Sáng 4/4, Thường trực HĐND TP.HCM họp phiên giải trình về tình hình thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) năm 2016 trên địa bàn TP. Nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến chất lượng hoạt động chữa cháy, trang thiết bị cũng như bảo đảm an toàn cháy nổ được đặt ra cho lực lượng Cảnh sát PCCC TP. HCM.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung bày tỏ băn khoăn về việc tập huấn công tác PCCC cho lực lượng thợ hàn xì. Bà Nhung cho rằng, đây là lực lượng lưu động, làm việc không cố định nhưng hàn xì lại có khả năng gây cháy cực kỳ cao.
|
Cảnh sát PCCC phun bọt tuyết dập tắt đám cháy tại một cây xăng ở quận Gò Vấp. Ảnh: Lê Quân. |
Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân tỏ ra bất ngờ với thông tin xe chữa cháy chỉ tiếp cận được tới tầng 20 của tòa nhà.
"TP.HCM là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, công ty nước ngoài đầu tư, có rất nhiều tòa nhà cao tầng. Cảnh sát PCCC đã có sự chuẩn bị như thế nào. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, thiết bị chữa cháy của chúng ta đã được trang bị chuẩn chưa và ở mức độ nào?”, bà Xuân đặt câu hỏi.
Theo đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM thừa nhận hiện nay xe thang chữa cháy của TP chỉ tiếp cận được đến tầng 20. Trong khi đó, toàn TP hiện có khoảng 1.000 nhà cao tầng từ 25-100 m. Tuy nhiên, ông Bửu cho rằng, đây là tình trạng chung của các nước trên thế giới chứ không phải do phương tiện PCCC của TP lạc hậu.
Đại tá Bửu khẳng định Cảnh sát PCCC hoàn toàn đủ sức lên các tầng cao. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc các chủ đầu tư cao ốc có tuân thủ các yêu cầu thiết kế về PCCC hay không.
Báo cáo của Cảnh sát PCCC TP.HCM cho thấy năm 2016, toàn TP xảy ra 2.223 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, có 1.960 vụ cháy, tăng 433 vụ (gần 30%) so với năm trước. Các vụ cháy đã làm chết 9 người, bị thương 36 người, thiệt hại về tài sản theo báo cáo ban đầu ước tính khoảng 260 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã cứu được 29 người từ các đám cháy.
Đặc biệt, trong tháng 12/2017 và quý 1 năm nay, tình hình cháy khu vực dân cư, nhất là cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất vẫn tiếp tục gia tăng mức độ thiệt hại về người và tài sản, gây tâm lý bất an trong xã hội.
Theo báo cáo của đại tá Lê Tấn Bửu, TP.HCM có trên 240.000 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động không thuộc diện quản lý của lực lượng Cảnh sát PCCC như: nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, nhóm trẻ, cơ sở phế liệu... Các cơ sở này đều chưa đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại cao.
Theo Hà Hương/Zing News