Xe quá tải có logo nghi bảo kê: "Chống lưng"… cần điều tra, xử nghiêm?

Google News

“Điều tra làm rõ có ai chống lưng cho xe quá tải hay không?" – chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Hội nghị sơ kết quý I của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây nhận được sự đồng tình của dư luận.

Tại Hội nghị sơ kết quý I của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đề cập đến tình trạng xe quá tải trọng diễn ra tại nhiều địa phương, nhiều xe tải cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải dẫn đến tình trạng đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp. Ông dẫn ví dụ về việc lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý hàng chục xe bồn chở quá tải trên 50% ngay giữa thủ đô Hà Nội đêm 5/4 mới đây.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh, vấn nạn này không chỉ mới tái diễn gần đây, báo chí còn nêu cả việc những xe vi phạm có logo nhận diện riêng, nghi ngờ có bảo kê, chống lưng.
“Dư luận xã hội rất bức xúc khi thấy những tuyến đường đầu tư cả trăm cả ngàn tỷ xuống cấp trầm trọng, mặt đường hằn lún, đầy ổ gà, ổ trâu chỉ sau một thời gian ngắn bị xe quá tải lưu thông, tai nạn cũng từ đó mà tăng lên. Cần khẳng định việc chở hàng hoá quá tải trọng cầu đường chính là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, cần phải xử lý thật nghiêm” – Phó Thủ tướng nói.
Xe qua tai co logo nghi bao ke:
 Ảnh minh họa.
Ông đề nghị công an chỉ đạo điều tra, xác minh trả lời công luận xem có ai chống lưng cho xe quá tải hay không? Có thì xử lý thật nghiêm, không có thì cũng công bố để dư luận đỡ nghi ngờ.
“Điều tra làm rõ có ai chống lưng cho xe quá tải hay không?” – ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình được dư luận đồng tình. Bởi thời gian qua, không ít vụ việc xe quá tải vi phạm có logo nhận diện riêng, có tình trạng bảo kê, chống lưng đã được phanh phui.
Ví dụ điển hình như vụ việc "bảo kê" logo “xe vua” ở Hà Nội đã được cơ quan công an làm rõ, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can, trong đó có 4 bị can đều là nguyên là cán bộ Thanh tra giao thông bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” để bảo kê cho xe quá tải hoạt động. Tại TP HCM, …các cơ quan chức năng cũng đã từng phanh phui ra đường dây “logo xe vua” gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian dài.
Hiện nay, trước tình trạng xe quá tải, quá khổ gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn tái diễn, các địa phương đã quyết liệt tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng xe quá tải đã tái diễn trở lại và ngày càng gia tăng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương. Ngoài nhiều nguyên nhân khách quan, dư luận cũng đặt câu hỏi về việc có ai chống lưng cho xe quá tải hay không?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay tình trạng xe quá tải vẫn xảy ra trên cả nước, không loại trừ tình trạng bảo kê, chống lưng của lực lượng thực thi pháp luật như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông. Việc bảo kê, chống lưng sẽ tạo ra nhiều bất cập trong việc xử lý, dẹp bỏ tình trạng xe quá tải, tạo ra sự bất hợp lý, không công bằng giữa các chủ xe, lái xe với nhau.
“Việc xe quá tải lưu thông trên đường gây nhiều hệ lụy như khiến kết cấu hạ tầng giao thông xuống cấp, gây tai nạn giao thông. Do đó, việc Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị công an chỉ đạo điều tra, xác minh trả lời công luận xem có ai chống lưng cho xe quá tải hay không? nếu có xử lý thật nghiêm thể hiện sự cương quyết chỉ đạo, giải quyết vấn nạn trên một cách triệt để. Tôi và người dân, cán bộ công chức đều rất đồng tình. Phải làm rõ ai bảo kê, chống lưng để xử lý nghiêm, trả lời cho công luận, tạo niềm tin tuyệt đối của người dân vào Đảng và Nhà nước” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Phê bình 30 tỉnh có số người chết do TNGT tăng
Tại Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực phê bình 30 tỉnh có số người chết do TNGT tăng so với quý I/2020, đặc biệt là 5 tỉnh có số người chết tăng trên 70% trở lên. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh có TNGT tăng cao phải chỉ đạo sâu sát và quyết liệt hơn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong quý 2 và cả năm 2021.
Chỉ rõ nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa khắc phục triệt để. Đặc biệt, điều đáng lo ngại nhất là số người tử vong do TNGT trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 33 người so với cùng kỳ năm 2020 (2%); riêng tháng 2/2021, tai nạn tăng cả 3 tiêu chí, đặc biệt là số người chết tăng 88 người (16,48%) so với tháng 2 năm 2020.
Tháng 3/2021, tình hình TTATGT có cải thiện nhưng lại xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải đặc biệt là vụ TNGT xe ô tô tải tại Thanh Hóa, ngày 22/3/2021 làm 7 người tử vong; tai nạn hàng hải tăng cao cả số vụ, số người chết và mất tích.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội: “Mỏi tay” phạt xe quá tải

Nguồn: VTC14

Hải Ninh