Mới đây, thông tin từ công an tỉnh Hậu Giang cho biết đã có kết quả điều tra ban đầu đối với
Diệp Ngọc Hà (SN 1973, trú tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh), đối tượng Hà bị cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam vào tháng 12/2019.
|
Đối tượng Diệp Ngọc Hà giả danh Công an. (Ảnh: CAND)
|
Theo đó, đối tượng Hà được xác định đã giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, Hà khai nhận đã thực hiện 6 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở TP HCM và các tỉnh miền Tây với tổng số tiền lên đến 6 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 7/2018, thông quan mối quan hệ xã hội, chị Đ.L.T (SN 1986, trú tại quận 6, TP Hồ Chí Minh) đã quen với Hà. Sau nhiều lần nói chuyện, Hà mạo nhận là chủ đầu tư dự án Khu biệt thự Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh).
Do tin tưởng, chị T. đã tìm hiểu, hỏi thăm Hà để mua nền nhà. Sau khi được Hà cho xem bản đồ tổng thể mặt bằng tỉ lệ 1/500 của dự án, chị T. đồng ý mua một khu đất với giá 4,350 tỷ đồng.
Ngày 10/8/2018, chị T. và Hà gặp nhau tại một quán cà phê ở quận 8 (TP Hồ Chí Minh) để làm hợp đồng mua bán. Tại đây, Hà nói dối rằng bản thân đang công tác tại Tổng cục An ninh (Bộ Công an) nên không tiện ký vào hợp đồng và nhờ anh ruột là Diệp Văn Đ. đứng ra ký hợp đồng mua bán với chị T. Sau khi ký hợp đồng, chị T. đã đưa cho Hà 850 triệu đồng.
Một tuần sau, Hà gọi điện cho chị T. yêu cầu đưa thêm 1,5 tỷ đồng để đóng thuế và làm giấy tờ. Sau khi nhận tiền của chị T. với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng thì Hà đã chặn mọi liên lạc với chị T. Sau khi phát hiện bị lừa đảo, chị T. đã báo vụ việc đến cơ quan cơ quan công an.
Cùng với thủ đoạn chị T., Hà khai nhận đã lừa đảo một nạn nhân tại tỉnh Kiên Giang, chiếm đoạt 1,9 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2017, ông P.T.H. (SN 1963, trú tại tỉnh Kiên Giang) quen biết Hà thông qua mối quan hệ xã hội. Hà nói dối rằng đang công tác tại Bộ Công an phía Nam, đang là chủ đầu tư dự án Khu biệt thự Phú Xuân, huyện Nhà Bè.
Sau đó, Hà dẫn ông H. đi xem mặt bằng và đưa cho xem bản phô tô dự án Khu biệt thự Phú Xuân tỉ lệ 1/500, khi xem bản vẽ thấy Hà ký tên chủ dự án cùng với các thành phần tham gia thiết kế bản vẽ nên ông H. đã tin tưởng nhận san lấp mặt bằng, thi công hạ tầng dự án. Khi hai bên ký hợp đồng, ông H. đã chuyển 1,9 tỷ đồng cho Hà.
Tương tự, vào tháng 7/2018, anh T.D.T (SN 1995, trú tại Hậu Giang) thông qua mối quan hệ quen biết đã nhờ Hà xin vào biên chế trong ngành công an, Hà đồng ý với số tiền chi phí 500 triệu đồng. Sau đó anh T. đã chuyển 20 triệu đồng cho Hà.
Tiếp đó đến giữa năm 2019, Hà hứa giúp đỡ một người đàn ông ở Cần Thơ chuyển công tác về Hậu Giang với giá 210 tiệu đồng. Nạn nhân chuyển 60 triệu đồng mới phát hiện bị lừa đảo.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm video: Giả đường dây nóng của Bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng.