Xác minh quan hệ của 11 tổ chức với vợ chồng Trương Mỹ Lan

Google News

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn đề nghị cơ quan chức năng ở nước ngoài xác minh mối quan hệ của 11 tổ chức nước ngoài với vợ chồng Trương Mỹ Lan.

Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 33 bị can.
Trước đó, vào ngày 12/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn kèm theo yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, đề nghị Tổng chưởng lý Quần đảo British Virgin, Tổng chưởng lý Quần đảo Cayman (đều thuộc Vương quốc Anh) và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) phối hợp xác minh về pháp lý của 11 tổ chức nước ngoài, giám đốc đại diện pháp luật của 11 tổ chức nước ngoài liên quan đến vụ án.
Xac minh quan he cua 11 to chuc voi vo chong Truong My Lan
Trương Mỹ Lan tại tòa. 
Trong đó, đặc biệt xác minh mối quan hệ của 11 tổ chức nước ngoài này với vợ chồng bà Trương Mỹ Lan; mối quan hệ giữa các công ty trên với tổ chức và cá nhân tại Việt Nam. Ngày 14/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn kèm theo yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự xác minh đối tượng Chiu Bing Keung Kenneth, Chen Yi Chung về các nội dung liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, đến nay các yêu cầu tương trợ tư pháp nêu trên chưa có kết quả.
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đồng thời nắm trên 90% cổ phần tại ngân hàng SCB. Bà Lan còn lập hàng loạt công ty ma, không hoạt động, thuê người thành lập công ty, ký khống tài liệu… nhằm phục vụ các hoạt động tài chính của Vạn Thịnh Phát. Tính đến tháng 10/2022, tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay.
Trong số các doanh nghiệp thuộc Vạn Thịnh Phát, có 656 công ty vay tiền của SCB, hiện 435 công ty còn dư nợ, đều thuộc nhóm 5 (không có khả năng thu hồi); 85 công ty được dùng để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và 63 công ty dùng để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về. Từ năm 2018 – 2020, bà Lan cùng đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán của 4 pháp nhân gồm Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại TP.HCM..
Việc phát hành được thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và nhân viên ngân hàng SCB. Số 25 gói trái phiếu này có tổng giá trị 30.869 tỷ đồng và đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư. Ngoài lừa đảo 30.081 tỷ đồng nói trên, Trương Mỹ Lan còn tham ô hơn 415.000 tỷ đồng của ngân hàng SCB (đã bị xử lý ở phiên tòa hồi tháng 4), tổng hai khoản lên tới hơn 445.000 tỷ đồng. Trương Mỹ Lan "rửa sạch" số tiền khổng lồ nói trên bằng cách sử dụng hàng nghìn pháp nhân, cá nhân để chuyển tiền lòng vòng, rút tiền mặt ra chi tiêu, đầu tư... Việc này diễn ra trong giai đoạn 2018 – 2022.
Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bà Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật; tổng số được vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỷ đồng. Bà Lan khai tiền chuyển về Việt Nam là đi vay còn ở chiều ngược lại là trả nợ.
Hồi tháng 4, trong lần đầu tiên hầu tòa, bà Lan bị TAND TP.HCM phạt tử hình về các hành vi tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại ngân hàng SCB. Sau đó, nhiều người kháng cáo nên hồ sơ được chuyển tới TAND cấp cao tại TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền. Trong vụ án này, tỷ phú Hồng Kông, Chu Lập Cơ (Chu Lap Kee Eric) bị truy tố về hành vi rửa tiền trong vai trò đồng phạm với vợ là Trương Mỹ Lan. Ông Cơ trước đó bị phạt 9 năm tù do thông đồng, vay sai quy định để rút tiền của SCB và cũng đang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
>>> Xem thêm video: Xét xử 2 cán bộ thuế An Giang: Người thừa nhận hám lợi, người đỗ lỗi do hoàn cảnh
 Nguồn: Pháp Luật TP HCM 
Gia Đạt