Cụ thể, ở khối quân đội, so với năm 2017, mức điểm này giảm từ 3-5 điểm. Thậm chí có ngành giảm gần 9 điểm (Học viện Quân y). Cụ thể, thí sinh nam ở miền Bắc dự thi vào Học viện Quân y, khối A00, có mức trúng tuyển là 20,05 điểm. So với năm 2017 là 29 điểm. Thí sinh nam ở miền Nam có điểm trúng tuyển là 20,6 điểm. So với năm 2017 là 27, 25 điểm. Ở khối công an, Học viện Cảnh sát nhân dân có điểm chuẩn cao nhất là 27,15 điểm, thấp nhất là 18,45 điểm. Điểm trúng tuyển Đại học Phòng cháy Chữa cháy dao động từ 22,95 - 24,4 điểm.
Tương tự khối ngành y, dược thuộc top đầu điểm chuẩn cũng giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2017, Đại học Y Hà Nội có điểm chuẩn đứng đầu là 29,25 với ngành Y đa khoa. Đây được xem là ngành hot nhất của trường và liên tục có điểm chuẩn cao.
|
Sau khi nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn chính thức, nhiều người “giật mình” vì điểm chuẩn thấp “đột biến” so với mọi năm. |
Năm 2016, mức điểm trúng tuyển của ngành là 27 nhưng đến năm 2018, con số này giảm xuống chỉ còn 24,75, mức thấp nhất trong 3 năm gần đây. Với Khoa Y - Dược Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn cao nhất là 22,75 (ngành Y khoa), giảm 4,5 điểm so với năm 2017. Ngành Răng hàm mặt lấy 21,5 điểm, trong khi năm ngoái là 25,25...
Lý giải điểm chuẩn giảm mạnh năm nay, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên trực tuyến tại Hà Nội nhận định, nguyên nhân quan trọng nhất là do đề thi năm nay quá khó. Hai là, năm nay Bộ đã giảm mức điểm cộng khu vực chỉ còn 1/2 so với trước (từ 1,5 điểm giảm xuống còn 0,75 điểm). Ngoài ra, trong xu hướng lựa chọn ngành nghề, học sinh ở các thành phố lớn thường nghiêng về kinh tế, dịch vụ, khai thác nhiều thế mạnh về ngoại ngữ, hơn là khối ngành y, dược, hay trường công an, quân đội…
Do đó, sự ảnh hưởng của việc giảm điểm cộng khu vực tới các trường top đầu cũng cao hơn so với trường khác. Nguyên nhân cuối là do thiếu tư vấn, phân tích, hỗ trợ chính xác, tin cậy nên nhiều học sinh đánh giá chưa đúng về mặt bằng điểm chuẩn năm nay. Điều này khiến cho không ít sĩ tử có mức điểm rất tốt, từ 22-25 (tương đương 26-29,5 năm 2017) trượt cơ hội vào những trường top đầu theo mong ước.
Nhiều trường xét tuyển bổ sung 20-30%
Theo quy định, đến 17 giờ ngày 12/8 là hạn cuối TS trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học. Sau đó, các trường mới biết được tình hình do tỷ lệ gọi TS nhập học đợt 1 của các trường. Ngoài ra, nhiều trường cũng có các nguồn tuyển khác từ học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực... Chưa kể số lượng học sinh đi du học ngay sau khi thi THPT hiện rất đông. Tất cả những nguyên nhân này khiến khả năng nhiều trường đại học vẫn xét tuyển bổ sung.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia TP HCM cũng cho biết, tính về số lượng, sau đợt xét tuyển đầu tiên, các trường sẽ xét tuyển khoảng 70% chỉ tiêu.
Các trường top trên, các ngành hấp dẫn gần như xét được 100% chỉ tiêu. Khoảng 30% chỉ tiêu còn lại tập trung ở các trường địa phương, tư thục hoặc các ngành không hấp dẫn. Ví dụ như, đại học Quốc tế Sài Gòn: Có thể chỉ còn xét bổ sung khối ngành khoa học máy tính (20 - 30% chỉ tiêu).
Theo TS. Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, ở đợt xét tuyển này, các trường sẽ tự quyết thời gian kết thúc nhận hồ sơ. Nhiều khả năng các trường sẽ rút ngắn thời gian xét tuyển bổ sung để nhanh chóng bước vào năm học mới.
Theo Thu Hằng/VOV