Việc UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) san phẳng quả đồi và chi 14 tỷ đồng dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức (thị trấn Khâm Đức) nhưng kéo dài 3 năm qua chưa hoàn thiện do chưa đủ kinh phí thu hút sự quan tâm của dư luận.
Phước Sơn là một trong 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Nơi đây đa phần là người dân tộc thiểu số, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, hiện có tỷ lệ hộ nghèo là 25,61%.
Dù lãnh đạo huyện nói rằng, việc xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức nhằm mục đích, lưu giữ lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và giúp địa phương phát triển du lịch. Nguồn kinh phí lấy từ ngân sách tiết kiệm của địa phương chứ không lấy từ nguồn ngân sách hỗ trợ đồng bào nghèo theo Nghị quyết 30a.
Tuy nhiên, thực tế, tại địa phương đã có bia di tích lịch sử chiến thắng Khâm Đức được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hơn nữa việc dự toán lấy kinh phí 14 tỷ từ ngân sách địa phương nhưng 3 năm qua, công trình triển khai chậm tiến độ do… thiếu kinh phí nên phải làm từng bước một dẫn đến sự phản cảm.
Dư luận đặt câu hỏi, khi địa phương còn nghèo, chưa đủ kinh phí để dựng tượng đài thì có nhất thiết phải xẻ đồi, triển khai xây dựng công trình tượng đài đến 14 tỷ đồng, trong khi cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây không ít hộ dân nơi đây. Số tiền từ ngân sách tiết kiệm ấy nếu dùng để chăm lo đời sống, giúp người dân thoát đói, thoát nghèo thì sẽ thực sự thiết thực và ý nghĩa hơn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dù biết rằng, việc xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức để ghi nhớ chiến công chiến thắng Khâm Đức – Ngok Tavak cách đây 52 năm, giải phóng hoàn toàn huyện Phước Sơn, tưởng nhớ, ghi công những anh hùng dân tộc, các liệt sĩ,…
Tuy nhiên, huyện Phước Sơn vẫn là một huyện nghèo. Do vậy, khi xây dựng tượng đài có dự toán 14 tỷ đồng, chính quyền địa phương cần phải tính toán chi phí để xây dựng cho hợp lý, từ việc nguồn kinh phí lấy từ đâu, đúng tiến độ hoàn thành và vẫn đảm bảo các chính sách giúp người dân thoát nghèo hiệu quả.
“Thực tế 14 tỷ đồng với ngân sách của nhiều địa phương thì không là gì cả. Tuy nhiên, với huyện nghèo như Phước Sơn, để bỏ ra 14 tỷ xây dựng tượng đài chiến thắng mà 3 năm qua chưa hoàn thành do thiếu kinh phí thì rất là phản cảm. Một huyện rất khó khăn, rất nghèo, Trung ương hỗ trợ, tỉnh hỗ trợ lo cho người dân. Thậm chí, trung ương cấp ngân sách lo cho đời sống cán bộ công chức viên chức mà xây tượng đài 14 tỷ mãi chưa xong thì rất là lãng phí” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Hòa cho rằng, nếu có nguồn ngân sách dồi dảo như Hội An (Quảng Nam) thì chuyện 14 tỷ xây tượng đài là chuyện nhỏ nhưng với địa phương như Phước Sơn thì 14 tỷ rất lớn.
“Tất nhiên, việc xây dựng tượng đài phải xin ý kiến của HĐND huyện, của UBND tỉnh Quảng Nam. Việc lấy từ ngân sách của huyện mà huyện nghèo làm gì có tiền. Bởi ngân sách trung ương, của tỉnh còn phải rót về cho Phước Sơn. Do đó, đây là không thực tế, thậm chí có thể dùng từ giả dối” – đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Thậm chí, đại biểu đoàn Đồng Tháp còn cho rằng, việc xây dựng tượng đài này theo ý muốn chủ quan của ai đó.
“Bởi xây dựng tượng đài 3 năm mà không xong trong khi bình thường chỉ 1 năm là hoàn thiện. Thực tế đây không phải là công trình đồ sộ, lớn lao mà chỉ có dự toán 14 tỷ. Do đó, lãnh đạo địa phương, người có trách nhiệm tính toán chưa kỹ, chưa chi li. Nếu huyện nghèo quá, muốn xây dựng phải xin trung ương, xin tỉnh. Bởi đây là nơi kháng chiến chống Mỹ, có lịch sử để lại thì mới xin kinh phí để xây tượng đài. Khi trung ương đồng ý, tỉnh đồng ý thì mới lấy ngân sách từ trung ương và tỉnh thì khác” – đại biểu Hòa cho biết.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Ông Hòa cho rằng, huyện Phước Sơn chỉ thông qua HĐND huyện rồi lấy ngân sách từ địa phương mà địa phương làm gì có tiền mà ngân sách tiết kiệm. Nếu nói lấy ngân sách từ địa phương thì là sự giả dối và phản cảm với người dân.
“Huyện nghèo mà bất chấp làm như vậy là không nên. Phải xem lại ý đồ và những người có suy nghĩ thời điểm đó để xây dựng. Tôi cũng đã từng làm ở chính quyền địa phương từ xã, huyện nên làm gì phải tính toán kỹ khả năng ngân sách của mình để cân đối được rồi xin ý kiến của tỉnh, của trung ương nếu người ta đồng ý thì mới làm. Nếu không có thì xin ý kiến của Trung ương, tỉnh nếu đồng ý thì cấp ngân sách về xây dựng cho xong. Do vậy, tôi cho rằng lời nói không thực tiễn mà là ý muốn của một vài cá nhân để làm chuyện đó thì không nên”, đại biểu Hòa cho hay.
Đồng thời, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thay vì xây tượng đài, lẽ ra nên dành số tiền đó để giúp người dân thoát đói, thoát nghèo. Khi đủ điều kiện hãy tính đến việc xây tượng đài thì người dân sẽ đồng thuận hơn và không tạo ra sự phản cảm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tượng đài 1400 tỷ: Vụng chèo, vụng cả chống
Tâm Đức