Xe biển xanh dự đám cưới con Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng: Không thể chỉ rút kinh nghiệm!

Google News

(Kiến Thức) - Không kỷ luật, chỉ rút kinh nghiệm liệu có chấn chỉnh được những cán bộ sử dụng ô tô biển xanh sai mục đích khi đi đám cưới con bà Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng hay sẽ tiếp tục là minh chứng cho lỗ hổng thể chế chịu trách nhiệm vẫn tồn tại trong suốt thời gian qua.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất không đưa ra hình thức kỷ luật những cán bộ dùng ô tô biển số xanh đi đám cưới con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng ban Dân vận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng.
Đồng nghĩa với việc không kỷ luật là việc những cán bộ, đơn vị sử dụng xe công sai mục đích sẽ chỉ phải rút kinh nghiệm.
Thông tin trên khiến dư luận ngay lập tức vô cùng ngạc nhiên và bức xúc, thậm chí nhiều người đã phải thốt lên rằng, sợi dây kinh nghiệm tiếp tục là “bảo bối” vạn năng, được xem như là truyền thống khi cán bộ công chức không chấp hành những quy định.
Hình ảnh hàng loạt xe biển xanh, biển đỏ thản nhiên đi dự đám cưới con trai bà Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng được báo chí đăng tải ngay sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP nêu rõ việc dùng xe công sai mục đích bị phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.
Xe bien xanh du dam cuoi con Truong doan DBQH Soc Trang: Khong the chi rut kinh nghiem!
Xe biển xanh đến dự đám cưới con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào. 
Trước đó, rất nhiều lần, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính - cơ quan được giao quản lý công sản đã có nhiều chỉ đạo, công văn yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở không được dùng xe công sai mục đích.
Ở cấp độ địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng vừa mới ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng sử dụng xe công đi đám cưới, đi chùa, đám tang... nhưng từ năm 2015, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khi đó là ông Nguyễn Văn Thể đã từng ký công văn yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xử lý xe công, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí và quản lý tài sản công theo đúng quy định.
Tuy nhiên, thay vì chấp hành nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, hàng loạt xe công của các đơn vị thản nhiên chở cán bộ, lãnh đạo đến dự đám cưới bà Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng.
Việc này không chỉ vi phạm các quy định về quản lý sử dụng xe công mà còn vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương cán bộ Đảng viên.
Những cán bộ bất tuân quy định trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý và sử dụng tài sản công không đúng mục đích thì cần phải xử lý nghiêm minh như việc mà chính tỉnh Sóc Trăng đã làm khi kỷ luật ông Võ Huy Hoàng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) do dùng xe công của cơ quan đi chùa trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua.
Tuy nhiên, việc không kỷ luật mà chỉ yêu cầu các đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm là cách xử lý không nghiêm minh và khó chấn chỉnh được thực trạng vi phạm sử dụng xe công tràn lan như mục đích của UBND tỉnh Sóc Trăng khi ban hành chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý xe công.
Đồng thời là minh chứng cho lỗ hổng thể chế chịu trách nhiệm vẫn tồn tại trong suốt thời gian qua khi việc “rút kinh nghiệm” được xem như bảo bối khi cán bộ công chức không chấp hành nghiêm quy định của Trung ương và địa phương/ Thực tế, rút kinh nghiệm không phải là hình thức kỷ luật.
Cố Bí thư Đà Nẵng – ông Nguyễn Bá Thanh đã từng nói rằng: “Có một sợi dây dài nhất là “dây kinh nghiệm” vì cứ rút mãi mà nó không hết. Khi có khuyết điểm, thiếu sót, tiêu cực, nếu bị phát giác, phê bình kiểm điểm thì trước hết là người ta… rút kinh nghiệm. Cái “sợi dây” này cứ rút mãi năm này qua năm khác mà nó vẫn còn. Nên nó được xem là cái “dây” dài nhất”.
Điều đáng buồn, ở Việt Nam, “rút kinh nghiệm” được gìn giữ một cách truyền thống. “Rút kinh nghiệm” được truyền tay nhau từ ngành này sang nghành khác, tỉnh này sang tỉnh kia, đơn vị này sang đơn vị khác”. Tất nhiên, rất nhiều loại vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động công quyền đều được xử lý bằng “rút kinh nghiệm”.
Thực tế, lâu nay, có rất nhiều vi phạm “tày trời” từ các vị “công bộc của dân” nhưng chỉ cần “rút kinh nghiệm” là xong. Không khó để tìm kiếm những ví dụ điển hình như sự cố môi trường nghiêm trọng dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh, người chịu trách nhiệm cao nhất về lĩnh vực môi trường của tỉnh này lại chỉ phải “rút kinh nghiệm”; lãnh đạo một cơ quan bị tố vi phạm đạo đức, ảnh hưởng đến tập thể cũng xin rút kinh nghiệm. Một dự án giao thông có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, khánh thành chưa bao lâu thì đã xuất hiện lún, nứt, vậy mà ban quản lý dự án cũng chỉ bị xử lý ở mức yêu cầu “rút kinh nghiệm”. Bổ nhiệm sai quy trình cuối cùng cũng chỉ... “rút kinh nghiệm”.... Con đường đẹp nhất Việt Nam ở Hà Nội bị chặt hạ toàn bộ cây cổ thụ để thay thế cây vàng tâm khiến không chỉ người dân thủ đô mà nhiều nhà khoa học, giới trí thức, văn nghệ sĩ bức xúc... nhưng cũng chỉ được “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Bởi vậy, dư luận đã quá phát ngán với cụm từ “rút kinh nghiệm”. Bởi thực tế “rút kinh nghiệm” không phải là giải pháp để chấn chỉnh khi nay rút, mai người ta lại tiếp tục tái phạm. Cái giá của sự rút kinh nghiệm không chỉ dừng lại ở những sai phạm liên tiếp tiếp diễn mà còn thất thoát tiền ngân sách, tài sản, làm mất niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bởi vậy, dư luận không đồng tình và yêu cầu Tỉnh ủy Sóc Trăng cần căn cứ quy định có hình thức kỷ luạt với những cán bộ sử dụng xe công sai mục đích chứ không thể chỉ mãi “rút kinh nghiệm”.
Thiên Nga