi vậy, đối với những bị cáo nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, vai trò thứ yếu, do những tác động bên ngoài, hoàn cảnh xô đẩy hoặc do vấn đề nhận thức hạn chế thì mức hình phạt không cần quá nghiêm khắc cũng đủ để giáo dục cải tạo bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Trong trường hợp cần phải cách ly khỏi đời sống xã hội thì cũng chỉ cần cách ly một thời gian hợp lý, tính toán sao cho sau khi chấp hành xong mức hình phạt thì bị cáo trở thành người tốt, nhận thức tốt, sau khi tái hòa nhập cộng đồng sẽ không có nguy cơ gây hại cho cộng đồng, vi phạm pháp luật hình sự.
Đối với những bị cáo có vai trò chủ chốt, là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực với lỗi cố ý hoặc thể hiện thái độ coi thường, bất chấp pháp luật hoặc những đối tượng có nhân thân xấu, không biết ăn năn hối cải... thì hình phạt phải nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi, tương xứng với nhân thân để đủ thời gian giáo dục, cải tạo bị cáo đó, để sau khi chấp hành hình phạt vì cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.
Việc tính toán này vừa có tính chất định tính, vừa có tính chất định lượng thể hiện trình độ áp dụng pháp luật của từng thẩm phán trong các vụ án cụ thể, đối với từng bị cáo cụ thể. Hình phạt hợp lý sẽ có tác dụng, có hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật hình sự, còn hình phạt không hợp lý, quá nghiêm khắc hoặc không đủ sức răn đe thì sẽ phản tác dụng.
Tại điều 50, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Điều 54 Bộ luật hình sự cũng quy định, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 BLHS nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
“Trong vụ án nêu trên nếu kết quả xét xử không phản ánh đúng chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam, không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự thì các bị cáo có quyền kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền kháng nghị để xem xét lại phần kháng cáo, kháng nghị đó theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Hải Ninh